Soạn giả Hoàng Thị Dư và những bài dân ca chống dịch

(VOV5) - Dịch bệnh hoành hành khắp nơi nhưng cũng không vì thế mà làm chúng ta thất vọng, bi quan. Khắp nơi xuất hiện những hành động dũng cảm. 

Trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 vẫn đang tiếp tục gây ra những khó khăn bất ổn trên toàn thế giới, âm nhạc như một nét chấm phá tươi sáng, ngợi ca những người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, cũng như động viên tinh thần của cộng đồng hãy mạnh mẽ để cùng nhau chiến thắng bệnh dịch của thế kỷ.

BTV Bảo Trang trò chuyện với nhạc sĩ – soạn giả Hoàng Thị Dư, người Việt ở CHLB Đức về những bài dân ca chống dịch covid 19 do chị soạn lời.

 
Soạn giả Hoàng Thị Dư và những bài dân ca chống dịch - ảnh 1Soạn giả Hoàng Thị Dư
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
 

BTV Bảo Trang: Xin chào chị Hoàng Thị Dư. Cho đến bây giờ chị đã soạn lời cho gần chục bài dân ca có nội dung về phòng chống đại dịch covid 19. Và những cái tên thì đều chung một khẩu hiệu là quyết tâm diệt tan covid!

Chị Hoàng Thị Dư: Từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 , dịch bệnh Covid 19 đã gây ra khủng hoảng không chỉ cho một cá nhân hay một quốc gia mà còn cho toàn nhân loại. Đứng trước, có thể nói là một cú sốc của toàn cầu, chúng tôi đã có những sáng tác để nói lên những cảm xúc và tình cảm của mình . Những sáng tác đó bắt nguồn từ những hành động nghĩa cử của bà con như phong trào may khẩu trang ủng hộ cho địa phương hay từ những quyết tâm để chống lại dịch bệnh của đất nước chúng ta cũng như trên thế giới. Dịch bệnh hoành hành khắp nơi nhưng cũng không vì thế mà làm chúng ta thất vọng, bi quan. Khắp nơi xuất hiện những hành động dũng cảm. Từ sự quyết tâm bằng ý chí, bằng chủ trương của từng quốc gia và của khoa học, dịch bệnh chắc chắn sẽ bị tiêu diệt và một tương lai xán lạn sẽ trở về với trái đất thân yêu. Đó chính là những hình ảnh làm đề tài, xúc cảm cho những sáng tác của chúng tôi. Những bài ca chống dịch đó không chỉ dừng lại ở thể loại chèo mà còn được mở rộng ra những thể loại khác như hát Văn, hát Xẩm hay dân ca Nam bộ.

BTV Bảo Trang: Khi những bài dân ca về chống dịch covid ra đời, mọi người đã đón nhận như thế nào thưa chị?

Chị Hoàng Thị Dư: Chúng tôi rất vui vì khi tác phẩm được công bố trên mạng xã hội, chúng tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đón nhận và biểu diễn từ các nghệ sỹ chuyên nghiệp và nghiệp dư, các nhà làm Karaoke , làm video , của bà con , anh chị em ca sỹ cộng đồng. Từ đó các tác phẩm đã được được lan tỏa đến với công chúng yêu mến. Nhân đây cho tôi được gửi lời cảm ơn chân thành đến với tất cả những tấm lòng, những tình cảm vô cùng quý giá mà các anh chị em đã giành cho tôi. Chúng tôi cũng xin được cảm ơn sự đón nhận của bà con cộng đồng và khán, thính giả khắp nơi đã ưu ái cho những sáng tác của chúng tôi.

BTV Bảo Trang: Được biết là do những tác động xấu của dịch covid 19, Hội yêu nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức do chị làm chủ tịch đã tổ chức những buổi giao lưu online để hát cho nhau nghe…

Chị Hoàng Thị Dư: Năm 2020 là một năm có nhiều kế hoạch được Hội yêu nghệ thuật thuật truyền thống Việt nam tại CHLB Đức và châu Âu đề ra nhưng do dịch bệnh nên tất cả đều bị hủy bỏ. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về điều đó. Tuy nhiên, ngay từ những ngày tháng đầu tiên của lệnh giãn cách, chúng tôi đã tổ chức các chương trình ca nhạc online trên trang facebook Tiếng chèo quê hương và ca nhạc hội yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Mục đích của các chương trình này không chỉ để giải tỏa những căng thẳng trong thời gian dịch bệnh mà còn là để kết nối và chia sẻ. Kết nối những tâm hồn đồng cảm và chia sẻ những mục tiêu của Hội: giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Từ chủ trương kết nối và chia sẻ này, Hội yêu nghệ thuật truyền thống Việt nam tại CHLB Đức và châu Âu đã hội tụ được rất nhiều anh chị em ở khắp nơi tham gia. Qua đó, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ, quan tâm của nhiều cơ quan truyền thông, nhiều nhà chuyên môn, nghệ sỹ, soạn giả... Các anh chị em đã tham gia biểu diễn, giao lưu, học và dạy hát dân ca, tạo nên những hưng phấn, động lực cho sự phát triển. Từ đó số lượng thành viên tham gia online đã tăng lên không ngừng và phát triển có chất lượng.

BTV Bảo Trang: Hiện tại có khá nhiều nhóm, CLB hát cho nhau nghe của cộng đồng người Việt đã được thành lập cả ở trong nước và nước ngoài. Vậy Hội yêu nghệ thuật truyền thống VN tại CHLB Đức đã có những hoạt động như thế nào để thu hút các thành viên tham gia và gắn bó với Hội?

Chị Hoàng Thị Dư: Hiện nay, ở khắp nơi, trong nước cũng như ở nước ngoài đã có rất nhiều nhóm, Câu lạc bộ được thành lập và hoạt động rất sôi nổi. Trăm hoa đua nở, có thể nói như vậy. Các câu lạc bộ này có thể có nhiều cách thể hiện, quy mô khác nhau. Nhưng có một yếu tố giống nhau là lấy tiếng hát làm nội dung chính để chia sẻ và chuyên chở những tình cảm chung, riêng. Nó minh chứng cho sự cần thiết giao tiếp của tất cả chúng ta. Nó cũng minh chứng cho sức sống mãnh liệt của âm nhạc trong đời sống hiện thực. Cộng đồng do vậy ngày càng gần gũi nhau hơn, ngày càng gắn bó với những mục tiêu chung được ấp ủ, trước hết là với những tổ chức mà mình đang sinh hoạt, sau đó lan tỏa đến các nơi. Đây là những cố gắng lớn và thành công đáng kể của các nhà tổ chức và của cộng đồng. Đối với Hội yêu nghệ nghệ thuật truyền thống Việt nam tại CHLB Đức và châu Âu, chúng tôi vẫn giữ vững những cam kết của mình như : phi chính phủ, phi lợi nhuận, không vi phạm pháp luật Việt Nam và các nước sở tại. Luôn thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát triển những bản sắc văn hóa Việt . Để thực hiện những mục tiêu của Hội, thu hút các thành viên tham gia và gắn bó với Hội. Chúng tôi đã đưa ra khẩu hiệu như chúng tôi đã đề cập đến ở trên là : Kết nối và chia sẻ , kết nối những người có chung một chí hướng , chia sẻ tình cảm và chia sẻ trách nhiệm. Ngoài các thành viên trực tiếp, chúng tôi còn thành lập các chi hội trực thuộc. Hiện nay đã có 8 chi hội, mỗi chi hội bao gồm nhiều ca sỹ và lãnh đạo chi hội đầy nhiệt huyết và được cộng đồng mến mộ ở khắp nơi. Chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu sau đây các chi hội này: Chi hội Đào liễu, Chi hội Sen Việt, Chi hội Rạng đông, Chi hội Biển hát, Chi hội Tình thơ xa xứ, Chi hội Ánh Dương, Chi hội Nét Việt, Chi hội Lam Hồng. Các chi hội đã là một trong những trụ cột vững chắc để góp phần vào sự phát triển bền vững của Hội. Hàng tuần chúng tôi đều thực hiện 2 chương trình ca nhạc giao lưu thường kỳ vào thứ bảy và chủ nhật. Hàng tháng, các chi hội đều có buổi biểu diễn thường kỳ của mình. Ngoài ra, trong các chương trình của Hội, chúng tôi thường có những khung giờ giành để mời các nghệ sỹ, các nhà chuyên môn , các nhà văn hóa, các soạn giả v.v... giao lưu, trình bày các vấn đề về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử và xã hội. Trong các chương trình ca nhạc, ngoài những nội dung thường xuyên, chúng tôi cũng tổ chức các buổi ca nhạc theo chủ đề như: dân ca các vùng miền, các ngày lễ lớn của dân tộc và thế giới... Đánh giá kết quả sẽ rất là trừu tượng, tuy nhiên, bằng chủ trương kết nối và chia sẻ, ngày càng có nhiều thành viên tham gia Hội, ngày càng có nhiều ca sỹ hát dân ca. Chúng tôi có cả một đội thiếu nhi hát dân ca và sắp tới có thể phát triển thành một chi hội.

BTV Bảo Trang: Xin quay trở lại với chủ đề chính của buổi trò chuyện ngày hôm nay – đó là các bài dân ca góp phần vào công cuộc chống dịch covid. Cho đến giờ thì cuộc sống của bà con người Việt mình ở bên đó như thế nào thưa chị?

Chị Hoàng Thị Dư: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, mỗi quốc gia có một cách đối phó khác nhau. Là một thành viên của người Việt tại Đức, chúng tôi rất hoan nghênh và chấp hành những quyết định của nước sở tại cũng như luôn theo dõi và ấn tượng với những quyết sách hiệu quả ở quê nhà. Với những quyết sách của mỗi quốc gia, chắc chắn dịch bệnh sẽ qua trong những ngày gần nhất. Cho đến bây giờ chúng ta có thể nói Covid 19 là một thảm họa của thế kỷ. Vì vậy đời sống của tất cả chúng ta, trong đó có bà con Việt kiều ở Đức tất yếu gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc phải đối phó với dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, còn có việc những hoạt động kinh tế bị đình trệ do giãn cách kéo dài. Cuộc sống bị đảo lộn về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, bằng sự lạc quan, tin tưởng, bằng bản lĩnh và sự tương trợ (trong đó có sự hỗ trợ của nhà nước Đức), động viên lẫn nhau, chắc chắn mọi khó khăn sẽ vượt qua.

BTV Bảo Trang: Và trong bối cảnh như vậy thì chắc hẳn các buổi giao lưu văn nghệ vẫn là những sự kiện được trông chờ phải không chị?

Chị Hoàng Thị Dư: Trong bối cảnh giãn cách xã hội , những hoạt động thực tế của Hội tất nhiên là bị ảnh hưởng không nhỏ . Vì vậy, trong thời gian trước mắt các hoạt động đó vẫn sẽ được tiếp tục trên sóng online . Chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm, đưa vào chương trình những nội dung cũng như những chủ trương mới cùng với những nội dung , chủ đề về quê hương, đất nước, về âm nhạc và về âm nhạc truyền thống. Hy vọng các chương trình ca nhạc của Hội yêu nghệ nghệ thuật truyền thống Việt nam tại CHLB Đức và châu Âu sẽ ngày càng được đón nhận sự tham gia của đông đảo bà con cộng đồng và sự quan tâm cũng như sự hợp tác của các cơ quan hữu quan, các nhà chuyên môn, các nghệ sỹ và các tổ chức khác.

BTV Bảo Trang: Vâng xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Chị Hoàng Thị Dư: Chúng tôi cũng xin trân trọng cảm ơn kênh VOV5, Đài tiếng nói Việt nam đã giành cho chúng tôi cơ hội để chia sẻ những bài dân ca chống dịch Covid 19 trên làn sóng phát thanh. Kính gửi đến quý vị lời chúc sức khỏe và an lành trong cuộc sống.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác