Trưởng Ban đối ngoại ĐCS Pháp: “Đại hội XIII thể hiện những tín hiệu đầy sức sống của Đảng Cộng sản Việt Nam”

(VOV5) - Trong suốt công cuộc đấu tranh giành độc lập và vì hòa bình của người dân Việt Nam, những người Cộng sản Pháp luôn đi đầu trong việc ủng hộ người dân Việt Nam.

Nhân dịp Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra thành công tốt đẹp, Huỳnh Điệp, Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp đã có cuộc trao đổi với bà Lydia Samarbakhsh,  Trưởng Ban đối ngoại Đảng Cộng sản Pháp: 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
 PV:  Xin chào bà Lydia Samarbakhsh, với tư cách là Trưởng Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Pháp, bà đánh giá thế nào về kết quả Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thứ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam?

Đầu tiên tôi xin chúc mừng đồng chí Tổng Bí thư được bầu lại làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi đã được đọc những tài liệu đầu tiên về Đại hội này, đề cập tới những bước tiến mới nhất của đất nước các bạn về mặt kinh tế, cũng như tình hình quốc tế. Những người Cộng sản tại Pháp rất tự hào về vai trò đặc biệt tích cực của người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đầu tiên, người dân Việt Nam đã biết tự bảo vệ trước đại dịch, sau đó đã mang đến cho người dân thế giới sự hợp tác và đóng góp trong cuộc chiến này. Trong khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn đang ở phía trước chúng ta.

Trưởng Ban đối ngoại ĐCS Pháp:  “Đại hội XIII thể hiện những tín hiệu đầy sức sống của Đảng Cộng sản Việt Nam” - ảnh 1Trưởng Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Pháp Lydia Samarbakhsh.

PV:  Bà trông đợi điều gì trong mối quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp trong thời gian tới.

Như các bạn đã biết, quan hệ giữa 2 đảng được thiết lập ngay từ thời điểm thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và đã có bài phát biểu trong Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 12 năm 1920. Mối quan hệ giữa hai đảng có lịch sử lâu đời, bởi vì ngay sau đó, tại Đại hội năm 1921 tại Mác-xây (Marseille) – thời điểm tên gọi Đảng Cộng sản Pháp chính thức ra đời, Hồ Chí Minh đã góp phần kêu gọi những người có nguồn gốc từ những thuộc địa của Pháp, tham gia Đảng cộng sản Pháp. Những người này đã tổ chức hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp, tiến hành các cuộc đấu tranh, vận động người dân các nước tự giải phóng khỏi chế độ thực dân và đế quốc.

Trong suốt công cuộc đấu tranh giành độc lập và vì hòa bình của người dân Việt Nam, những người Cộng sản Pháp luôn đi đầu trong việc ủng hộ người dân Việt Nam. Đối với chúng tôi, lịch sử sẽ tiếp tục trong tình đoàn kết chặt chẽ giữa hai dân tộc, hai đất nước. Chúng tôi muốn củng cố, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ này giữa Pháp và Việt Nam, cũng như giữa châu Âu và Việt Nam, một mối quan hệ dựa trên sự thỏa mãn các nhu cầu của con người, vấn đề y tế, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hòa bình. Trong 3 lĩnh vực này, tôi tin rằng Việt Nam đang có những hành động rất chủ động, đặc biệt sáng tạo tại khu vực châu Á cũng như trên trường quốc tế.

PV: Theo bà, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trong tương lai sẽ phát triển như thế nào.?

Mối quan hệ với Việt Nam luôn cần phải là một trục cốt yếu trong chính sách đối ngoại của Pháp, nước Pháp cần luôn ủng hộ và thể hiện tinh thần đoàn kết đối với nhân dân Việt Nam trong quá trình đổi mới của Việt Nam. Bên cạnh đó, nước Pháp cần phải xem xét lại chính sách đối ngoại. Chúng tôi đã xem xét lại các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế, tình hữu nghị, bác ái và đoàn kết giữa các dân tộc, đối mặt với những thách thức lớn của nhân loại hiện nay.

Các thách thức này không thể được giải quyết theo lô gíc của Chủ nghĩa Tư bản hiện nay. Chúng tôi cho rằng, việc tăng cường quan hệ giữa hai Đảng sẽ cho phép tạo ra những cơ hội, những sáng kiến, phát triển mối quan hệ song phương, mối quan hệ tôn trọng, hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng, nước Pháp cần phải cân nhắc lại chính sách đối ngoại dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế, tận dụng các bài học kinh nghiệm của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình.

PV:  Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác