Tinh hoa nghề mộc làng Chàng Sơn

(VOV5) - Những người thợ Chàng Sơn đã chạm khắc nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo bậc nhất Việt Nam. Trong số đó, tiêu biểu là 18 pho tượng La Hán và bộ tượng Phật tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.

Làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một trong những làng nghề mộc lâu đời ở Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề mộc ở Chàng Sơn không bị mai một mà ngày càng phát triển, các sản phẩm mộc của làng nghề ngày càng vươn xa, chiếm lĩnh các thị trường lớn trên toàn quốc.

Tinh hoa nghề mộc làng Chàng Sơn - ảnh 1 Đình làng Chàng Sơn

Ngày nay, người dân trong làng không ai biết chính xác nghề mộc Chàng Sơn ra đời khi nào, ai là tổ nghề vì trong làng có nhiều ngôi Đình nhưng không Đình nào thờ Thần Hoàng làng làm nghề mộc. Truyền thuyết cho rằng nghề mộc Chàng Sơn có từ thời Vua Hùng dựng nước. Giai thoại về ngôi làng có nhiều người thợ mộc giỏi đến mức đích thân Thánh Tản Viên xuống núi mời ông Phó cả Sần dẫn đầu tốp thợ trong làng lên để sửa đình thờ cho nhà mình. Câu chuyện cụ Phó Sần từng được nhà văn Nguyễn Tuân đề cập trong tác phẩm “Vang bóng một thời”. Trong tác phẩm “Dư địa chí” của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, viết giữa thế kỷ XV đã nhắc đến nghề mộc Chàng Sơn. Vào thế kỷ XVI, một số nghệ nhân của làng được mời sang Trung Quốc tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm cho nhà Minh, nhà Thanh.

Sản phẩm mộc ở làng Chàng Sơn phong phú, đa dạng từ sập gụ, tủ chè, cửa võng, kiệu, hoành phi câu đối, chạm, khắc đình chùa... cho đến các đồ gia dụng khác. Mảnh đất này tự hào là cái lò cho ra đời những bộ tràng kỷ chế tác tinh xảo, thiết kế mô phỏng các bộ tranh tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai)… Một sản phẩm rất độc đáo nữa của làng mộc Chàng Sơn được du khách trong và ngoài nước yêu thích là các tấm bài vị. Đây là sản phẩm đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mỉ. Ông Nguyễn Khắc Tiến, một trong những nghệ nhân của làng Chàng Sơn, cho biết: “Ở Chàng Sơn làm nhà gỗ cổ truyền là nổi tiếng nhất. Nếu làm nhà cổ ở Việt Nam tôi có thể đánh giá Chàng Sơn là hàng đầu. Nghề nhà cổ có ý nghĩa văn hóa, tính giáo huấn rất cao. Mỗi cái làm khoảng 2 năm mới hoàn thành. Cách đây khoảng 10 - 15 năm thợ Chàng Sơn sửa tất cả các quần thể di tích ở Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hà, chùa Sủi, đền Bạch Mã".

Tinh hoa nghề mộc làng Chàng Sơn - ảnh 2
Nghệ nhân nguyễn khắc tiến đang chế tác sản phẩm 

Những người thợ Chàng Sơn đã chạm khắc nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo bậc nhất Việt Nam. Trong số đó, tiêu biểu là 18 pho tượng La Hán và bộ tượng Phật tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến cho biết thêm: “Chùa Tây Phương do thợ Chàng Sơn làm, những cái mộng, xà ở chùa cách đây 300 năm giờ vẫn kín đét như liền. Những pho tượng chùa Tây Phương như thật, đúng quá, thật quá. Khi bước vào nhìn pho tượng người ta cảm thấy rùng mình, cảm thấy pho tượng có hồn. Đục được những pho tượng đó có lẽ phải cả đời người ta mới đục được. Bây giờ không ai làm được".

Trước đây, Chàng Sơn có nhiều tốp thợ mộc, tốp thợ nào cũng lành nghề. Mỗi tốp thợ đều có một người đứng đầu gọi là ông Phó cả. Chàng Sơn ngày nay không thiếu thợ giỏi, cả làng có 6 nghệ nhân và hầu hết thợ trong làng đều là thợ giỏi. Nghệ nhân Nguyễn Thư Viện, bậc cao niên trong làng, kể: “Chàng Sơn thợ rất giỏi, từ ngày xưa đã phải công nhận. Người ta cứ nghe nói đến thợ Chàng Sơn là họ yên tâm. Thợ khéo đến mức độ sản phẩm của mình làm lại mà không làm được nữa vì nó quá mức tưởng tượng của mình, cầu kỳ, tinh xảo quá. Quả thật đến tôi là người Chàng Sơn, nhà có 3 đời làm mộc mà khi làm ra sản phẩm cũng không nghĩ là nó lại đẹp đến thế, tuyệt vời đến như thế, sản phẩm đẹp hơn mẫu".

Mộc làng Chàng Sơn độc đáo bởi hoa văn tinh tế, tinh xảo từng chi tiết. Người mua tìm đến nườm nượp, siêu lòng với những sản phẩm của làng nghề này. Anh Nguyễn Văn Viên, một thợ mộc ở làng Chàng Sơn, cho biết: “Làng Chàng Sơn có thế mạnh về ghép mộng. So với các nơi khác thì làng tôi ghép mối mộng rất kín, sắc nét, nhất là về đồ tràng kỳ, bàn ghế cao cấp, các loại nhà gỗ. Không cần dùng đến đinh, hoàn toàn dùng kết cấu mộng của những đố, xà, kèo chính kết cấu với nhau. Chúng tôi hầu hết bây giờ làm hàng may đo, tức là làm hàng đặt theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng chúng tôi ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước".

Chàng Sơn đã được Hội làng nghề Việt Nam công nhận là “Làng nghề truyền thống tiêu biểu Việt Nam”. Chàng Sơn hiện nay có hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nghề mộc. Chàng Sơn cũng đã quy hoạch một khu làng nghề truyền thống, trong đó có những siêu thị đồ gỗ cao cấp. Đến với làng nghề Chàng Sơn, người ta có thể thấy rõ không khí lao động sản xuất hăng say, nhộn nhịp của một trong những làng nghề mộc nổi tiếng Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác