Ra mắt giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức

(VOV5) - Sự kiện ra mắt Giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức, như một sự khẳng định, tôn vinh bộ môn nghệ thuật cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức có thể coi là đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên (Hà Nội) xưa. Với mong muốn giữ lại nghề của cha ông, giữ lại một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, hơn 20 năm qua, bà đã dành thời gian để đúc kết, khuôn khổ và truyền dạy các bài bản ca trù. Và ngày 25/10 vừa qua, một niềm vui lớn đã đến với bà, cũng như những người yêu mến ca trù – đó là sự kiện ra mắt Giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức, như một sự khẳng định, tôn vinh bộ môn nghệ thuật cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ra mắt giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức - ảnh 1

Các nghệ sĩ trình diễn trong đêm ra mắt Giáo phường ca trù Kim Đức

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Một không gian cổ xưa được tái hiện trong căn phòng ở số nhà 21/52 Tô Ngọc Vân, nơi mà nghệ sĩ Nhất Lý đã dành riêng để làm “Nhà hát ca trù” cho Giáo phường Phó Thị Kim Đức. Khán phòng chật kín khách mời trong ngày ra mắt Giáo phường. Và trong không gian ấm áp của ánh đèn dầu, sân khấu biểu diễn hiện ra như đưa người xem trở về Hà Nội của những năm đầu thế kỷ 20…

Nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức bày tỏ: "Tôi đã nghiên cứu về ca trù từ hơn 20 năm nay rồi, nhưng cũng thấy khó quá. Dạy học sinh cũng phải hơn chục năm, ai giúp đỡ gì thì mình lấy ra làm thôi vì cũng không có nhiều về kinh tế. Tôi gặp anh Nhất Lý cũng là cái duyên, anh ấy rất thích bộ gõ của tôi, rồi từ đó anh ấy cũng tìm mọi cách để giúp đỡ tôi. Đến giờ cũng là cái may, anh ấy giúp tôi làm sự kiện ra mắt Giáo phường. Tôi cũng không ngờ anh ấy làm lớn quá, tôi cũng rất cảm động. Phần mừng vì đã có chỗ đứng, có chỗ để làm việc chứ như lâu nay cứ nhờ ở đâu là làm đấy. Có được chỗ đứng của giáo phường thế này, thì ngành nghề này cũng sẽ phát triển vững vàng hơn".

Ra mắt giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức - ảnh 2

Vốn được mệnh danh là “phù thủy âm thanh”, nghệ sĩ Nhất Lý, người mang trong mình hai dòng máu Việt – Pháp, cũng là người tài trợ toàn bộ cho sự kiện ra mắt được trông đợi này. Anh đã rất kỳ công khi thiết kế từng chi tiết, từ bộ bàn ghế khảm ngọc trai được khắc dòng chữ Giáo phường Kim Đức, đến tấm phản, chiếc chiếu ngồi, và đặc biệt là không gian khán phòng không dùng bất cứ một sự hỗ trợ nào về âm thanh, chỉ có tiếng đàn và giọng hát của các kép đàn và đào nương, rất mộc và hoài cổ. Không gian ở tầng 1 của tòa nhà được dành riêng để làm Nhà hát ca trù, nơi mà từ bây giờ sẽ trở thành địa điểm để rèn luyện, biểu diễn và là nơi gặp gỡ giao lưu giữa những người yêu mến nghệ thuật ca trù.

Ca nương Bạch Dương, người đã gần 20 năm theo học ca trù của nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức chia sẻ: "Với niềm đau đáu về nghề của bà, bà rất mong khôi phục lại một giáo phường ca trù theo đúng nghĩa. Ngày xưa mỗi gia đình có thể có một Giáo phường ca trù, với con cháu trong dòng họ học hát theo dòng đó. Thực ra chúng tôi cũng đã biểu diễn ở nhiều nơi, nhưng đây là chỗ có đầu tư rất lớn của anh Lý. Anh ấy luôn muốn có thể làm một nhà hát chuyên nghiệp. Với nhà hát này, anh ấy đã tính toàn làm sao để âm thanh ở đây là âm thanh mộc, đồng thời không gian ở đây cũng đủ sự trang trọng. Tôi thấy rất bất ngờ về sự tâm huyết của anh Lý. Với một sự kiện như thế này, tôi mong muốn có thể từ đây, các cháu sẽ sống được với nghề. Đó là điều rất tuyệt vời mà tất cả chúng tôi đều mong như vậy".

Ra mắt giáo phường ca trù Phó Thị Kim Đức - ảnh 3

Tại buổi ra mắt Giáo phường Phó Thị Kim Đức, cùng với việc thưởng thức những bài ca trù lời cổ, khán thính giả còn được tìm hiểu về những điều cơ bản nhất của nghệ thuật ca trù. Ca trù, hay còn gọi là hát ả đào là loại hình nghệ thuật truyền thống của miền Bắc, thịnh hành từ khoảng thế kỷ 15, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Ca trù là một vốn quý trong tài sản văn hóa truyền thống Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Dựa vào quy luật và kỹ thuật đặc thù, các nghệ sỹ, nghệ nhân ca trù đã dùng cung đàn, khổ phách và giọng hát chuyển hóa những lời thơ thành âm nhạc. Nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức bày tỏ, bà hy vọng tới đây, khi Nhà hát ca trù đã đi vào hoạt động thường xuyên, Giáo phường Kim Đức sẽ có thể tổ chức những buổi biểu diễn ca trù mà ở đó, người nghe sẽ đến mua và đặt thẻ tre thưởng, theo đúng cách mà các ca quán ca trù ngày xưa đã làm. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác