Làng nghề hương trầm Quỳ Châu, Nghệ An

(VOV5) - Để có được những búp hương mang mùi thơm đặc biệt của vùng núi miền Tây xứ Nghệ, những người làm hương phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến công đoạn quấn hương để tạo thành cây hương hoàn thiện.

Làng nghề hương trầm Quỳ Châu, Nghệ An đã có truyền thống 40 năm lại nay. Làng nghề không chỉ gìn giữ đươc nét văn hóa Dân tộc Việt Nam mà còn tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở vùng cao thoát nghèo.

Làng nghề hương trầm Quỳ Châu, Nghệ An - ảnh 1Hương trầm Quỳ Châu nổi tiếng hàng chục năm qua - Ảnh:HQ/ laodong

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tân Lạc là thị trấn mới đổi tên của huyện Quỳ Châu, cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hơn 170km. Nói đến Quỳ Châu là nhớ đến sản phẩm đặc sắc hương trầm (hương thơm thắp tết) đã trở thành thương hiệu. Vào những ngày giáp Tết, khắp các ngả đường của thị trấn Tân Lạc và những bản làng của huyện Quỳ Châu, đâu đâu cũng nghe một mùi hương thơm thoang thoảng, ấm áp. Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ 30 - 40 năm nay, hiện có hơn 200 hộ gia đình làm nghề. Để có được những búp hương mang mùi thơm đặc biệt của vùng núi miền Tây xứ Nghệ, những người làm hương phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến công đoạn quấn hương để tạo thành cây hương hoàn thiện. Mùa hương trầm chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, nhưng từ những ngày đầu mùa hạ, các gia đình làm hương đã phải tất bật chuẩn bị để kịp phục vụ thị trường mùa hương Tết. Nguyên liệu chính để làm hương trầm là rễ cây hương bài, có mùi thơm dịu, có nhiều ở vùng núi xứ Nghệ. Sau khi lấy về, người ta đem rửa sạch, phơi khô, rồi nghiền nát thành bột mịn để trộn làm bột hương. Ngoài rễ cây hương bài, nguyên liệu làm hương trầm còn có các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ làm bí quyết riêng. Chân hương được làm từ những cây nứa trong rừng. Công đoạn làm chân hương cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm thì mới tạo được thân hương có thế uốn đẹp sau khi đốt. Hương trầm được sử dụng rộng rãi trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đặc biệt cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, nhà nhà lại mong có nén hương trầm ấm áp thắp lên bàn thờ gia tiên, sưởi ấm thời khắc sum vầy gia đình. Là làng nghề nổi tiếng, các sản phẩm hương trầm của Quỳ Châu được gửi đến mọi miền đất nước và nhờ đó giúp cho nhiều hộ dân có thêm thu nhập. Có việc làm ổn định, nhiều  người không còn phá rừng làm rãy nữa, chị Vi Thị Thu, dân tộc Thái ở Bản Pòn, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Công việc tuy rằng không được công cao lắm nhưng mà đều trong năm. Từ khi làm nghề này đỡ hơn phải đi rừng”.

Làng nghề hương trầm Quỳ Châu, Nghệ An - ảnh 2 Làng nghề hương trầm Quỳ Châu hiện có hơn 200 hộ gia đình làm nghề hương trầm, tạo nên một làng nghề truyền thống có tiếng ở xứ Nghệ - Ảnh: HQ/laodong

Từ chất lượng sản phẩm mang nét đặc trưng của làng nghề, hương trầm Quỳ Châu đã được tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận thương hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 1 Hợp tác xã và 7 làng nghề sản xuất hương trầm thuộc 5 xã thị trấn. Riêng thị trấn Tân Lạc có 1 hợp tác xã và 1 làng nghề với hơn 100 hộ tham gia. Chị Trần Thị Loan, Chủ nhiệm Hợp tác xã hương trầm Hà Loan, thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu cho biết, gia đình chị làm nghề này từ đời ông bà đến nay đã gần 40 năm. Nhờ nghề làm hương trầm, mỗi năm, gia đình chị thu lãi về từ 200 - 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 đến 25 lao động, với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Trần Thị Loan, Chủ nhiệm HTX hương trầm Hà Loan, cho biết: “Trước đây thì cũng làm được rất ít nhưng mới đây thì chúng tôi ngày càng phát triển đã tạo công ăn việc làm cho mọi người trong xã. Số lượng thì cứ năm sau tăng hơn năm trước. Mọi người trong vùng rất hoan nghênh vì tạo được công ăn việc làm cho họ”.

Làng nghề hương trầm Quỳ Châu, Nghệ An - ảnh 3 Nguyên liệu chủ yếu là rễ cây hương bài, hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ kín riêng của làng nghề - Ảnh: HQ/laodong

Hiện nay hương trầm Quỳ Châu không chỉ được bán rộng rãi trong thị trường cả nước mà còn được xuất đi nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ và các nước Châu Á để phục vụ bà con kiều bào xa Tổ quốc. Với sự phát triển đi lên của làng nghề, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Ông Nguyễn Thế Công, Chủ tịch Thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết: “Mỗi lần tết đến xuân về thì bình quân tổng số sản xuất doanh thu từ hương trầm của thị trấn Tân Lạc đạt khoảng 38 tỷ, mỗi lao động đạt 160 triệu trên 1 năm. Số lượng sản lượng hương trầm bình quân hàng năm khoảng 38 triệu que”.

Với mùi thơm ngào ngạt quyến rũ, xuất xứ từ núi rừng xứ Nghệ với thương hiệu hương trầm Quỳ Châu, không chỉ đem niềm vui không khí tết sum vầy gia đình ở khắp mọi miền, mà còn thắp lên ước mơ của người dân làng nghề làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Bùi thị hòa

Cho hỏi muốn mua giấy cuốn hương trầm ở đâu bán ạ, xin chỉ dùm. Cảm ơn ạ.

Nguyễn thị Thăng

Bao nhiêu tiền một chục vậy ạ

Trung

Tôi ở Đà Nẵng muốn mua hương bài. Liên hệ thế nào.

dinh thi hồng

Mình muốn mua hương

Các tin/bài khác