20/11 nhớ Thầy Cô

(VOV5) - Những lời ru, lời dạy bảo, những tình cảm mà các thầy cô giáo đã trao cho lớp lớp thế hệ học trò luôn hiện hữu trong sâu thẳm trái tim bao thế hệ. 

Viết về người giáo viên là một trong những đề tài mang lại niềm cảm hứng cho các tác giả sáng tác ca khúc. Hàng năm, mỗi khi đến ngày 20/11, lại vang lên những giai điệu đẹp ngợi ca những thầy giáo cô giáo tận tụy với công việc trồng người. 

20/11 nhớ Thầy Cô - ảnh 1

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Ca khúc Những ngôi sao nhỏ là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên. Năm 1981, nhạc sĩ đã viết tác phẩm này để dành cho người vợ của mình, khi ấy bà là giáo viên dạy văn của một trường trung học cơ ở ở TPHCM. Nhạc sĩ chia sẻ, khi viết ca khúc này, ông cũng không nghĩ rằng nó sẽ được công chúng đón nhận như thế. Sau khi đoạt giải nhì trong một cuộc thi không có giải nhất do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, cho đến nay, sau gần 4 thập kỷ, những tâm sự của “người đứng lớp” cùng giai điệu thân thương trong ca khúc vẫn gợi trong lòng người nghe biết bao tình cảm.

Giống như Những ngôi sao nhỏ, ca khúc Em là cô giáo vùng cao của nhạc sĩ Đào Hữu Thi cũng ra đời một cách “rất bất chợt” nhưng lại để lại dư âm lâu dài trong lòng người nghe: Nhạc sĩ chia sẻ: "Khi ấy tôi đi lên Lũng Cú với dự định sẽ viết một bài về cột cờ Lũng Cú. Trên đường đi, qua những vạt đồi chênh vênh có cô gái rất mảnh mai đang cuốc đất trồng rau. Tôi xuống xe nói chuyện, mới biết cô gái ấy là cô giáo ở miền xuôi lên dạy học. Dạy học ở miền núi vất vả lắm, dạy mà còn phải dỗ nữa thì học trò mới đến học. Tôi nghĩ, tại sao lại không viết những ca khúc viết về những con người mà thực ra rất vĩ đại, vì họ phải hi sinh cả tuổi trẻ, lên miền ngược cuốc đất trồng rau, lam lũ như thế. Họ chỉ nghĩ đến các em. Và hình ảnh của những cô giáo miền núi làm tôi rất xúc động".

Cũng như nhạc sĩ Đào Hữu Thi, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn cũng nhiều năm là giảng viên âm nhạc trước khi chuyển về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí  Minh. Những trải nghiệm trong nghề nghiệp đã giúp ông có nhiều tác phẩm về đề tài nhà trường. Nhạc sĩ chia sẻ, có những buổi trưa đầu hè chói chang nắng, sân trường vắng lặng, các em bé chìm trong giấc ngủ trưa. Chợt đâu đó có tiếng khóc của một bé  giật mình tỉnh giấc. Và rồi tiếng ru ngọt ngào vang lên nhè nhẹ. Tiếng ru “ À ơi…à ơi… ”  sao nghe như gió thoảng. Ôi! Tiếng ru…Tiếng ru trong lớp học. Tiếng ru đem đến giấc ngủ cho những thiên thần bé nhỏ. Tiếng ru của những cô giáo trẻ, có thể chưa từng làm mẹ bao giờ. Sao mà nghe du dương thế. Sao mà thân thương trìu mến, tha thiết đến thế… Và sau đó, bài hát Lời ru của cô giáo trẻ ra đời.

Những lời ru, lời dạy bảo, những tình cảm mà các thầy cô giáo đã trao cho lớp lớp thế hệ học trò luôn hiện hữu trong sâu thẳm trái tim bao thế hệ. Hình ảnh thầy cô và mái trường luôn theo mỗi chúng ta dù có đi đến góc bể chân trời. Với nhạc sĩ Hoàng Long, những ngày tháng đi học đã cho anh bao cảm xúc để viết nên những ca khúc được công chúng yêu mến. Nhạc sĩ tâm sự: "Trong lần về thăm trường THPT Trực Ninh B là trường cũ của tôi, tôi thấy hình ảnh những em học sinh trong giờ ra chơi trong màu áo trắng. Hình ảnh ấy làm tôi rất xúc động. Lúc ấy cũng là mùa thu, rất đẹp. Tôi đã đặt bút viết bài Thời áo trắng – Một sớm tôi về thăm lại trường xưa, gợi lại thời đi học, khi mực tím viết vào tay còn lấm lem. Trong bài hát có hình ảnh của tôi, bạn bè và thầy cô giáo của tôi – những người đã dạy chữ, dạy chúng tôi cách làm người".

Những ca khúc của Hoàng Long, dù viết cho một đối tượng cụ thể, nhưng khi đưa ra công chúng đã được đón nhận nồng nhiệt bởi những ca từ gần gũi và giai điệu thắm thiết, dịu dàng. Trong kho tài của anh, ca khúc Trở lại trường xưa cũng được nhiều người yêu thích. Anh kể: "Bài hát Trở lại trường xưa, tôi viết cho trường Năng khiếu Hải Hậu cũ, bây giờ là trường chất lượng cao Hải Hậu. Thời đó học sinh năng khiếu đã phái đi trọ học xa nhà, cuối tuần mới được về nhà. Thầy cô đã như người cha, người mẹ chăm sóc cho các học trò từng li từng tí. Chính từ những khó khăn ngày ấy mà tình cảm của học trò với nhau, và của các thầy cô giáo đối với học trò rất gần gũi, thân thiết, không thể phai mờ. Bài hát bên cạnh những cảm xúc đẹp đẽ của tuổi học trò, còn là lời tri ân của tôi đối với các thầy cô đã dạy chữ, dạy người cho các thế hệ học trò. Đó cũng là lời cảm ơn của tôi đối với các bè bạn vì đã có nhau trong cuộc đời này"...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác