Nhạc sĩ Đỗ Phương: Gửi lời yêu dấu về những miền quê

(VOV5) - Khi cầm bút, cầm đàn viết về quê hương đất nước cảm xúc, giai điệu trong tôi đến rất tự nhiên...

Nhạc sĩ Đỗ Phương hiện là Phó Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Anh nổi tiếng với những ca khúc viết về đề tài thời sự, mang lại những giá trị tốt cho cộng đồng. Gần đây, các ca khúc của anh như Cơn say và cuộc đời nói không với rượu bia khi tham gia giao thông, Ước nguyện cổ vũ tinh thần đội ngũ y, bác sĩ và những người trên tuyến đầu chống đại dịch Covid 19, Khóc cho những dòng sông kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ những dòng sông đang bị bức tử bởi ô nhiễm… đã ra đời và nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Đỗ Phương còn rất tâm huyết và dồn nhiều cảm xúc để viết về quê hương, về các địa danh trên đất nước Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Gửi lời yêu dấu về những miền quê  - ảnh 1Nhạc sĩ Đỗ Phương
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Thưa nhạc sĩ Đỗ Phương, tôi được biết là ca khúc “Về Kinh Bắc quê anh” mà anh đã thực hiện thành một MV, là một trong những sản phẩm âm nhạc ra đời sớm nhất khi đại dịch tràn covid 19 vào Bắc Ninh. Mặc dù cổ vũ tinh thần chống dịch nhưng trong bài hát không có một từ nào nhắc đến đại dịch!

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Phải nói đúng là ca khúc "Về Kinh Bắc quê anh" với giọng hát ca sĩ Minh Dũng là một ca khúc viết về vẻ đẹp con người địa danh vùng quê Bắc Ninh Kinh Bắc, ca ngợi truyền thống hào hùng của vùng đất văn hiến Kinh Bắc ngàn năm, ca khúc này cũng mời gọi du khách mọi miền đến với quê hương Kinh Bắc vì có nhắc đến nhiều di tích của Bắc Ninh như chùa Dâu, chùa Phật tích, chùa cô Tấm, đền đô, lăng Kinh Dương Vương… được phát hành vào thời điểm dịch bệnh cao điểm tràn qua vùng Kinh Bắc hồi tháng 5 vừa qua, MV như lời tri ân của tôi và ekip đến quê hương thân yêu, mong rằng MV Về Kinh Bắc quê anh như là một điểm tựa về mặt tinh thần với nhân dân quê hương Bắc Ninh cùng cả nước vượt qua được đại dịch tàn khốc và đến bây giờ đã vượt qua đại dịch với cuộc sống bình thường mới.

BTV Bảo Trang: Vâng, quả thực với giai điệu mang âm hưởng của dân ca đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là dân ca Quan họ, ca khúc Về Kinh Bắc quê anh cuốn hút người nghe bởi những lời ca mềm mại, uyển chuyển, thướt tha như lời mời gọi thân tình của một chàng trai quê Bắc Ninh với cô gái ở miền quê khác. Và sau đó thì nhạc sĩ lại cho ra đời một ca khúc nữa cũng về đề tài chống dịch, mang đậm âm hưởng dân gian vùng Bắc Bộ nhưng lại hướng về miền Nam khi ấy đang gồng mình chống lại đại dịch. Ngay cả cái tên ca khúc “Đôi bờ” cũng đã nói lên nỗi nhớ xa cách giữa hai miền đất nước trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình.

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Với mong muốn viết một ca khúc có giai điệu, ca từ mang đậm âm hưởng dân gian vùng Bắc Bộ để hướng về miền Nam trong những thời khắc lịch sử đang gồng mình chống lại đại dịch, tôi viết Đôi bờ như nỗi nhớ xa cách giữa hai miền đất nước trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình, với âm hưởng chủ đạo là ca trù nhưng ca khúc này cũng hoàn toan có thể phối theo phong cách thính phòng, và tôi đặc biệt hài lòng khi ca sĩ Phạm Thu Hà đã thể hiện rất xuất sắc, đẳng cấp ca khúc này. Bài hát như tình cảm của miền Bắc cùng cả nước hướng về miền Nam, thể hiện qua những cảm xúc âm nhạc chỉ có ở miền Bắc gửi vào Nam như âm hưởng ca trù vùng Bắc Bộ hay đến cả “gió heo may cũng hướng về phương Nam” như lời bài hát.

BTV Bảo Trang: Ca khúc "Đôi bờ" được viết theo phong cách âm nhạc dân gian thính phòng đương đại với âm hưởng chủ đạo là những luyến láy, cách nhả chữ chỉ có ở lối hát ả đào… Có vẻ như Đỗ Phương rất thích khai thác âm hưởng dân gian trong khi viết nhạc?

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Thú thực là khát vọng âm nhạc trong tôi là mong muốn được viết những ca khúc mang âm hưởng dân ca của nhiều vùng miền đất nước, rất mong sau này có cơ hội được giới thiệu đến quý thính giả những ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ, Tây Nguyên, Huế, Ví dăm mà tôi đã viết.

Quay trở lại âm hưởng dân gian đồng bằng Bắc Bộ, tôi sinh ra và lớn lên với cả tuổi thơ gắn liền với vùng quê bình yên đồng bằng Bắc Bộ, nơi những làn điệu dân ca ngấm trong tôi có lẽ từ lúc còn chưa biết nói, nên điều dễ hiểu là màu dân gian Bắc Bộ trong ca khúc của tôi là khá rõ nét, tôi say mê đến độ khi đọc những bài thơ có hình ảnh những miền quê Bắc Bộ cũng tạo cho tôi nhiều xúc cảm để viết nên những giai điệu. Như ở ca khúc "Mưa bong bóng" tôi phổ thơ của hai Cố thi sĩ Nguyễn Ngọc Ly và Trúc Thông do Quách Mai Thy thể hiện, những ký ức về những giậu mùng tơi, lối trước ngõ sau, chuồn chuồn ớt của làng quê Bắc bộ từ thế kỷ trước được hiện lên rõ nét, có thể nói đây là ca khúc tôi mãn nguyện với cả phần giai điệu và ca từ nhiều màu ký ức và đậm chất dân gian Bắc Bộ.

BTV Bảo Trang: Cùng với việc vận dụng âm hưởng dân gian trong ca khúc, dường như nhạc sĩ Đỗ Phương cũng yêu thiết tha những vùng quê trên đất nước Việt Nam. Điều đó thể hiện qua cách chọn đề tài của anh, dù là đề tài thời sự thì nó cũng luôn luôn gắn với những vùng đất của Tổ quốc!

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Quả thật là khi cầm bút, cầm đàn viết về quê hương đất nước cảm xúc, giai điệu trong tôi đến rất tự nhiên, thậm chí khi viết về những đề tài về thời sự thì hình ảnh quê hương vẫn là khởi nguồn cảm xúc để tôi viết… Như ca khúc "Khóc cho những dòng sông" về bảo vệ môi trường, có lẽ vì quá thương xót các dòng sông quê đang dần bị thu hẹp bị bức tử bời ô nhiễm môi trường mà tôi đã viết nên ca khúc này.

BTV Bảo Trang: Đúng là thật đặc biệt khi các sáng tác của anh thường gắn với những sự kiện nào đó, mang tính thời sự rất rõ nhưng lại không bị khô cứng. Tôi còn nhớ một ca khúc của Đỗ Phương, ra mắt năm 2020, đúng vào dịp kỉ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội. Sở dĩ tôi nhớ MV Hà Nội ơi, tôi vẫn nhớ thương Người của anh vì khi ấy nghe anh kể, anh đã viết ca khúc trong 10 năm, và khi ra mắt cũng thật ấn tượng qua giọng hát điêu luyện đầy cảm xúc của ca sĩ NSƯT Đức Long…

Nhạc sĩ Đỗ Phương: Hà Nội không phải là nơi tôi sinh ra và lớn lên thời nhỏ nhưng đây là nơi mà tôi đã sinh sống, học tập và làm việc từ đầu những năm 1990 nên tình cảm dành cho thủ đô lúc nào cũng có trong tôi,

Có lẽ đây là ca khúc có thời gian tôi viết lâu nhất trong các tác phẩm của tôi. Ngay từ dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội 2010 tôi đã mong muốn viết một ca khúc về Hà Nội nhưng cũng chỉ hoàn thành được phần giai điệu… Phải trải qua 10 năm sau mới viết xong phần ca từ vào đầu năm nay. Có lẽ hồi đó tôi vẫn còn trẻ nên chưa đủ trải nghiệm và cảm nhận sâu về Hà Nội hoàn thiện phần ca từ và phải sau 10 năm mới viết xong ca khúc này, có thể nói tôi rất hài lòng khi đã thể hiện được tình cảm với Hà Nội với thể hiện trọn vẹn qua câu đầu, câu cuối cũng như tựa đề ca khúc đều là "Hà Nội ơi, tôi vẫn nhớ thương Người!".

BTV Bảo Trang: Xin cảm ơn Nhạc sĩ Đỗ Phương đã đến với chương trình của chúng tôi hôm nay. Chúc anh sẽ tiếp tục có thêm những giai điệu thật đẹp về những vùng quê yêu dấu! 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác