Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy hoàn tất COC

(VOV5) - Ngày 1/11, đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào ILC với số phiếu 145/193, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ với phóng viên VOV những ngày cuối năm 2021, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người vừa tái cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, khẳng định, trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ nỗ lực cùng các cơ quan chức năng trong nước để thúc đẩy hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

"Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng và nhất quán. Việt Nam sẽ hợp tác cùng các nước, tích cực thúc đẩy để đạt được một COC thực chất và hiệu quả. COC là một bộ quy tắc khung chứ chưa phải là những vấn đề cụ thể. Cũng giống như UNCLOS 1982, là hiến pháp đại dương điều phối mọi hoạt động trên biển. Chúng ta phải làm sao thực thi tốt UNCLOS rồi mới phát triển các vấn đề, thỏa thuận cụ thể."
Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy hoàn tất COC      - ảnh 1Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trả lời phỏng vấn. Ảnh: Ánh Huyền/VOV5

Đại sứ Hồng Thao nhấn mạnh: "ASEAN luôn là trung tâm trong điều phối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực. Nếu đạt được COC thì vị thế trung tâm của ASEAN sẽ tăng cao, nhất là trong bối cảnh có rất nhiều nước đưa ra nhiều thiết chế mới như QUAD (Đối thoại Bộ Tứ không chính thức giữa Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), hay AUKUS (Đối tác 3 bên Anh, Mỹ, Australia)…"

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cũng bày tỏ vinh dự, tự hào khi là cá nhân đầu tiên đại diện cho Việt Nam tham dự ở một cơ quan luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc. Đây là cơ quan giúp Đại hội đồng pháp điển hóa và phát triển luật quốc tế, dù không có chức năng giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia nhưng thông qua công việc của Ủy ban luật pháp quốc tế, cá nhân Đại sứ nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ nỗ lực đóng góp xây dựng các quy chuẩn chung của luật pháp quốc tế, trong đó có việc tôn trọng và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.

Ngày 1/11, đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào ILC với số phiếu 145/193, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau ứng cử viên Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác