Vai trò của công nghệ AI trong chống biến đổi khí hậu

(VOV5) - Một ứng dụng hữu ích của AI trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là sự tích hợp của công nghệ này với công nghệ vệ tinh quan sát Trái Đất.

Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội các quốc gia, trong đó có lĩnh vực môi trường. Theo các chuyên gia, AI có thể giúp các quốc gia và cộng đồng quốc tế đẩy nhanh tiến độ thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Vai trò của công nghệ AI trong chống biến đổi khí hậu - ảnh 1Australia dùng drone để kiểm soát hệ động thực vật. Ảnh: Creativedigital

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hôm 18/09 công bố báo cáo mang tên “Đoàn kết trong khoa học” (United in Science). Đây là báo cáo thường niên, do WMO phối hợp cùng nhiều tổ chức quốc tế khác thực hiện, nhằm thông tin, cập nhật các vấn đề mới nhất liên quan đến lĩnh vực khí hậu, môi trường cùng thực trạng ứng dụng khoa học vào việc giải quyết các vấn đề này. Bản báo cáo  “United in Science” của WMO năm nay cho thấy thế giới vẫn đang đi chệch đường ray trong lộ trình hoàn tất các mục tiêu về khí hậu và bất chấp các nỗ lực giảm phát thải carbon của các quốc gia, khoảng cách giữa thực trạng phát thải và mục tiêu đặt ra vẫn rất lớn.

Cụ thể, theo Tổng thư ký (TTK) WMO, Celeste Saulo, trong Thoả thuận khí hậu Paris 2015, các nhà khoa học dự đoán lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 tăng 16% so với mức của năm 2015. Tuy nhiên, các dữ liệu khoa học mới mà WMO thu thập được cho thấy mức tăng này cao hơn dự đoán 3%, tức vào cuối thập kỷ này lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ cao hơn khoảng 19% so với năm 2015. Với thực tế này, có đến 66% khả năng nhiệt độ trung bình Trái Đất vào cuối thế kỷ này sẽ tăng thêm quá 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tức không đạt được mục tiêu quan trọng nhất mà Thoả thuận khí hậu Paris 2015 đặt ra.

Trước mắt, WMO cho biết năm ngoái là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử và năm nay có khả năng sẽ lại phá kỷ lục này. Tình trạng khí hậu xấu đi này đã và đang tác động trực tiếp đến hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, khi làm gia tăng cường độ xuất hiện và mức độ tàn phá của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, nắng nóng.

Tuy nhiên, bất chấp thực trạng bi quan về môi trường và khí hậu trên hành tinh, WMO cũng đưa ra một số nhận định tích cực khác, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Theo Điều phối viên khoa học của WMO, Lauren Stuart, công nghệ AI và máy học đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xây dựng mô hình, dự đoán sớm các hiện tượng thời tiết bất thường và đang có tác động mang tính chuyển đổi trong lĩnh vực này: “Báo cáo làm nổi bật vai trò mà AI và máy học đang tạo ra cuộc cách mạng toàn diện trong việc dự báo thời tiết. Công nghệ AI và máy học mang lại rất nhiều cơ hội để biến các mô hình dự báo thời tiết trở nên rẻ hơn, nhanh hơn và đặc biệt là dễ tiếp cận hơn đối với các quốc gia đang phát triển vốn không có các nguồn lực, khả năng hay năng lực về máy tính để sử dụng các mô hình dự báo thời tiết số học truyền thống”.

Vai trò của công nghệ AI trong chống biến đổi khí hậu - ảnh 2Công cụ AI WatsonX giúp quan sát Trái đất từ không gian. Ảnh: Tomorow World’s Today

Theo Lauren Stuart, sự tiến bộ của công nghệ AI hiện nay cho phép các nhà khoa học thực hiện mô hình “song sinh số”, tức việc xây dựng một Trái Đất phiên bản số. Mô hình “song sinh số” tạo ra một thế giới ảo và sử dụng dữ liệu theo thời gian thực để mô phỏng tất cả những gì có thể xảy ra với Trái Đất trong những điều kiện thời tiết nhất định. Công nghệ AI giúp cho các mô phỏng trong mô hình “song sinh số” diễn ra chân thực nhất có thể, từ đó giúp các nhà khoa học tính toán và dự báo được những gì sẽ diễn ra trên Trái Đất thực. Một ứng dụng hữu ích khác của AI trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là sự tích hợp của công nghệ này với công nghệ vệ tinh quan sát Trái Đất. Lauren Stuart cho biết: “Công nghệ vệ tinh nâng cao năng lưc của chúng tôi trong việc dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt tại các khu vực trước đây rất khó tiếp cận, ví dụ như các vùng núi với địa hình khó khăn hoặc các khu vực không có các trạm quan sát mặt đất. Các vệ tinh ngày nay đã có khả năng bù đắp cho điều đó”.

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ AI vào việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia, ở các cấp độ khác nhau. Tại Anh, các nhà khoa học mới đây đã tích hợp công nghệ AI với công nghệ cảm biến để đo chất lượng nước sông trong thời gian thực, từ đó báo trực tiếp đến người dân thông qua các ứng dụng, để người dân biết được vào thời điểm nào thì nước sông đủ an toàn để có thể bơi hoặc tiến hành các hoạt động khác. Chuyên gia Dan Byles, đến từ công ty công nghệ Unifai, cho biết: “Công nghệ cảm biến đang liên tục phát triển, giúp chúng tôi bố trí các cảm biến với chi phí thấp hơn nhiều so với trước đây. Tiếp đến, công nghệ AI giúp thu thập các dữ liệu từ các cảm biến theo thời gian thực và từ đó xác định được theo thời gian thực các nguy cơ liên quan đến vi khuẩn gây hại trong dòng sông”.

Tại một số quốc gia khác, như: Brazil, Pháp, Hy Lạp… công nghệ AI cũng đang được sử dụng để thiết lập các mô hình phát hiện từ sớm các nguy cơ cháy rừng, hạn hán, từ đó phát triển các phương thức trồng rừng và canh tác nông nghiệp ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác