Đưa vở opera “Cô Sao” về với Sơn La

(VOV5) - Với mong muốn tri ân nhân dân cùng các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La, trong 2 ngày 25, 26/ 3 tới, Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức công diễn vở nhạc kịch “Cô Sao” tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Theo Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vở nhạc kịch “Cô Sao” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận “thai nghén” trong thời gian bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Sơn La. Ngoài ý nghĩa là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, tác phẩm “Cô Sao” có nội dung gắn liền với cuộc sống đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.

Đưa vở opera “Cô Sao” về với Sơn La  - ảnh 1
Nghệ sỹ Thăng Long trong vai Cô Sao (Ảnh: Dân trí)


Vở nhạc kịch “Cô Sao” kể về một người con gái Thái xinh đẹp mang tên A Sao. Cô mồ côi cha mẹ, sau đó bị kẻ xấu vu oan hãm hại là có ma trong người, A Sao phải một mình vào rừng sống. Tại đây cô gặp Hà và Vân, hai chiến sĩ đã giúp A Sao có thêm niềm tin, nghị lực vượt lên số phận. “Cô Sao” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận lấy cảm hứng từ câu thơ: Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm tư tưởng chính của vở nhạc kịch.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, việc phục dựng và đưa được vở diễn về nơi phát sinh ra nó có ý nghĩa rất lớn. Đây cũng là lần đầu tiên đồng bào dân tộc được xem một loại hình nghệ thuật có tính chất quốc tế như Opera. “Chúng tôi muốn ngoài việc giới thiệu, công bố những vở diễn có tính nghệ thuật, giá trị về tư tưởng thì đó cũng là sự tri ân các thế hệ chiến sĩ cách mạng và trong đó có các chiến sĩ từng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La” – Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

Tác phẩm được công diễn lần đầu tiên năm 1965 tại Hà Nội. Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, vở nhạc kịch được dàn dựng lại với một phiên bản mới ngắn gọn hơn./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác