Danh nghiệp xanh cần là những ngọn hải đăng dẫn dắt đổi mới sản xuất, làm giàu tài nguyên văn hóa

(VOV5) - "Doanh nghiệp văn hoá xanh là một trong những mô hình kinh doanh có khả năng đáp ứng tốt nhất cho các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững".

Tọa đàm Doanh nghiệp văn hóa xanh các nước Đông Nam Á được tổ chức từ ngày 7 đến 14/02/2023 tại thành phố Bangkok, tỉnh Chonburi và tỉnh Rayong, Thái Lan là dự án do Bộ Văn hoá Thái Lan chủ trì và tổ chức, dưới sự tài trợ của Quỹ Văn hóa của ASEAN, với mục đích nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về các doanh nghiệp xanh, bền vững ở các quốc gia Đông Nam Á.

Danh nghiệp xanh cần là những ngọn hải đăng dẫn dắt đổi mới sản xuất, làm giàu tài nguyên văn hóa - ảnh 1Các đại biểu tham dự Tọa đàm Doanh nghiệp văn hóa xanh các nước Đông Nam Á tại Thái Lan.

Trong bức tranh toàn cảnh chung về mối quan tâm và định hướng chính sách của kinh tế xanh/ tăng trưởng xanh, “doanh nghiệp văn hoá xanh” được nhìn nhận như một trong những những chủ thể then chốt, có tầm quan trọng đặc biệt có thể tạo động lực xoay chuyển tình thế và dẫn dắt cho đổi mới, bởi họ chính là những tác nhân có khả năng sáng tạo, sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có trách nhiệm, thông minh và thân thiện với môi trường.

Tọa đàm là một diễn đàn tập hợp đại diện các doanh nhân văn hóa xanh của khu vực để cùng chia sẻ các câu chuyện, bí quyết, kinh nghiệm và những thực hành tốt nhất về các mô hình kinh doanh thành công cũng như các mô hình đang thể nghiệm, định hình. Tham dự tọa đàm lần này với tư cách điều phối viên của đoàn Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Nghiên cứu văn  hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ về doanh nghiệp văn hóa xanh.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
 

PV: Xin chào PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy, xin chị chia sẻ đôi nét thông tin về việc tham dự tọa đàm Doanh nghiệp văn hóa xanh các nước Đông Nam Á?

PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy: Ngoài trao đổi, thảo luận, các thành viên tham dự tọa đàm được tham dự các các chuyến tham quan khảo sát các mô hình kinh doanh văn hoá xanh tại thành phố Bangkok, tỉnh Chonburi và tỉnh Rayong của Thái Lan trong nhiều lĩnh vực như: thủ công mỹ nghệ, dệt may và đan lát.

Chúng tôi còn có cơ hội tham dự Diễn đàn Thành phố sáng tạo Bangkok và Tuần lễ Thiết kế Bangkok - nơi hội tụ và trưng bày nhiều sản phẩm, dịch vụ sáng tạo thân thiện với môi trường được làm từ vật liệu tái chế, đây là một sự kiện tâm điểm trong định hướng phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và góp phần thiết lập vị thế của thành phố Bangkok như một thành viên tích cực trong Mạng lưới TP Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế. 

Danh nghiệp xanh cần là những ngọn hải đăng dẫn dắt đổi mới sản xuất, làm giàu tài nguyên văn hóa - ảnh 2Gian trưng bày sản phẩm của đoàn Việt Nam (Từ trái qua: PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy, doanh nhân, nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận, doanh nhân, nhà thiết kế Vũ Thảo)

Tôi tham gia tọa đàm với tư cách điều phối viên cùng với hai doanh nghiệp văn hoá xanh tiêu biểu của Việt Nam, gồm có: chị Vũ Thảo, Giám đốc sáng tạo đồng thời là người sáng lập và chủ sở hữu của thương hiệu thời trang bền vững Kilomet 109 - một doanh nghiệp thời trang cao cấp, thân thiện môi trường, sử dụng kỹ thuật, bí quyết nghề truyền thống của các dân tộc Việt Nam và quy trình sản xuất nguyên liệu địa phương, kết hợp với các thiết kế sáng tạo để tạo nên những tác phẩm thời trang bền vững và đương đại.

Một đại diện nữa là anh Lê Ngọc Thuận, người sáng lập Công ty Coco Casa Arts and Craft Collections và Trung tâm Đổi mới sáng tạo phát triển ngành nghề nông thôn, một chuỗi không gian sáng tạo chuyên về các sản phẩm mỹ thuật và thủ công được tái chế từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường như: củi lũ, vải vụn…

PV: Như chị đã phân tích, thì “các sản phẩm văn hoá xanh chính là sự kết hợp giữa các giá trị văn hoá và sự sáng tạo, góp phần vào sự tăng trưởng về phúc lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống và  sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội cũng như văn hoá”. Qua chuyến đi này, đoàn Việt Nam học hỏi được những gì?

PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy: Chủ đề về doanh nghiệp văn hoá xanh là chủ đề hết sức thú vị, cần thiết và toạ đàm này là một trong những điểm khởi đầu để khơi gợi, chia sẻ mối quan tâm chung, trao truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức giữa các nước ASEAN về bản chất và tính độc đáo của các doanh nghiệp văn hoá xanh, qua đó hy vọng sẽ có những hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.

Mặc dù có nhiều tranh luận nhưng một trong những đặc trưng nổi bật có thể thấy đó là doanh nghiệp văn hoá xanh là không đặt trọng tâm duy nhất vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bằng việc đánh đổi các giá trị về môi trường, văn hóa, xã hội. Doanh nghiệp văn hoá xanh phải là những chủ thể tiên phong hành động trong việc cân đối hài hoà và đảm bảo sự kết hợp tối ưu các chiều kích bền vững đa chiều như đã nêu ở trên.  

Ví dụ hoạt động của doanh nghiệp văn hoá xanh phải đảm bảo hiệu quả về sinh thái, môi trường; đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo góp phần xây dựng xã hội công bằng, hòa nhập.

Về chiều kích văn hoá cũng vậy, các doanh nghiệp văn hoá xanh cần có khả năng biểu đạt được các câu chuyện độc đáo có chiều sâu về bản sắc văn hoá, qua đó vừa góp phần bảo vệ, duy trì, vừa tái tạo, tái sáng tạo và làm giàu thêm tài nguyên văn hóa.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nhân văn hóa xanh để có thể theo đuổi và đạt được một sự cân bằng giữa các giá trị khác nhau về môi trường, về xã hội, văn hóa và kinh tế.

Danh nghiệp xanh cần là những ngọn hải đăng dẫn dắt đổi mới sản xuất, làm giàu tài nguyên văn hóa - ảnh 3Sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tham dự tọa đàm.

Đặc biệt khi mà doanh nghiệp văn hoá xanh cần phải ưu tiên sứ mệnh bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua việc tìm kiếm những cách thức sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, tái sử dụng, tái chế, tái tạo tài nguyên, qua đó thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hay nói cách khác là tăng trưởng từ đại trà sang chất lượng… đóng góp cho sự chuyển đổi có lợi cho toàn xã hội, đồng thời đáp ứng những mục tiêu bền vững về văn hoá, hay nói cách khác là đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Có thể nói doanh nghiệp văn hoá xanh là một trong những mô hình kinh doanh có khả năng đáp ứng tốt nhất cho các mục tiêu phát triển bền vững như đã đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015.

PV: Theo chị đâu là những thách thức mà doanh nghiệp văn hoá xanh cần phải giải quyết?

PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy: Doanh nghiệp văn hoá xanh cần đảm bảo rằng sản phẩm của mình không có tác động xấu đến môi trường và xã hội, góp phần dẫn dắt, tạo ra và nâng cao nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm văn hoá xanh, bền vững.

Sản phẩm văn hoá xanh bên cạnh ý nghĩa và giá trị văn hoá, cần đảm bảo không chỉ nguyên liệu sử dụng cũng như sản phẩm đầu ra thân thiện với môi trường, có hàm lượng phát thải carbon thấp mà cần chú ý đảm bảo sự minh bạch và chính trực trong quá trình sản xuất, không gây hại cho môi trường, cũng như góp phần thúc đẩy công bằng xã hội, mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm yếu thế.

Bên cạnh đó, cần phải ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, tiến hành thu gom, xử lý và tái sử dụng rác thải trong quá trình sản xuất, cũng như đổi mới, cập nhật các kỹ năng quản lý, kinh doanh một cách phù hợp để có thể sử dụng hiệu quả tài nguyên và nâng cao khả năng tiếp cận với thị trường. 

