Nghề làm hủ tiếu ở thành phố Cần Thơ

(VOV5) - Làng nghề làm hủ tiếu ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc nơi đây. 
Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trước đây, khu vực này có nhiều gia đình làm nghề hủ tiếu nên tạo thành làng nghề, nay chỉ còn ít hộ giữ được nghề truyền thống nhưng vẫn là những lò sản xuất hủ tiếu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hủ tiếu là món ăn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Sợi hủ tiếu làm bằng gạo trắng nùng thì dai, trong và giòn hơn những loại gạo khác. Tuy nhiên, gạo trắng nùng ở thành phố Cần Thơ hiện đang hiếm dần và không còn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất hủ tiếu nữa. Các lò làm hủ tiếu ở Cần Thơ phải đến thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để chọn nguyên liệu gạo thích hợp để làm hủ tiếu.

Nghề làm hủ tiếu ở thành phố Cần Thơ - ảnh 1Ông Huỳnh Hữu Hoài (Sáu Hoài) luôn giữ niềm đam mê với nghề làm hủ tiếu truyền thống. Ảnh: VOV

Cái Răng là nơi có nhiều gia đình làm hủ tiếu, nổi tiếng nhất là các lò Chín Cửu, Sáu Hoài... Mỗi gia đình làm nghề có bí quyết gia truyền của riêng mình trong từng công đoạn để tạo ra sợi hủ tiếu. Nhưng quan trọng nhất là phải chọn hạt gạo trắng nõn, thon dài. Tiếp theo là các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay, bòng, đánh, cho vào lu nước quậy lấy tinh bột, tráng, phơi và cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi.

Ông Huỳnh Hữu Hoài (tên thường gọi Sáu Hoài), chủ lò hủ tiếu Sáu Hoài, cho biết: “Từ khi mình làm sản phẩm thêm vào rau, củ, quả thì sợi hủ tiếu có thêm nhiều màu sắc, thêm nhiều dinh dưỡng và hàng của mình bán chạy hơn rất nhiều, bán đắt hơn khoảng 4 lần so với hủ tiếu màu truyền thống. Một làng nghề truyền thống tồn tại như thế này cũng rất là khó, vì vậy khách đến tham quan là điều mà cơ sở vô cùng khuyến khích. Họ đến tham quan và tìm hiểu thêm về cái nghề của mình. Nghề truyền thống bằng tay mà nó đã mai một rồi nên tôi không muốn thu phí để bà con mình có điều kiện dễ hơn khi đến tham quan.”

Nghề làm hủ tiếu ở thành phố Cần Thơ - ảnh 2Món "pizza hủ tiếu" độc quyền tại lò hủ tiếu Sáu Hoài. Ảnh: VOV

Bên cạnh nhiều món ăn đặc sắc được chế biến từ hủ tiếu như hủ tiếu nam vang, hủ tiếu hải sản, hủ tiếu xương.... thì bạn còn có cơ hội thưởng thức pizza hủ tiếu trứ danh xứ Tây Đô. Hủ tiếu sau khi trải qua các công đoạn chế biến được chiên để tạo nên lớp vỏ giòn dai. Khi đặt lên đĩa trông giống như một chiếc bánh pizza. Pizza hủ tiếu ăn kèm có thể là trứng chiên, đậu phụng, rau sống, tương ớt hay tương cà…

Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, người dân quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cho biết: “Khách du lịch khi vào thăm quan làng hủ tiếu lúc người ta đói chúng tôi lấy hủ tiếu cho khách ăn thử. Khách ăn họ khen ngon. Du khách Pháp ăn thử thấy ngon, người ta đặt tên là pizza hủ tiếu. Khách vào trải nghiệm được ăn thử rất vui vì ngon.”

Ngày nay, dù có máy móc hỗ trợ nhưng có nhiều công đoạn vẫn phải dùng đến bàn tay con người. Khó nhất là tráng bánh và vớt bánh vì đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Đến với các lò hủ tiếu, du khách được trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử làng nghề hủ tiếu cùng những câu chuyện thú vị xung quanh những sản phẩm đầy màu sắc. Điều đặc biệt làm đa phần khách du lịch rất thích thú là có thể được mời tham gia vào một số công đoạn làm ra sợi hủ tiếu.

Bà Dương Thị Kim Ba, thợ làm hủ tiếu ở lò hủ tiếu Sáu Hoài, cho biết: “Ở đây làm vui lắm, khách đông nhộn nhịp tối ngày luôn. Người lao động thì có thu nhập ổn định cuộc sống hàng ngày và tạo điểm cho khách du lịch tham quan. Chúng tôi giúp cho khách trải nghiệm làm hủ tiếu cũng thấy vui phần nào.

Dù đã trải qua thời gian rất lâu nhưng những lò hủ tiếu ở thành phố Cần Thơ vẫn giữ nguyên được các giá trị truyền thống của mình. Món ăn hủ tiếu luôn được các nghệ nhân làng nghề lưu giữ và phát triển phong phú, đa dạng. Các lò hủ tiếu cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn khi du khách tới thành phố Cần Thơ.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác