(VOV5) - Chúng tôi cũng mong muốn được sử dụng và tham gia vào các chuỗi giá trị chất bán dẫn của Việt Nam, đồng thời đang cân nhắc khả năng cùng Việt Nam phát triển trong các chuỗi giá trị của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản vừa công bố chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản cũng đã bắt đầu triển khai kế hoạch này theo những lộ trình cụ thể. Theo đó, trong 10 năm tới, nước này sẽ đầu tư cho công nghiệp bán dẫn 50.000 tỷ Yên (tương đương khoảng 8 triệu 500 ngàn tỷ VND), gấp 12,5 lần so với hiện nay. Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2030, khoản đầu tư này sẽ mang lại cho nền kinh tế Nhật Bản 160 ngàn tỷ Yên (tương đương khoảng 27 triệu tỷ VND), đồng thời, đem lại cơ hội lớn cho các nước đối tác, bao gồm cả Việt Nam. Tuấn Nhật và Ngọc Huân – phóng viên đài TNVN thường trú tại Nhật Bản, phỏng vấn ông Hô-si-nô Mít-su-a-ki (Hoshino Mitsuaki) – Cục trưởng Cục kinh tế - thương mại - công nghiệp khu vực Kiu-siu (Kyushyu) thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản về tiềm năng hợp tác Việt – Nhật trong lĩnh vực mang tầm chiến lược này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Trước tiên xin cám ơn Cục trưởng vì đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN. Xin ông đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn!
Cục trưởng Hoshino: Công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực được Nhật Bản coi trọng nhất hiện nay. Về quan hệ với Việt Nam, năm ngoái, hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với nhiều dấu mốc quan trọng như nâng cấp quan hệ đối tác lên một tầm cao mới. Mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy này là cơ sở vững chắc cho hợp tác giữa hai bên, bao gồm cả hợp tác về chất bán dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam có thế và lực phát triển mạnh mẽ.
Ông Hoshino Mitsuaki, Cục trưởng Cục kinh tế - thương mại - công nghiệp khu vực Kyushyu thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản. Ảnh: PV/VOV-Tokyo |
Việt Nam cũng đang có chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, cùng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn. Đây là điểm song trùng trong chiến lược phát triển của hai nước. Tôi muốn nhấn mạnh thêm là, tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này rất lớn. Còn đối với Nhật Bản, để phát triển công nghiệp bán dẫn, vấn đề đầu tiên phải xử lý là nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực đạt chất lượng trong nước của Nhật Bản không đủ để đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi đang tính đến khả năng nhờ vào nguồn nhân lực từ nước ngoài, đặc biệt là từ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có một nguồn nhân lực dồi dào, đã qua đào tạo, nhất là đội ngũ kỹ sư có trình độ cao, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của công việc. Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hai nước đủ khả năng để bổ khuyết cho nhau. Theo tôi, hai nước cần bắt đầu quá trình hợp tác trong công nghiệp bán dẫn từ việc hợp tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi bên.
Phóng viên: Xin ông cho biết chính sách và biện pháp cụ thể của Nhật Bản đối với việc phục hưng và phát triển công nghiệp bán dẫn!
Cục trưởng Hoshino: Như tôi nói trên, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực được Nhật Bản coi trọng nhất hiện nay. Từ vài năm trước, chính phủ đã chi ra những khoản tiền rất lớn để chấn hưng và tạo cơ sở tiếp tục phát triển ngành chất bán dẫn trong tương lai. Chúng tôi chủ trương thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này, và đến nay đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào ngành chất bán dẫn tại Nhật Bản. Hiện nay, một số doanh nghiệp nước ngoài đang tiến hành xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và các sản phẩm liên quan đến bán dẫn tại khu vực Kyushyu. Đồng thời, cũng có nhiều doanh nghiệp đang đăng ký đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện nay, các bộ ngành có liên quan của Nhật Bản đang phối hợp với các doanh nghiệp, các trường đại học thành lập một mạng lưới để cùng nghiên cứu các vấn đề liên quan, nhằm đưa ra các bước cụ thể hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của chính phủ. Trong đó, như tôi vừa nêu, khâu đào tạo và bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển lâu dài được coi là đối tượng ưu tiên và đang được xúc tiến mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tập trung đầu tư về tài chính, kỹ thuật, nhằm mở rộng chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn trong nước, hướng tới tăng cường kết nối với các chuỗi giá trị của nước ngoài và chuỗi giá trị toàn cầu.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về khả năng Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị chất bán dẫn của Nhật Bản?
Cục trưởng Hoshino: Liên quan đến chuỗi giá trị chất bán dẫn, Nhật Bản đã có một chuỗi giá trị được tạo dựng trong suốt 30 năm qua, chúng tôi đang nối lại, hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng những gì vốn có, và gọi mời các đối tác nước ngoài để bù khuyết những gì còn tồn tại.
Trong vài năm trở lại đây, chúng tôi đã thực hiện hơn 100 dự án có liên quan. Đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài, những đối tác đã tham gia cùng Nhật Bản trong mấy chục năm qua, cũng đang đóng góp một phần quan trọng trong các chuỗi giá trị của Nhật Bản. Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài và trong nước của Nhật Bản cam kết rót vốn để hoàn thiện và củng cố các chuỗi giá trị của công nghiệp bán dẫn, mà bắt đầu là chuỗi giá trị nguồn nhân lực.
Đối với Việt Nam, các bạn có thể tận dụng chuỗi giá trị của công nghiệp bán dẫn đã có sẵn trong nước làm nền tảng, bàn đạp phát triển, mở rộng thêm những chuỗi giá trị khác có liên quan để kết nối với các nước, bao gồm cả Nhật Bản. Chúng tôi cũng mong muốn được sử dụng và tham gia vào các chuỗi giá trị chất bán dẫn của Việt Nam, đồng thời đang cân nhắc khả năng cùng Việt Nam phát triển trong các chuỗi giá trị của Nhật Bản. Việt Nam đủ năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị chất bán dẫn toàn cầu, và cần thử sức mình trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!