Đây cần là chu trình tổng thể và có tính tuần hoàn, có thể cần được cân nhắc từ nhiều thành tố khác nhau như: đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm đầu ra, trong đó cần đảm bảo sự hài hòa, đan cài và cân đối giữa các tác động về tự nhiên, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Mặc dù có nhiều kỳ vọng nhưng có lẽ chúng ta cần nhiều hành động và nỗ lực hơn nữa để/đưa tiến trình xanh, bền vững vào thực chất…có thể có nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm văn hoá thực sự xanh, bền vững, chứ không chỉ dừng lại như một trào lưu và mong đợi nhất thời.

Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, mặc dù đã có một số doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này nhưng có lẽ nhiều doanh nghiệp văn hoá xanh của Việt Nam cũng như ở nhiều nước Đông Nam Á mới đang bắt đầu đi những bước đầu tiên, chủ yếu đóng góp cho tăng trưởng xanh ở các góc độ sử dụng nguyên liệu đầu vào và hoặc các các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ở một số nước, cũng diễn ra trường hợp các công ty nước ngoài thâu tóm các công đoạn then chốt trong chuỗi cung ứng sản phẩm văn hoá xanh, ví dụ các công ty có tiềm năng tài chính có thể thuê các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương cũng như cộng đồng để sáng tạo, sản xuất sản phẩm cho họ, trong khi đó họ chiếm lĩnh các kênh phân phối và hưởng hầu hết lợi nhuận, phân chia quyền lợi thiếu công bằng cho cộng đồng địa phương cũng như sử dụng nhưng không bảo tồn và tái tạo tài nguyên.

Ở đây có thể xuất hiện các vấn đề đáng lo ngại như lợi nhuận thu được chảy vào túi các doanh nghiệp quyền lực và có quy mô lớn không được tái đầu tư và phân chia xứng đáng cho cộng đồng địa phương và các chủ thể có liên quan, hay là vấn đề chảy máu chất xám, cũng như các vấn đề đạo đức khác, hoặc thách thức trong việc cập nhật các công nghệ kỹ thuật và đổi mới về quản lý và kinh doanh để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, luôn đặt ra những vấn đề không dễ giải đáp đối với các doanh nghiệp văn hoá xanh có quy mô nhỏ và vừa ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác. 

PV: Vâng cũng từ góc nhìn văn hóa, theo bà cần làm thế nào để hướng tới những hiệu quả cao hơn?

PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy: Để hướng tới những hiệu quả cao hơn thì có lẽ điều này là chưa đủ, cần phải nâng cao nhận thức về bản chất cốt lõi của doanh nghiệp văn hoá xanh hay tinh thần doanh nghiệp văn hoá xanh, đó là cần phải xanh hoá trong mọi bước của chuỗi cung ứng sản phẩm, từ nguyên liệu đầu vào, đến quy trình sản xuất và sản phẩm đầu ra, cũng như đảm bảo các tiêu chí xanh, bền vững không chỉ về mặt sinh thái, môi trường mà còn xanh, bền vững cả về các chiều kích văn hoá, kinh tế, xã hội, bên cạnh việc chấp nhận để có một sự cân bằng động giữa các chiều kích trong mức độ giới hạn nhất định.

Ví dụ, về mặt văn hoá, sản phẩm văn hoá xanh cần phải góp phần thúc đẩy đa dạng văn hoá, góp phần bảo tồn tài nguyên văn hoá bản địa nhưng cần phải đổi mới và nối dài truyền thống, đem đến cho tài nguyên sức sống mới của sự sáng tạo, ví dụ như chuyển tải những câu chuyện văn hoá của địa phương trong “ngôn ngữ” và cách thức biểu đạt đương đại, để công chúng có thể cảm thụ và tiếp nhận được.

Hay về mặt kinh tế, cần tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng, có sự kết hợp phù hợp giữa mục tiêu lợi nhuận và các mục tiêu khác, nhận biết được ngưỡng giới hạn về thương mại hoá và sử dụng một phần lợi nhuận thu được để tái đầu tư cho các nguồn lực một cách bền vững, dài hạn. Về mặt xã hội, doanh nghiệp văn hoá xanh không chỉ là doanh nghiệp dựa trên cộng đồng mà còn trao quyền cho cộng đồng, phân chia quyền lợi xứng đáng cho cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, cố kết và hoà nhập.

Tóm lại, doanh nghiệp xanh cần phải là những ngọn hải đăng trong việc sản xuất ra các hàng hoá xanh, sạch, đạo đức, chất lượng và hành động dựa trên các triết lý căn cốt và các chuẩn mực nhất định về xanh, bền vững, thông minh, nhân văn và có trách nhiệm với xã hội.

Xin cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác