Thính giả chúc mừng ngày kỷ niệm thành lập VOV; thông tin một số nét văn hóa Việt

(VOV5) - Thính giả cũng cảm thấy có điều kiện để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, các phong tục, tập quán của người Việt qua các tin, bài trên sóng phát thanh và trang web.

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả chuyển lời chúc mừng đài TNVN, chia sẻ ý kiến về các chương trình và yêu cầu được trả lời nhiều nội dung thính giả quan tâm

Nghe âm thanh tại đây: 

Chào quý vị, chào cac bạn,

Những lá thư của thính giả gửi về tuần qua tiếp tục chuyển nhiều lời chúc của bạn nghe đài tới các chương trình cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên nhân kỷ niệm ngày thành lập Đài TNVN.

 Thính giả Trương Bồi Cường ở Quảng Đông, Trung Quốc cùng nhiều thính giả khác khẳng định sự lớn mạnh của VOV trong thời đại công nghiệp 4.0 với việc sử dụng các công nghệ trên điện thoại giúp cho việc kết nối Việt nam với thế giới ngày một hiệu quả hơn.Nhiều thính giả từ các nước Bangladesh, Chi Lê, Tây Ban Nha vui mừng vì tiếp tục tiếp cận được với sóng ngắn, với internet, nắm bắt được nhiều thông tin trên trang web VOV5. Thính giả cũng cảm thấy có điều kiện để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, các phong tục, tập quán của người Việt qua các tin, bài trên sóng phát thanh và trang web. Trong nước, mỗi bình luận của bạn nghe đài trên các chuyên mục giúp những người làm chương trình có thêm nhiều động lực để nỗ lực hơn trong công việc và tuyên truyền nhiều hơn về các nội dung đáp ứng nhu cầu của thính giả.

Quý thính giả thân mến,

Trong các chương trình của chúng tôi, vào ngày thứ 5 hàng tuần đều có chuyên mục hương vị quê nhà. Đây là nơi để chúng tôi giới thiệu với các bạn về ẩm thực Việt Nam từ các món ngon vùng miền tới việc chế biến các món ăn mang hương vị đặc trưng riêng. Đó là yêu cầu mà các thính giả Trung Quốc gửi tới chương trình.

 

Thính giả người Nhật Bản Matsumoto Takyua hỏi chất liệu dân ca trong văn hóa Việt Nam hiện nay được thể hiện dưới những hình thức nào ngoài hình thức sân khấu kịch nghệ?

Dân ca Việt Nam là một thể loại âm nhạc cổ truyền của Việt Nam, hiện vẫn đang được nhân dân sáng tác và tìm hiểu. Âm nhạc này có nhiều làn điệu từ khắp mọi miền cộng đồng người, thể hiện qua có lời hoặc không lời của các dân tộc Việt Nam. Dân ca chính người dân lao động tự sáng tác theo tập quán, phong tục. Các làn điệu dân ca thể hiện phong cách bình dân, sát với cuộc sống lao động mọi người. Các dịp biểu diễn thường thường là lễ hội, hát làng nghề. Thường ngày cũng được hát lên trong lao động để động viên nhau, hay trong tình yêu đôi lứa, trong tình cảm giữa người và người. Chính vì vậy, ngoài cách thể hiện qua sân khấu, kịch, dân ca được phản ánh và biểu diễn tự  nhiên trong cuộc sống hàng ngày, gắn liền với các hoạt động sản xuất, lễ hội.

 

Thính giả Sakae Onozawa, ở Kanaagawa, Nhật Bản, muốn biết về nghệ sỹ đàn piano nổi tiếng ở Việt Nam?

Chương trình xin giới thiệu gương mặt Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn. Sinh năm 1958 tại thủ đô Hà Nội, ông là một nghệ sĩ dương cầm người Canada gốc Việt. Nổi danh sau khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10 năm 1980) tại Warszawa, Ba Lan. Đó là cuộc thi mà  đầu tiên một nghệ sĩ dương cầm châu Á đoạt giải nhất. Năm 1976 Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, và dưới sự hướng dẫn của Vladimir Natanson và Dmitry Alexandrovitch Bashkirov.

Năm 1984, Đặng Thái Sơn trở thành một trong những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Khi đó ông mới chỉ 26 tuổi và là nghệ sĩ nhân dân trẻ tuổi nhất khi được trao tặng danh hiệu này từ trước đến giờ. Những bài trình diễn của ông thường là những bài nhạc dương cầm của Frédéric Chopin, hoặc là của những nhạc sĩ mang trường phái lãng mạn và ấn tượng, cũng như những bài nhạc hoà tấu dương cầm của hầu hết tất cả những nhà soạn nhạc nổi tiếng (Beethoven, Schumann, Chopin, Grieg, Rachmaninov, Mozart,…).Hàng năm, ông vẫn thường về Việt Nam để tham gia vào các buổi hòa nhạc lớn.

 

Từ Đức, thính giả Ralf Urbanczyk muốn được nghe giới thiệu về Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nằm ở phố Nguyễn Thái Học, đối diện phía sau Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ngôi nhà hay còn gọi là viện bảo tàng được người Pháp xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ 20 với chức năng là nơi dành cho con gái của các quan chức người Pháp từ khắp Đông Dương  về Hà Nội trọ học. Năm 1962, nhà nước Việt Nam giao cho Bộ Văn hóa cải tạo ngôi nhà từ chỗ mang dáng dấp kiến trúc phương Tây được bổ sung những chi tiết trang trí kiến trúc của đình làng Việt Nam để làm nơi trưng bày vĩnh viễn các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam. Năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được khánh thành, trưng bày  hơn 20 ngàn hiện vật gồm hội họa, điêu khắc, mỹ thuật truyền thống, gốm, mỹ thuật nước ngoài.

 

Quý thính giả thân mến, tháng 8 âm lịch hàng năm, người Việt ở trong nước và nước ngoài thương tổ chức Tết Trung Thu cho trẻ em. Chương trình xin giới thiệu về sự kiện mà khá nhiều bạn nghe đài  ở nước ngoài quan tâm:

Không chỉ là Tết dành cho trẻ em, đây còn là dịp để người dân quây quần, đoàn viên sau thời gian đi xa làm ăn trung thu là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi rơi vào Rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Từ xưa, đây được xem là ngày lành, tháng tốt để tiên đoán mùa màng và cũng là dịp Tết vui chơi của trẻ nhỏ.

Vào ngày này, theo phong tục người Việt, người lớn thường chuẩn bị mâm cỗ (bánh, trái…) dâng lên cúng tổ tiên, những người đã khuất. Sau đó, tất cả các thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau cùng phá cỗ, thưởng trăng. Người Việt cũng thường mượn ngày này để tỏ lòng hiếu kính với ông bà, bố mẹ bằng những món quà, những lời thăm hỏi. Ngày này cũng được xem là Tết Thiếu nhi. Trẻ em các vùng miền trên cả nước được rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng… cùng bạn bè. Nếu có dịp tới  Việt Nam vào thời điểm này, chắc chắn các bạn sẽ được cùng trải nghiệm không khí rộn ràng của đêm Trung Thu với nhiều hoạt động sôi nổi ở khắp nơi.

Nhằm tăng cường thông tin về công tác đối với người việt Nam ở nước ngoài, từ ngày 7/9, chương trình phát phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc ngoài hai giờ phát sóng FM trong nước từ 10h đến 11h và từ 22h đến 23 h, sẽ phát sóng thêm 1 buổi từ 15 h đến 16h trên sóng FM 105.5 ở Hà Nội, Quảng Ninh và sóng FM 105.7 ở thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình cũng được phát trực tuyến  hàng ngày trên trang web vovworld.vn vào 3 buổi phát sóng trên, từ 10 h đến 11 h, từ 15h đến 16h và từ 22h đến 23 h( theo giờ Hà Nội). Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác