Phụ nữ ở Đăk Lăk chung tay giữ bình yên ở buôn làng

(VOV5) - Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở Đăk Lăk có nhiều mô hình cách làm sáng tạo thu hút tập hợp chị em người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động xã hội ở địa phương. 

Khi có sự chung tay của phụ nữ, những người chủ gia đình theo chế độ mẫu hệ, các buôn làng ở Đăk Lăk đã tìm được sự bình yên, ổn định, phát triển.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đăk Lăk là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có tới 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Bằng những mô hình cụ thể sát hợp với thực tế, các cấp hội phụ nữ ở Đăk Lăk đã tập hợp được đông đảo chị em vùng dân tộc thiểu số chung tay giữ vững bình yên buôn làng.

Phụ nữ ở Đăk Lăk chung tay giữ bình yên ở buôn làng - ảnh 1Hoạt động biểu dương những phụ nữ tiêu biểu của Đắk Lắk- Ảnh: VOV 

Những năm trước đây, buôn Sek, xã Dliêyang, huyện Ea H’leo là một trong những điểm nóng về tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đăk Lăk. Nguyên nhân là do nhiều thanh thiếu niên địa phương thường xuyên tụ tập uống rượu, gây rối, phóng nhanh vượt ẩu. Đầu những năm 2000, buôn Sek cũng là một điểm nóng về vượt biên trái phép. Tuy nhiên, từ khi có mô hình “Chi hội phụ nữ an toàn về an ninh trật tự”, buôn Sek đã dần bình yên. Hội phụ nữ buôn Sek tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân trong buôn không vi phạm pháp luật….

Chị Kpă H’Ben, Bí thư chi bộ buôn Sek, cho biết: “Từ khi có mô hình này thì trong buôn mình về tệ nạn đỡ nhiều, về vượt biên thì không có nữa. Đặc biệt là buôn của tôi thì không có người nghiện ma túy, và tai nạn giao thông thì giảm nhiều.”

Cũng là một điểm nóng về an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mga, tỉnh Đăk Lăk, đã vươn lên xây dựng nông thôn mới nhờ sự chung sức của phụ nữ địa phương. Xã Cư Dliê Mnông có 6 loại hình câu lạc bộ, tổ chức theo đặc thù từng buôn, như “câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ an ninh trật tự”, “tổ tự quản phụ nữ”, “câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”, “tiếng kẻng an ninh”…Từ các mô hình này, Hội phụ nữ xã đã bảo vệ 16 trường hợp bị bạo lực gia đình, đưa họ đến địa chỉ tin cậy tại nhà cộng đồng; hòa giải giúp 18 cặp vợ chồng đoàn tụ, cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị để bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật, giáo dục thanh niên không tụ tập uống rượu gây rối…

Phụ nữ ở Đăk Lăk chung tay giữ bình yên ở buôn làng - ảnh 2Chi Kpa HBen-một trong những phụ nữ góp phần giữ vừng sự bình yên cho buôn làng- Ảnh: VOV 

Các câu lạc bộ thu hút đông đảo phụ nữ và người dân tham gia, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ đó giữ vững bình yên buôn làng. Chị H’Yuôr Kđoh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cư DliêMnông, cho biết: “Mô hình câu lạc bộ phụ nữ khỏe đẹp hiện nay là thu hút chị em nhiều nhất. Dù mới thành lập đầu năm 2019 nhưng có nhiều độ tuổi khác nhau từ học sinh đến thanh niên, trung niên và cả người cao tuổi tham gia câu lạc bộ; vậy nên dễ dàng tập hợp chị em sinh hoạt để lồng ghép tuyên truyền phòng chống tội phạm, giữ gìn bảo vệ an ninh thôn buôn.”

Còn thôn 6A ở xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, 3 năm trước là điểm nóng về ma túy. Chi hội phụ nữ địa phương đã xây dựng mô hình “gia đình không có người thân nghiện ma túy” tuyên truyền thông tin, kiến thức pháp luật giúp các thành viên nhận thức sâu sắc về tác hại của ma túy, vận động họ không sử dụng, mua bán trái phép ma túy và nêu cao tinh thần phát hiện, tố giác tội phạm.

Chị Nông Thị Huệ ở thôn 6A cho biết trong 2 năm qua, tại thôn không phát sinh người nghiện ma túy: “Trước tiên mình phải thực hiện trước, chị em thấy đó mới làm theo, bất kể công việc gì, kể cả việc phòng chống ma túy. Khi tuyên truyền rồi chị em nhận thức được và về khuyên dạy con cái. Trong thôn 6A, gần 70 chị em trong hội phụ nữ hoàn toàn không có con nghiện. Trước kia, khi chưa có mô hình này thì còn một số người có con bị nghiện.”

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút đoàn kết chị em trong vùng dân tộc thiểu số, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đăk Lăk, cho biết hoạt động hàng đầu là tập trung giúp phụ nữ nâng cao kinh tế, ổn định đời sống, từ đó họ mới yên tâm tham gia các hoạt động địa phương, gắn với thực hiện tốt các chính sách pháp luật.

Thời gian qua, rất nhiều mô hình câu lạc bộ phụ nữ đã được mở ra, nhân rộng trên toàn tỉnh. Tùy theo đặc thù mỗi khu dân cư mà Hội có cách thức tổ chức phù hợp với phụ nữ địa phương và xây dựng những điển hình tiên tiến trong từng lĩnh vực. Đến nay, hội phụ nữ toàn tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng, biểu dương 945 điển hình trên các lĩnh vực, trong đó gần một nửa là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng liên tục rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình để có sự điều chỉnh phù hợp hơn: "Một trong những đột phá mà chúng tôi đang làm đó là xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình bình đẳng tiến bộ hạnh phúc, đã quy tụ được đông đảo chị em người dân tộc thiểu số, các hộ gia đình, kể cả đàn ông tham gia. Từ những câu lạc bộ này, Hội phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình bỏ những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc ở từng địa phương." - Bà Nguyệt nói.

Bằng những mô hình cụ thể, phù hợp với thực tế, các cấp hội phụ nữ ở Đăk Lăk là chỗ dựa vững chắc cho chị em vùng dân tộc thiểu số; tích cực vận động chị em cùng chung tay bảo vệ buôn làng, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no hạnh phúc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác