Hát Xoan

Hát xoan Phú Thọ vừa được Tổ chức Văn hoá, khoa học, giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc ngày 30/11/2011 giới thiệu về nghệ thuật này cùng với những làn điệu xoan Phú Thọ.

Hát Xoan  - ảnh 1
Ảnh Internet

Hát Xoan là một loại dân ca độc đáo, tồn tại lâu đời của tỉnh Phú Thọ, nằm trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hát Xoan thường được trình diễn vào mùa xuân trong những ngày hội đám ở đình, làng trong tỉnh, nên còn được gọi là Hát cửa đình. Chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trẹo ra.


Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường Xoan gọi là ông Trùm. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng mười đến mười lăm người. về trang phục thì: Nam áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. 


Tiến sĩ Lê Toàn, viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam cho biết: “Theo nhận định của những nhà nghiên cứu thì Hát Xoan là hoạt hình văn hoá nghệ thuật cổ xưa của người Việt, tàng chứa những tầng văn hoá khác nhau trong đó có âm nhạc, múa, lễ hội, văn hoá.v.v. Ở lĩnh vực âm nhạc, trong Xoan là hát xướng, xô, đối đáp nam nữ, không đồng giọng mà hát cách nhau quãng 4, quãng 5. Về thanh nhạc, tính theo triết học âm nhạc, ngôn ngữ âm nhạc giữa phần thanh nhạc của giọng nam và giọng nữ và sự đặc biệt đó trở thành đặc trưng mà chính các bạn quốc tế đã phải ngỡ nàng và đánh giá cao, mặc dù họ không thấy chúng ta hát bè như trong Xoong hao, hay Earay của người Tây Nguyên. Chính sự cổ sơ, sự đặc sắc làm nên nét độc đáo của loại hình này”.

Hát Xoan  - ảnh 2
Ảnh Internet

Ngược dòng thời gian, xưa kia hát Xoan được người dân rất yêu chuộng, trong các hội hát Xoan, các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là những tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung cầu nguyện, chúc tụng. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau; như mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có nội dung đậm nét trữ tình, giao duyên.


Trước đây, Phú Thọ có 18 làng hát Xoan, trong đó bốn phường Xoan được gọi theo tên làng là: An Thái, Phù Đức, Kim Đái và Thét. Hát Xoan đang đứng trước nỗi lo thất truyền.Trước nguy cơ bị mai một, di sản văn hóa hát Xoan cần được bảo tồn và giữ gìn một cách nghiêm túc để cho thế hệ mai sau được hưởng một trong những tài sản tinh thần quý giá của ông cha. 


Tiến sĩ Lê Toàn cho biết thêm: “Trong những năm vừa qua, đặc biệt là thời gian gần đây chúng ta đã tổ chức rất nhiều hội diễn, hội thảo quốc tế, chính điều này đã giúp chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm, giúp chúng ta nhận diện thực trạng và tìm ra giải pháp để bảo tồn và phát triển hát Xoan trong đời sống đương đại. Từ vốn cổ, tới việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Qua đó chúng ta có cơ sở để so sách, đối chiếu từ cái gốc phát triển cái mới nhưng vẫn không xa rời vốn cổ.”       

Hát Xoan  - ảnh 3
Ảnh Internet                  

Cho đến nay, Tổ chức VHKHGD LHQ (Unessco) đã công nhận Nhà nhạc Cung Đình Huế, Cồng Chiêng Tây Nguyên, Ca Trù, Quan Họ, Hát Xoan là những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

                                                                                                                                     Lệ Chiến

Các tin/bài khác