Mô hình sinh kế từ nghề đan lục bình của người dân Sóc Trăng

(VOV5) - Nghề đan lục bình không còn xa lạ với người dân vùng sông nước tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Không chỉ giúp cho lao động nhàn rỗi ờ nông thôn có thêm thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, nghề này còn tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Nghề đan lục bình ở Thị xã Ngã Năm nhiều năm qua đã giúp người dân ở vùng nông thôn có thu nhập ổn định. Gia đình ông Nguyễn Phước Hữu, ngụ ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, hàng ngày vẫn tất bật đan chậu hoa, nệm, giỏ xách … từ nguyên liệu lục bình. Gia đình ông Hữu tham gia đan lục bình từ hơn 7 năm trước thay cho công việc đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Trước khi tham gia, ông được hỗ trợ học lớp nghề đan đát miễn phí. Năm ngoái, gia đình ông Hữu tiếp tục được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để thuê bãi trồng lục bình làm nguyên liệu, từ đó, giúp thu nhập gia đình cũng tăng lên.

Mô hình sinh kế từ nghề đan lục bình của người dân Sóc Trăng - ảnh 1 Nghề đan lục bình giúp bà con có thêm thu nhập. Ảnh: VOV

Ông Hữu cho biết hiện nay nếu trừ các khoản chi phí và sinh hoạt trong gia đình, hai vợ chồng ông còn dư từ trên 200.000 đồng/ngày, đời sống gia đình nhờ vậy cũng ổn định và khấm khá hơn: “Đất sản xuất toàn là loại đất phèn nên gia đình không thể sản xuất nông nghiệp được, khiến trước đây kinh tế khó phát triển, ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhờ sự phát triển nghề đan lục bình này mà gia đìnhcũng có ăn. Vợ con có nghề , có thu nhập, cũng thoải mái.”

Ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, có 250 hộ dân, thì có 90% hộ đã tham gia nghề đan đát lục bình, trung bình mỗi hộ có từ 1 đến 3 nhân khẩu đan đát, với thu nhập bình quân một người từ 70.000 đồng – 100.000 đồng/ngày.

Chị Huỳnh Thị Miển, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, Thị xã Ngã Năm, cho biết: “Mùa dịch bệnh vừa qua, thì chị em nơi đây vẫn hoạt động bình thường, khi bị ảnh hưởng gì hết nên đời sống khá thoải mái. Doanh nghiệp cũng bỏ đều đều, không có dừng. Tiền cũng hơi chậm chút thôi như trả đủ hết rồi. Chị em cũng ổn định nhiều lắm. Giờ ấp Vĩnh Hòa này đan lục bình muốn hết ấp rồi đó."

Mô hình sinh kế từ nghề đan lục bình của người dân Sóc Trăng - ảnh 2Đan lục bình tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: VOV

Nghề đan đát lục bình được hình thành gần 20 năm ở thị xã Ngã Năm, khởi đầu từ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới. Với việc làm tại nhà, thu nhập ổn định và lao động chủ yếu là trung niên trở lên, do đó, dù trong những tháng giãn cách do dịch COVID-19 vừa qua, bà con vẫn có thể đan lục bình, có thu nhập đều đặn, đảm bảo đời sống.

Từ vài hộ tham gia ban đầu đến nay có gần 500 hộ ở các xã, phường trên địa bàn thị xã Ngã Năm với trên 1.500 lao động ở địa phương tham gia. Ngoài ra địa phương còn hình thành 05 tổ hợp tác đan lát lục bình. Song song đó, ký kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, với mức giá ổn định đảm bảo lợi nhuận cho người đan lát.

Chị Nguyễn Kim Liên, Tổ trưởng Tổ hợp tác ấp Mỹ Hòa, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Lúc ban đầu thì điểm của tôi chỉ có gần mười người tham gia thôi, nhưng đến nay đã có hơn 150 chị em tham gia, nó ngày càng phát triển. Sản phẩm bên em làm ra một tuần thì khoảng trên 3000 cài. Thợ giỏi thì làm sản phẩm cái lớn thì 12.000 đồng/cái, thợ giỏi thì làm ra 20 cái/ngày. Thợ hơi lớn tuổi thì trên 10 cái/ngày. Trung bình thì chị mới biết nghề thu nhập 120.000-150.000 đồng/ ngày ngày, còn chị nào làm giỏi thì thu nhập 200.000 ngàn đồng trở lên.”

Nghề đan lục bình đang là mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân ở địa phương Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Từ mô hình này, giúp người lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm nguồn thu nhập và trang trải cuộc sống gia đình, thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây cũng là mô hình được địa phương quan tâm nhân rộng quy mô, giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập, giảm nghèo một cách bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác