Trả lời về chiến dịch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch; hiệu quả làm việc từ xa

(VOV5) - Thính giả mong muốn được cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh như chiến dịch hỗ trợ thời điểm dịch, xe lưu động tiêm vaccine; làm việc từ xa khi dịch bệnh.

Chào quý vị, chào các bạn!

Tuần qua, trong những lá thư, điện thoại từ khắp nơi, thính giả mong muốn được cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh như chiến dịch hỗ trợ thời điểm dịch, xe lưu động tiêm vaccine; làm việc từ xa khi dịch bệnh.

Nghe âm thanh tại đây: 

Chào quý vị, chào các bạn,

Chúng ta đang cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn của dịch bệnh, hướng về ngày kỷ niệm của dân tộc Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9. Trong không khí đó, những người làm chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Viêt Nam ở xa Tổ quốc cũng đón nhận tình cảm của bạn bè khắp nơi trong ngày sinh lần thứ 40 của mình.

Trên sóng phát thanh, trên trang web có nhiều bài viết về chặng đường làm báo của những phóng viên của chương trình. Tất cả vì mục tiêu mang đến cho thính giả và kiều bào ở khắp nơi những thông tin chính xác, nhanh nhất, phản ánh mọi mặt đời sống của những người con xa xứ. Một trong những sự kiện là cuộc thi kiều bào hát dân ca trên Đài TNVN, tiếp tục nhân nhiều tác phẩm gửi tới chương trình. Chương trình cũng nhận được nhiều đóng góp ý kiến qua trang web. Càm ơn thính giả đã luôn đồng hành và ủng hộ cho chúng tôi.

Quý thính giả thân mến, trả lời thư tuần này, trước hết, chương trình xin thông tin về chiến dịch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Chiến dịch "Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức". Chiến dịch được thực hiện từ tháng 8 - 11/2021, cao điểm từ trung tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9. Chiến dịch "Kết nối cộng đồng - Vượt qua thách thức" tập trung vào ba hoạt động chính: Hỗ trợ "Túi hàng gia đình Chữ thập đỏ" tại 20 tỉnh, thành phố, mỗi túi hàng trị giá 500 ngàn đồng, gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm dành cho một hộ gia đình 4 người sử dụng trong một tuần và các vật dụng phòng, chống dịch (khẩu trang, xà phòng, nước sát khuẩn…); Hỗ trợ suất ăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong các bệnh viện tại Hà Nội; Hỗ trợ tiền mặt cho người lao động ngoại tỉnh mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn hiện đang ở trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Để triển khai chiến dịch, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xuất 4,3 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ 20 địa phương, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ 1,4 tỷ đồng; Hà Nội 700 triệu đồng; Bình Dương, Đồng Nai, mỗi tỉnh 300 triệu đồng. Đồng thời, 16 tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách mỗi tỉnh, thành được hỗ trợ 100 triệu đồng. Các tỉnh, thành Hội vận động thêm nguồn lực để lan tỏa và tăng hiệu ứng trong triển khai chiến dịch tại cơ sở.

Từ Campuchia, thính giả Kim Somneang hỏi về xe tiêm vaccine COVID-19 lưu động tại Việt Nam.

Trung tâm Y tế quận Tân Phú đã triển khai 2 xe lưu động đến tiêm tại nhà cho các cụ lớn tuổi, không có điều kiện tới tiêm tại các điểm tập trung tại phường Tân Sơn Nhì và Tân Quý. Được biết, hoạt động này được triển khai vào ngày 13.8, với tiêu chí không để sót người dân nào không được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19.

Xe chuyên dụng tiêm vắc-xin lưu động hiệu Fuso Canter 6.5-TV1, được thiết kế điều chỉnh các bộ phận phục vụ cho tiêm chủng tự động như: Hai bên thùng xe có khả năng nâng lên kèm theo những tấm bạt giúp che nắng, che mưa cho những người đến tiêm chủng hoặc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Đồng thời, đuôi xe lắp bậc lên xuống giúp người dân lên xuống xe dễ dàng hơn. Phần sàn xe chứa đựng bàn, ghế cũng được hạ xuống với các chân đứng giúp tăng độ cứng vững. Những bộ bàn, ghế được gắn cố định trên sàn xe và có thể đóng/mở dễ dàng bằng tay. Chiếc xe này sở hữu tổng cộng 04 bàn và 08 băng ghế dài, chia đều 02 bên thân xe, giúp người dân có thể tiêm chủng linh hoạt ngay trên xe, tránh tập trung đông người. Ngoài ra, xe còn sở hữu 01 thùng lạnh phía trong để bảo quản các liều vắc-xin và trang bị hệ thống phun khử khuẩn thùng xe sau mỗi lần sử dụng.

Từ Jawah Timur, Indonesia, thính giả Arestin Beruan hỏi Việt Nam đã sản xuất được vaccine COVID19 chưa?

Đến nay, Việt Nam có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, trong đó vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3. Vaccine này sẽ mở rộng đối tượng nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu. Nano Covax là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Trước đó, vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18.12.2020, giai đoạn 2 từ ngày 26.2.2021 và giai đoạn 3 từ ngày 11.6.2021.  Sau khi nghiệm thu kết quả thử nghiệm pha 3a của vaccine Nano Covax, sẽ được cấp phép để sử dụng.

Thính giả Nakahara Shouta, ở Nhật Bản, hỏi: “Các bạn thấy sao về hiệu quả công việc khi làm việc từ xa?”

Dich bệnh đã khiến cho các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức buộc phải lựa chọn làm việc từ xa. Theo đánh giá chung: Làm việc từ xa cũng hiệu quả không kém như khi làm việc tại văn phòng. Hiện nay, điện thoại, thư điện tử, những phần mềm quản lý văn phòng giúp chia sẻ và chỉnh sửa tài liệu trực tuyến đều đã trở nên quá quen thuộc. Đó là trợ thủ đắc lực khiến quy trình làm việc hoàn toàn không bị gián đoạn kể cả khi các nhân viên làm việc ở những địa điểm khác nhau.

Bạn có thể chủ động, thoải mái khi làm việc. Bạn sẽ không phải quan tâm và bị gò bó trong những quy tắc nơi công sở về trang phục, thái độ, giờ làm việc và vị trí. Trong quá trình làm việc, bạn sẽ có thể hoàn toàn tập trung để hoàn thiện công viên mà không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của mọi người xung quanh, hay bị tác động bởi môi trường và mất thời gian để tham gia các cuộc họp. Tuy nhiên, sẽ có một số nhược điểm, nếu chỉ làm việc từ xa mà không tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đồng nghiệp trong một thời gian dài thì nhân viên sẽ không thể phát triển kỹ năng giao tiếp của mình và việc truyền tải thông tin của cả tổ chức cũng thể đảm bảo tính chặt chẽ. Các nhân viên trong cùng một công ty sẽ không có cơ hội kết nối và hiểu về nhau, từ đó sự phối hợp trong công việc không thể ăn ý.

Tới đây, thời lượng của chương trình đã hết, hẹn gặp lại các ban trong những cánh thư sau.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác