Giúp lao động ổn định việc làm trước dịch Covid-19

(VOV5) - Tuy nhiên,  doanh nghiệp và người lao động sẽ được chuẩn bị ở tâm thế có thể thích ứng với tất cả những thay đổi này một cách nhanh nhất và phù hợp nhất có thể.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong 5 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng cả nước có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu lao động mất việc làm. Vậy làm thế nào để giữ việc hoặc tạo việc làm mới cho người lao động hiện là bài toán không dễ dàng. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động xung quanh nội dung này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

  PV: Thưa bà, bà nhận định như thế nào về những tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động và việc làm của Việt Nam?

Dịch Covid-19 đang tác động đến hầu hết thị trường lao động của tất cả các nước trên thế giới. Đối với thị trường lao động Việt Nam, dịch Covid-19 đang tác động tới 4 khía cạnh sâu sắc. Thứ nhất, đó là tác động về số lượng việc làm. Rất nhiều lao động đã mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm lao động. Thậm chí, với những doanh nghiệp nhỏ có thể họ bị phá sản. Đặc biệt, các ngành bị tác động mạnh như ngành du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng, giáo dục...Ngoài ra, lao động bị mất việc thì thị trường lao động hiện nay đang đi xuống, cho nên họ rất khó để tìm được việc làm mới và nhiều người lao động phải chấp nhận làm việc ở khu vực phi chính thức. Khía cạnh tác động thứ 2 là về chất lượng việc làm. Đó là thời gian làm việc có thể bị giảm xuống khi mà các nhà máy phải giãn ca hoặc cho người lao động phải nghỉ việc tạm thời, cũng như việc người lao động phải chịu việc thu nhập của họ mất đi. Theo khảo sát của chúng tôi thì người lao động trong các ngành dệt may, da giầy thu nhập của họ có thể giảm từ 30 đến 60% trong năm 2020.

Giúp lao động ổn định việc làm trước dịch Covid-19 - ảnh 1Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm hồ sơ tìm kiếm việc làm.
Ảnh NT

Khía cạnh tác động thứ 3 về tác động của dịch Covid-19 đối với trị trường lao động việc làm của Việt Nam đó là tác động về phương thức làm việc. Đó là việc chúng ta phải quen với việc phải làm việc từ nhà, làm việc online, thậm chí có người phải làm nhiều nghề cùng một lúc. Rồi sự tham gia của người lao động ở khu vực truyền thống sang khu vực kinh tế chia sẻ.

Khía cạnh cuối cùng đó là sự dịch chuyển mạnh mẽ của việc làm trên thị trường lao động. Việc dịch chuyển từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức. Dịch chuyển việc làm từ khu vực truyền thống sang khu vực mới như như các nền tảng kinh tế chia sẻ. Năm 2020, tôi được biết có hơn 1 triệu lái xe công nghệ cũng như hơn 1 triệu người bán hàng online ở Việt Nam. Đây là con số rất lớn. Tuy nhiên, con số này chắc chắn sẽ tăng lên trong tương lai.

PV: Thưa bà, mặc dù cho đến thời điểm này, cũng chưa có các thống kê chính xác về tỷ lệ người lao động thất nghiệp sau làn sóng Covid-19 lần này, nhưng nếu như nhìn vào nhìn vào con số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong 5 tháng đầu năm nay là hơn 59 nghìn doanh nghiệp cho thấy bài toán giữ việc làm cho người lao động thời Covid là vô cùng nan giải. Bà có phân tích gì?

Giúp lao động ổn định việc làm trước dịch Covid-19 - ảnh 2TS Đỗ Quỳnh Chi và Giáo sư Harry Katz của ĐH Cornell, Hoa kỳ

Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm từ các nghiên cứu của chúng tôi trong thời gian bùng dịch vừa rồi. Thứ nhất, đối với những doanh nghiệp nhỏ hoặc những doanh nghiệp bị tác động mạnh mà ở đây là 12 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì rõ ràng người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng ngược lại nếu nhìn ở vĩ mô thì thấy hiện có một số ngành đang khôi phục rất tốt. Ví dụ, ngành dệt may hay da giầy thì hiện nay chúng ta đang nhận được rất nhiều đơn hàng, do các nhãn hàng họ dịch chuyển từ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 như Ấn Độ, Inđônêxia hay Campuchia sang Việt Nam và khi mà chúng tôi phỏng vấn các doanh nghiệp dệt may, da giầy thì họ than là rất thiếu lao động. Thiếu như vậy trong khi trên thị trường lại thừa, rất nhiều người lao động mất việc. Vậy ở đây câu hỏi được đặt ra là hệ thống dịch vụ việc làm, hệ thống kết nói dịch vụ việc làm của chúng ta hoạt động như thế nào cho hiệu quả.

Thứ hai là đối với những doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn, chưa phải là dừng hoạt động mà hiện đang gặp khó khăn, thì tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của làn sóng thứ nhất và thứ 2. Đó là đầu năm 2020 khi mà gặp khó khăn rất nhiều doanh nghiệp ngay lập tức họ sa thải ngay lập tức người lao động của họ vì họ lo lắng phải tăng chi phí và không kham nổi, nhưng khi dịch được kiểm soát tốt thì họ phải quay lại tuyển lao động, thì chi phí mà sa thải lao động sau đó lại phải tuyển lại lao động lại cao hơn rất nhiều so với chi phí là duy trì việc làm cho người lao động.

Cho nên, kinh nghiệm ở đây là nếu chưa khó khăn đến mức là phải ngừng hoạt động thì các doanh nghiệp nên thỏa thuận với người lao động về việc duy trì việc làm. Một số kinh nghiệm hay của các doanh nghiệp là có thể họ cho người lao động nghỉ việc và hưởng mức lương tối thiểu; khó khăn hơn có thể doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và không trả lương, nhưng họ đưa một cái thư ưu tiên tuyển dụng và khi doanh nghiệp gọi trở lại thì những lao động có thư ưu tiên này sẽ được tuyển ngay và tuyển đúng vào vị trí mà trước đây họ đã từng làm.

PV: Vậy theo bà, về lâu dài chúng ta cần quan tâm đến những yếu tố nào để có thể tạo một trị trường lao động ổn định và việc làm bền vững cho người lao động?

Tôi thấy từ ổn định này rất hay, nhưng theo tôi có lẽ chúng ta phải hiểủ nó theo cách mới, gọi là bình thường mới hoặc là ổn định mới trong tình hình Covid-19 hiện tại. Tôi nghĩ, chúng ta nên hiểu sự ổn định ở đây có nghĩa là một thị trường lao động vẫn có nhiều biến động. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động sẽ được chuẩn bị ở tâm thế có thể thích ứng với tất cả những thay đổi này một cách nhanh nhất và phù hợp nhất có thể.

Cho nên, theo tôi, về lâu dài chúng ta có thể cân nhắc một số giải pháp như sau: Ở đây chúng ta nói đến những biến đổi trong và sau Covid-19 thì có mấy biến đổi mà chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất là xu hướng tự động hóa. Thứ 2 là xu hướng số hóa. Thứ 3 là xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các nước khác tới Việt Nam, cũng như từ Việt Nam tới các nước khác và đặc biệt là sự lớn mạnh của nền kinh tế số. Thế thì, có hai ý ở đây đó là chúng ta phải chuẩn bị cho lực lượng lao động hiện tại và lực lượng lao động tương lai. Đối với lực lượng lao động hiện tại, chúng ta cần thứ nhất là hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho người lao động ngay tại doanh nghiệp.

Rồi lưới an sinh hỗ trợ cho người lao động, bao gồm có bảo hiểm thất nghiệp; rồi các trung tâm đào tạo lại cho người lao động lớn tuổi để chuyển sang các dịch vụ mới trong nền kinh tế số. Thứ 2 là chuẩn bị cho người lao động trong tương lai, bao gồm kết nối doanh nghiệp với trường học, rồi tham khảo các mô hình định hướng nghề nghiệp và học tập suốt đời.

Vâng, xin cảm ơn bà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác