Hàng Bạc, phố nghề độc đáo ở Hà Nội

(VOV5) - Ngày nay, nhiều lối sinh hoạt của phố nghề phường nghề Hàng Bạc đã khác xưa. Tuy nhiên ở Hàng Bạc vẫn còn đó hơi hướng của một khu dân cư giỏi buôn bán với nếp sống thanh lịch của người Hà Nội. 

Hàng Bạc, phố nghề độc đáo ở Hà Nội  - ảnh 1
Phố Hàng Bạc hôm nay (Ảnh: fpttelecom.net.vn)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Hà Nội có khu phố cổ 36 phố phường, mỗi phố thường gắn với một ngành nghề thủ công. Do vậy, dù lần đầu tới đây nhiều người cũng dễ nhận ra phố nghề đó, thậm chí chỉ nghe âm thanh trên phố cũng có thể đoán biết  ngành  nghề của những phố này. Phố Hàng Bạc, xưa là phường nghề đúc bạc, được coi là giàu có bậc nhất ở Kinh thành Thăng Long. Ngày nay dạo bước trên con  phố này, du khách có cảm tưởng như một chuyến đi ngược dòng thời gian về với lịch sử phố nghề, làng nghề Hà Nội. Ngay từ sáng sớm  đã  nghe vang vọng tiếng búa gõ đều đều của dân làm nghề trên phố, bắt đầu một ngày mới. 

Hàng Bạc, phố nghề độc đáo ở Hà Nội  - ảnh 2
Phố Hàng Bạc - 1926 (Ảnh tư liệu)

Phố Hàng Bạc nằm giữa trung tâm khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Trải qua nhiều thế kỷ với những biến động thời gian, nhưng phố Hàng Bạc vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc, nếp sống làng nghề xưa. Dọc hai bên phố là những ngôi nhà truyền thống lớp mái ngói đỏ, bên cạnh những toà nhà hình ống, kiến trúc kiểu Phương Tây. Đôi khi trên phố, người ta cũng bất chợt gặp những mái chùa, ngôi đình , miếu thờ Tổ nghề rêu phong nhuốm màu thời gian của phường nghề xưa. Ở phố hàng Bạc có đình Kim Ngân là công trình kiến trúc cổ có thời Hậu Lê ( năm 1428-1527). Đây là nơi lưu giữ dấu tích về phường nghề kim hoàn ở kinh thành Thăng Long xưa. Những di tích ở đình Kim Ngân cho thấy những cư dân ở đây, chính là hậu duệ của những tốp thợ thủ công đầu tiên lên kinh thành Thăng Long lập phường nghề đúc bạc năm xưa. Điều đặc biệt, đến nay, hầu hết các gia đình ở đây vẫn duy trì mối liên hệ với dòng tộc, họ hàng ở những làng quê, làng nghề gốc. 

Hàng Bạc, phố nghề độc đáo ở Hà Nội  - ảnh 3
Xưởng làm đồ vàng bạc, hiệu Tiến Bảo ở phố Hàng Bạc (Ảnh tư liệu)

Bác Phạm Huy Dũng, một trong những gia đình sinh  sống lâu đời ở phố Hàng Bạc, cho biết: "Đó là khoảng thế kỷ 15-16 có một ông quan Thượng Thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê ( thuộc tỉnh Hải Dương) được triều đình giao trách nhiệm đúc bạc. Ông đã đưa tất cả người  làm nghề ở làng Châu Khê ở quê hương ông và nhiều người giỏi nghề ở các nơi khác như: làng Đồng Xâm ( Thái Bình), làng Định Công ( Hà Nội) lên kinh thành Thăng Long lập nghiệp. Ban đầu cái gốc chính ở đây là nghề đúc bạc. Sau này có thể người làm nghề chế tác, chạm khắc bạc ở các làng khác đến đây".

Cả phố Hàng Bạc ngày nay chỉ dài khoảng 0,5 km, nhưng có đến hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ làm nghề chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc. Phần nhiều những cửa hàng thời nay đã trang bị máy móc công nghệ mới từ nước ngoài, song bên cạnh đó vẫn có những gia đình còn giữ nghề chế tác đồ mỹ nghệ thủ công làm bằng tay có từ xa xưa.  Một trong số đó là nghệ nhân Nguyễn Chí Thành ở cửa hàng Hồng Châu , số 83 Hàng Bạc. Ông chia sẻ: "Nghề này đối với gia đình chúng tôi là nghề truyền thống, các đời nối tiếp nhau để lại. Mình có nghề quý tại sao không giữ. Hơn nữa mình làm nghề, trước tiên phải yêu quý cái nghề. Nhiều người hiện nay vẫn chưa hiểu hết về nghề thủ công truyền thống và thủ công công nghiệp. Ở Hàng Bạc có hàng trăm cửa hàng, nhưng nhiều đồ trưng bày hầu như cái nào cũng giống cái nào,  vì đó là người ta làm bằng máy. Nhưng tôi vẫn làm bằng tay, đấy là ưu thế của gia đình chúng tôi, do vậy chúng tôi vẫn sống được bằng nghề". 

Hàng Bạc, phố nghề độc đáo ở Hà Nội  - ảnh 4
Người bán hàng trên phố xưa. Ảnh tư liệu

Hàng Bạc, phố nghề độc đáo ở Hà Nội  - ảnh 5
...Và nay, những cửa hàng vẫn bận rộn với những cuộc mua bán thế này... (Ảnh: Khiếu Minh)

Không chỉ giữ gìn được nghề quý của các bậc tiền nhân để lại, những cư dân ở phố Hàng Bạc ngày nay còn duy trì được nếp sống, nếp sinh hoạt truyền thống đặc trưng của cư dân khu phố cổ. Nhiều gia đình giỏi làm ăn, trở nên giàu có, nhưng vẫn sống khiêm nhường, coi trọng chữ tín, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như trong quan hệ làm ăn, buôn bán. Đặc biệt, khi nói tới Hàng Bạc trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội 36 phố phường, nhiều người còn nhắc tới câu “ Con gái Hàng Bạc” với hàm ý những phụ nữ ở phố Hàng Bạc thường đẹp cả người, đẹp cả nết. Phụ nữ Hàng Bạc không chỉ giỏi trong làm ăn buôn bán, mà còn khéo nuôi con, duy trì nếp sống yên ấm trong mỗi gia đình. Thời nay, khi không ít các gia đình hiện đại đã mất dần khoảng thời gian gắn bó bên gia đình, thì ở đây nhiều gia đình vẫn sống quây quần bên nhau và duy trì những giá trị truyền thống của gia đình dòng họ. 

Bà Hoàng Thị Khuê, cư dân phố Hàng Bạc, năm nay tuổi đã gần 80 nhưng vẫn mang nhiều nét đẹp dịu dàng của con gái Hàng Bạc xưa. Nói về nếp sống của gia đình mình, bà Hoàng Thị Khuê tâm sự: "Gia đình tôi từ thời cụ tổ đến các con cháu sau này đều ở quanh trong khu phố này, tôi vẫn giữ những kỷ niệm về các cụ nhà tôi trước đây sống tình cảm, thân mật và vui lắm. Thứ hai là mình sống ở khu phố cổ này quen rồi. Dù ở có chật chội một chút, nhưng gia đình vẫn giữ gian thờ tổ tiên, trang trí từ ngày xưa vẫn còn nguyên, chưa thay đổi".

Vào ban đêm, phố Hàng Bạc dường như sáng đèn hơn. Các cửa hàng kim hoàn, những tủ kính bày đồ trang sức càng thêm lung linh hơn khi đêm xuống. Bên cạnh những cửa hàng cửa hiệu bán đồ trang sức, trên phố này còn có các cửa hàng thời trang, cửa hàng bán tranh, các cơ sở làm dịch vụ du lịch, những quán bar luôn nhộn nhịp khách du lịch quốc tế. Ngày nay, nhiều lối sinh hoạt của phố nghề phường nghề Hàng Bạc đã khác xưa. Tuy nhiên ở Hàng Bạc vẫn còn đó hơi hướng của một khu dân cư giỏi buôn bán với nếp sống thanh lịch của người Hà Nội. Điều đó càng tôn thêm nét đặc trưng và cuốn hút của phố cổ, phố nghề Hà Nội.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác