Những giai điệu về Mùa Xuân

(VOV5) - Quà tặng mà chúng tôi gửi tới quý thính giả là những giai điệu về mùa Xuân quê hương.

Những giai điệu về Mùa Xuân - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Sinh thời, nhạc sĩ Từ Huy được biết đến là một nhà thơ, họa sĩ và là nhạc sĩ với gia tài hàng trăm ca khúc trong đó ông cũng là người viết về mùa xuân nhiều nhất, khoảng 20 bài với 2 album. Trong số đó có những bài hát như: “Mùa xuân tình yêu”, “Xuân mười tám”, “Xuân thì”, “Lời chúc đêm giao thừa”… mà bài hát được coi là thành công nhất về chủ đề mùa Xuân đất nước chính là bài “Ngày tết quê em”. Ngoài giai điệu rộn rã, đầy cảm hứng về mùa xuân thì bài hát như một bức tranh giàu màu sắc về ngày Tết cổ truyền dân tộc với những ca từ gợi lên nhiều hình ảnh đẹp, gắn liền với ngày tết cổ truyền thiêng liêng của dân.

Mùa Xuân tràn về khắp muôn nơi trên quê hương Việt Nam. Mùa xuân ngưng đọng trong âm nhạc, dưới góc nhìn, cách cảm và khối óc tài hoa của người nhạc sĩ đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm hay về mùa Xuân. Với nhiều người không còn trẻ, Xuân cũng có nghĩa là hoài niệm, là sống với những ký ức của một thời và mãi mãi. Ngay từ thời kỳ đầu của nên tân nhạc Việt Nam, chúng ta đã biết tới Xuân và tuổi trẻ, một sáng tác của nhạc sĩ La Hối được viết năm 1944 với phần lời thơ của nhà thơ Thế Lữ. Đã 72 năm trôi qua nhưng giai điệu của Xuân và tuổi trẻ vẫn như tươi mới. Ca sĩ Ánh Tuyết, người thể hiện thành công tác phẩm này cho biết: “Xuân và tuổi trẻ đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của Ánh Tuyết từ nhỏ. Mỗi khi xuân đến, tự nhiên giai điệu của bài hát cứ vang lên trong đầu, trong suy nghĩ, cảm xúc, tâm hồn. Một cảm giác lâng lâng trong lòng bởi một sắc xuân tươi sáng, một cảm giác ấm áp, gần gũi, quây quần bên nhau. Và bởi mùa Xuân lúc nào cũng tươi, cũng trẻ, cũng ấm áp và đẹp. Trong chúng ta không ai là không biết bài hát Xuân và tuổi trẻ và ai cũng thích bài hát này và đó là một ca khúc Ánh Tuyết không thể quên”.

Nếu như Xuân và tuổi trẻ là một trong những tác phẩm đại diện cho những thanh âm mùa xuân trong âm nhạc của Tân nhạc thời kỳ đầu, thì ca khúc Mùa Xuân đầu tiên như một dấu mốc quan trọng trong âm nhạc sau năm 1975. Đó là cảm xúc ngập tràn khi mùa Xuân đầu tiên đất nước thống nhất. Mùa Xuân đầu tiên như một lời khẳng định, một sức mạnh vô hình của âm nhạc có tác động to lớn vào đời sống của mỗi người dân về một mùa xuân hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Đã là người Việt Nam, thì dù đi đâu, làm gì, thì Tết đến, Xuân về, ai ai cũng mong ngóng, cũng đều có những cảm xúc dành riêng cho quê hương. Và vì thế, cảm xúc mùa Xuân tan chảy, khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ khi viết về mùa Xuân, viết về quê hương, đất nước. Nói về cảm xúc của mình, nhạc sĩ Phạm Quang Hiển cho biết: “Tôi đọc trên trang văn nghệ Hải Dương thì tôi gặp bài thơ của nhà thơ Phạm Trọng Tuấn có tựa đề Sông quê chiều cuối năm là một bài thơ lục bát. Phải nói rằng ông viết rất nhuần nhuyễn và cái hồn quê của người Việt nói chung và đặc biệt là vùng quê Bắc Bộ hiện rất rõ nên tôi đã xin phép phổ nhạc. Thực sự một người con xa quê luôn đau đáu nhớ về quê hương. Vì cuộc sống cuốn đi, song đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, dù là người VN định cư ở nước ngoài hay là đi học tập ở nước ngoài hay người VN sống trên quê hương VN mình nhưng không phải nơi chôn nhau cắt rốn của mình, khi không thể về xum vầy bên gia đình trong ngày Tết thì đấy quả thực là người ta sẽ cảm thấy rất thiếu trong tâm khảm. Hy vọng Sông quê chiều cuối năm sẽ phần nào chia sẻ được tình cảm với người Việt của chúng ta nói chung và người Việt tha hương để nhớ về nơi quê cha đất tổ”.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác