(VOV5) - Tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung thu hút đầu tư vào hệ thống cảng biển, nhằm hiện thực hóa trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và các nước trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
Rực rỡ “Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng – Quảng Ninh”
Kỷ niệm 79 năm ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024), ngày 19/11, tại Thành phố Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh khai mạc trưng bày chuyên đề “Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng – Quảng Ninh”.
Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày - Ảnh: An ninh Hải Phòng |
Trưng bày giới thiệu hơn 200 hình ảnh, hiện vật và tài liệu trong trưng bày được chia thành 3 chủ đề chính: Phần một “Trầm tích thời gian” giúp tái hiện dấu ấn văn hoá biển qua các di chỉ khảo cổ như Cái Bèo và Hạ Long; phần hai là “Sắc màu di sản văn hoá biển” giới thiệu các lễ hội truyền thống, từ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đến lễ hội đình Trà Cổ, cùng các hình thức biểu diễn dân gian độc đáo mang đậm dấu ấn văn hoá biển của hai địa phương; phần ba của trưng bày với tựa đề “Kết nối di sản” khẳng định vai trò liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh trong phát triển văn hoá, kinh tế và bảo vệ môi trường biển.
Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: "Việc kết nối di sản văn hóa biển giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cùng với các hoạt động liên kết về kinh tế sẽ đưa 2 địa phương trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước. Triển lãm không chỉ là dịp để chúng ta tìm hiểu và tự hào về di sản văn hóa mà còn là trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị ấy. Đặc biệt hiện nay 2 địa phương đang cùng nhau thể hiện trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới lên tỉnh thành phố đầu tiên ở Việt Nam: Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Từ đó chúng ta càng có thêm động lực để biến di sản văn hóa thành nguồn lực phát triển bền vững".
Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tri ân thầy, cô giáo ở huyện đảo Trường Sa
Ngày 20/11, kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức gặp mặt giáo viên đang công tác tại các xã đảo, thị trấn.
Các em học sinh đảo Sinh Tồn tặng hoa chúc mừng thầy giáo - Ảnh: TTXVN |
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu, giáo viên và học sinh đã ôn lại truyền thống của Ngày Nhà giáo Việt Nam; thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ do cán bộ, chiến sỹ, học sinh biểu diễn. Lãnh đạo, chỉ huy các đảo, đại diện phụ huynh, học sinh tặng hoa chúc mừng các thầy, cô giáo nơi hải đảo của Tổ quốc. Ông Trần Quang Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, khẳng định Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa ở hải đảo xa xôi, điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cùng với quân và dân nơi đây luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các thầy giáo giảng dạy, công tác. Với tâm huyết, lòng yêu nghề, tình thương yêu học trò, những năm qua, các thầy luôn nỗ lực, cống hiến hết mình để "ươm mầm xanh". Điều đó được thể hiện rõ trong kết quả dạy và học tập của học sinh, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh và cả nước.
Động lực phát triển từ hệ thống cảng biển
Tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung thu hút đầu tư vào hệ thống cảng biển, nhằm hiện thực hóa trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và các nước trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) vào năm 2030. Hiện cảng biển nước sâu Mỹ Thủy với Khu bến cảng Mỹ Thủy (dự án) giai đoạn 1 được triển khai xây dựng tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị từ cuối tháng 3.
Phối cảnh dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy - Ảnh: quangtri.gov.vn |
Giai đoạn 1 dự án dự kiến đến cuối năm 2025 hoàn thành từ 2 - 4 bến; tổng chiều dài tuyến mép bến 1.300 m, chiều rộng 50 m cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ đi kèm đáp ứng tàu có trọng tải đến 100.000 tấn cập cảng. Khu bến cảng Mỹ Thủy đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và trung chuyển hàng hóa. Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy cũng phục vụ Trung tâm điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị khi tiếp nhận các tàu chở khí.
Khu bến cảng Mỹ Thủy sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 khi đầu tư 3 bến, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Khu bến cảng Mỹ Thủy phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến EWEC. Tuyến EWEC cũng kết nối với cảng biển Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.
Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, các cảng biển được đầu tư hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thực hiện vai trò động lực thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp ở các khu công nghiệp và trung chuyển hàng hóa trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây.