Hát đúm ở Thủy Nguyên, Hải Phòng

(VOV5) - Để bảo tồn phát triển du sản văn hóa độc đáo của địa phương, huyện Thủy Nguyên đã khôi phục 4 hội Xuân hát đúm với 7 lễ hội có các sinh hoạt văn hóa hát đúm.

Hát đúm, còn được gọi là hát nói là một loại hình dân ca với những làn điệu đối đáp phổ biến trong những dịp hội, hè đầu xuân. Đây là loại hình nghệ thuật được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, gắn với những lễ hội và mang nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cửa biển, trong đó cái nôi của hát đúm là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Mới đây, hát đúm vừa chính thức có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.  

Hát đúm ở Thủy Nguyên, Hải Phòng - ảnh 1

Hội hát đúm đầu xuân tại Thủy Nguyên

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Theo các tư liệu cổ, hát đúm có xuất xứ từ hát ví ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, thời  nhà Trần, Đến thời  nhà Mạc, thế kỷ thứ XVI, sau khi chùa Kiến Linh được tạo dựng ở Phục Lễ, hát đúm chính thức được hát trong lễ hội tại chùa và phát triển rộng khắp vùng. Ở đồng bằng Bắc Bộ, Hải Phòng là cái nôi của hát đúm, trong đó tiêu biểu là ở huyện Thủy Nguyên. Bên cạnh đó, các địa phương khác cũng có hát đúm như Đồ Sơn,  An Hải, Kiến Thụy…

Theo các nhà nghiên cứu, hát đúm liên quan mật thiết đến một phong tục tập quán có từ xa xưa của người tổng Phục, huyện Thủy Nguyên, đó là tục che mặt. Để giữ gìn vẻ đẹp, nhất là làn da khỏi xém bởi nắng và gió mặn của biển, từ xưa, chị em phụ nữ Thủy Nguyên thường dùng những chiếc khăn đen đội trên đầu và bịt mặt, thế rồi từ đó hình thành nếp văn hóa. Chiếc khăn che mặt chỉ được cởi bỏ một lần duy nhất trong một năm, đó là vào dịp hội làng đầu xuân, khi các chàng trai, cô gái gặp gỡ, đối đáp, trao nhau bằng những lời ca, tiếng hát tình tứ.    

Xưa, hát đúm có hai hình thức diễn xướng, hát lẻ và hát hàng. Hát lẻ chỉ do một giới (nam hoặc nữ) hát đối, mỗi nhóm hát thường có vài ba người; diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong khi hát hàng thường chỉ diễn ra ở lễ hội đình, chùa, do hai giới nam và nữ tham gia. Vào đầu hội hát, chàng trai muốn hát với ai thì tiến tới ngỏ lời, nếu cô gái đồng ý sẽ đưa tay cho chàng nắm và đôi nam nữ tay trong tay gửi trao những lời hát yêu thương, trữ tình. Cô gái chỉ bỏ khăn che mặt để chàng trai được ngắm nhìn dung mạo của mình sau khi đã cảm mến chàng trai nào qua những lời ca, tiếng hát. Giữa canh hát, cô gái mời nước, tặng vật kỷ niệm cho chàng để tỏ lòng mến mộ. Chiều, cô mời chàng về nhà mình ăn bữa cơm đầu xuân để biết cửa nhà.  Ngày nay, trong đời sống  hiện đại, hát đúm đã thu hẹp dần và có nhiều thay đổi, nhưng hình thức hát đúm vẫn giữ được nhiều nét truyền thống.

Hát đúm ở Thủy Nguyên, Hải Phòng - ảnh 2

Các hội hát đúm luôn thu hút đông người dân

Ông Phùng Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Thủy Nguyên, cho biết: "Hát đúm với các lối hát: hát chào, hát mừng, hát hỏi, hát giao duyên, còn gọi là hát huê tình. Khi Nam nữ cảm nhau rồi thì hát thách cưới. Đây là phần rất dí dỏm. Hát lao động sản xuất. Vịnh các loại cây trên rừng, cá ở dưới sông, những ông sao ở trên bầu trời. Các nghệ nhân rất yêu lao động, yêu thiên nhiên thì mới nghĩ ra được những câu hát như thế. Sau hát huê tình đến hát đố giảng. Người ta có thể thách đố, thử tài văn chương của nhau. Rất nhiều nội dung để đố, bên kia phải giảng. Qua các câu hát cho thấy các nghệ nhân ngày xưa rất thông minh, ứng tác rất tốt".

Cũng giống như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác, hát đúm cũng trải qua những biến cố, thăng trầm. Từ nửa cuối thế kỷ 20, do nhịp sống hối hả, sôi động với nhiều phương tiện hiện đại thanh niên xa rời văn hóa dân gian truyền thống, hát đúm dần trở nên “lỗi nhịp”, nhịp điệu chậm rãi, đều đều của hát đúm khó hòa vào nhịp sống sôi động của thanh niên trong thời hiện đại. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính quyền huyện Thủy Nguyên đã tập trung khôi phục loại hình văn hóa này.

Để bảo tồn phát triển du sản văn hóa độc đáo của địa phương, huyện Thủy Nguyên đã khôi phục 4 hội Xuân hát đúm với 7 lễ hội có các sinh hoạt văn hóa hát đúm. Đặc biệt tại Thủy Nguyên và một số địa phương khác đã thành lập cá Câu lạc bộ truyền dạy hát đúm cho lớp trẻ. Em Đinh Thị Yến học lớp 8 trường THCS Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên tham gia câu lạc bộ Hát Đúm được hơn 4 năm, cho biết: "Em tham gia CLB hát đúm là nhờ bố mẹ đã cổ vũ là đi hát đúm giữ được nét đẹp truyền thống quê hương mình và tôn vinh vẻ đẹp của đất nước. Mới đầu tiên tập thì còn e thẹn, ngại ngùng, không biết hát nhưng các ông bà đã chỉ dậy từng cách luyến, ngắt thế nào và thấy hát đúm rất hay".

Theo ông Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Hải Phòng, với những nỗ lực khôi phục vốn di sản, nét văn hóa đẹp truyền thống, hát đúm đang được khôi phục ở nhiều địa phương vùng châu thổ Bắc Bộ. Vào mỗi dịp hội xuân, những  câu hát đúm quen thuộc vẫn vang lên như minh chứng cho sự sức sống mãnh liệt và bền bỉ của Hát đúm - một di sản văn hóa độc đáo  của Thủy Nguyên, Hải Phòng, của văn hóa dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác