Hà Nội hướng về quân và dân nơi đầu sóng

(VOV5) - Những món quà gửi tới cán bộ, chiến sĩ Trường Sa mang nặng tình cảm, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đảng bộ, chính quyền, quân và dân thủ đô Hà Nội.

Trong những năm qua, Hà Nội có nhiều hoạt động thiết thực thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đồng bào Thủ đô với quần đảo Trường Sa thân yêu. Thành phố đã vận động được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các công trình ở Trường Sa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội, về nội dung Hà Nội góp sức và lan toả tình yêu biển đảo đến quần chúng nhân dân thủ đô.

Hà Nội hướng về quân và dân nơi đầu sóng - ảnh 1Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
  

Phóng viên: Thưa bà, đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội vừa có chuyến thăm quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. Bà có thể cho biết về những món quà mà đoàn mang ra tặng cho quân và dân Trường Sa?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Từ ngày 12 đến ngày 21 tháng tư, Đoàn công tác thành phố Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm trưởng đoàn đã đi thăm động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa cũng như các cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn DK1. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị những món quà về cả vật chất và tinh thần để động viên thăm hỏi và tặng quà cho các cán bộ chiến sĩ quân và dân trên đảo cũng như trên nhà giàn. Chúng tôi đã tặng cờ Tổ quốc được các bà con nhân dân của huyện Thường Tín may, máy lọc nước biển thành nước ngọt, quạt sạc điện, tủ cấp đông, máy bơm chống ngập, bồn nước, đặc biệt là những đặc sản nổi tiếng của địa phương như giò chả Ước Lễ, bánh chưng Thanh Trì, các sản vật của Hoài Đức, Quốc Oai. v.v. Những món quà mang nặng tình cảm, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đảng bộ, chính quyền, quân và dân thủ đô mang ra cho cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo.

Hà Nội hướng về quân và dân nơi đầu sóng - ảnh 2Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng máy lọc nước biển thành nước ngọt cho cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le B. Ảnh: hanoimoi

Phóng viên: Những món quà này có ý nghĩa như thế nào đối với quân và dân trên quần đảo Trường Sa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Những món quà chúng tôi mang ra Trường Sa vừa mang ý nghĩa về vật chất và tinh thần. Chúng tôi mang những lời ca tiếng hát của các thành viên đoàn công tác là các nghệ sĩ của nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, nhà hát chèo, nhà hát tuồng, trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội với nhiều tiết mục văn nghệ về Hà Nội, về biển đảo để động viên các chiến sĩ.

Trong những món quà của chúng tôi, có những khóm tre do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tại khu vực đền Gióng, huyện Sóc Sơn đã được đoàn mang ra trồng tại đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa… Thánh Gióng là một nhân vật trong huyền thoại, một trong những vị thánh có công rất lớn trong bảo vệ đất nước, giữ gìn non sông. Đây là món quà của Thủ đô Hà Nội mang hồn cốt của dân tộc với ý nghĩa là tre giữ làng, tre giữ nước, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngoài ra, đoàn Hà Nội đã mang tặng cán bộ chiến sỹ và quân dân trên huyện đảo những lá cờ Tổ quốc do người dân Thường Tín sản xuất. Lá cờ là biểu tượng rất linh thiêng, nhìn thấy lá cờ là nhìn thấy hình ảnh của Tổ quốc. Tại các điểm đảo, khí hậu rất khắc nghiệt, nắng và gió làm cờ nhanh bị bạc màu và có thể bị rách vì gió, mưa. Chúng tôi đã mang màu cờ tươi thắm tới các chiến sĩ để thể hiện ý chí quyết tâm tại các điểm đảo, dù khó khăn đến đâu, các chiến sĩ vẫn giữ vững được màu cờ Tổ quốc. Tất cả những món quà này đều mang ý nghĩa tinh thần đặc biệt to lớn.

Phóng viên: Được biết, Thành phố Hà Nội đã xây dựng được nhiều nhà văn hóa đa năng tại nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa. Bà cho biết nhà văn hóa đa năng mang tên Hà Nội được xây dựng tại đây gửi gắm thông điệp gì đến các chiến sĩ Trường Sa?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Cho tới nay, thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng đóng góp 9 công trình trên các điểm đảo trên huyện đảo Trường Sa, trong đó có 7 nhà văn hóa đa năng. Nhà văn hóa đa năng được xây dựng là sự đóng góp thiết thực nhất để cho cán bộ, chiến sĩ có địa điểm sinh hoạt văn hóa, ví dụ: có khu vực thư viện để đọc sách, có nơi luyện tập thể thao và các hoạt động sinh hoạt tập thể. Đặc biệt, đây cũng là nơi bà con nhân dân đánh bắt xa bờ có thể trú tránh khi gặp mưa bão. Trong 7 nhà văn hóa này, chúng tôi mong muốn cải thiện được đời sống tinh thần và vật chất, chia sẻ bớt khó khăn cho anh em ở ngoài các điểm đảo, nhất là những đảo chìm.

Trong những năm vừa qua, đảng bộ thành phố rất quan tâm đến công tác vận động người dân đóng góp cho biển đảo. Hàng năm, thành phố đều có các lễ phát động người dân Hà Nội chung tay đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sở Thông tin truyền thông và các cơ quan báo chí thành phố có nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân trải nghiệm của đoàn khi đi thăm quần đảo Trường Sa, tuyên truyền cho người dân của Hà Nội hiểu rõ hơn cuộc sống của cán bộ chiến sĩ trên đảo, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa, chung tay cùng với các lực lượng quân đội, hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chúng tôi cũng vận động cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đóng góp một ngày lương ủng hộ biển đảo. Ngoài ra, các doanh nghiệp, người dân thành phố cũng có những khoản đóng góp khá lớn để chia sẻ với cán bộ quân và dân Trường Sa.

Hà Nội hướng về quân và dân nơi đầu sóng - ảnh 3Nhóm phóng viên tham gia đoàn công tác thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 tháng 4 năm 2021

Phóng viên: Bà có thể cho biết công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về biển đảo để bà con hiểu thêm về ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo được Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội thực hiện ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Trong thời gian vừa qua, Sở Thông tin truyền thông Hà Nội phối hợp với các cơ quan báo chí thành phố cũng như các cơ quan báo chí Trung ương triển khai chỉ đạo của Thành ủy, UBND, Hội đồng nhân dân thực hiện triển khai tuyên truyền sâu rộng về đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan đến biển đảo Việt Nam, đặc biệt là công tác triển khai Nghị quyết 36 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chúng tôi tuyên truyền đa dạng với nhiều hình thức, không chỉ tuyên truyền đến các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng tôi còn đưa vào các chương trình sinh hoạt. Ví dụ chúng tôi tuyên truyền cho các cháu nhỏ về biển đảo Việt Nam thông qua các triển lãm sách, hội sách. Đó là những bài học đầu tiên để các cháu hiểu về biển đảo. Chúng tôi nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau để các thế hệ của thành phố nắm được giá trị về tình hình kinh tế biển, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó các thế hệ sẽ tiếp nối nhau có trách nhiệm và đóng góp chia sẻ với biển đảo quê hương.

Hà Nội hướng về quân và dân nơi đầu sóng - ảnh 4Các nghệ sĩ, đại biểu đoàn công tác giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài A. Ảnh: baohaiquanvietnam.

Phóng viên: Những hoạt động ủng hộ cho Trường Sa như vậy đã thể hiện được khía cạnh nào nhằm nêu bật phong cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Hà Nội là thủ đô của cả nước. Trong nhiều năm nay, chúng ta vẫn nghe thấy cụm từ quen thuộc “Hà Nội vì cả nước” và “cả nước vì Hà Nội”. Chúng tôi rất vinh dự là công dân thủ đô và cũng thấy rõ trách nhiệm của mình với các địa phương và đối với các phong trào của toàn quốc. Những đóng góp cho quần đảo Trường Sa của Thành phố Hà Nội thể hiện ở nhiều khía cạnh.

Đoàn đi thăm và chia sẻ về vật chất, tinh thần cho Trường Sa là một trong những hoạt động thể hiện “Hà Nội vì cả nước” và “Hà Nội vì Trường Sa thân yêu”. Tôi nghĩ rằng tinh thần này đã kế thừa nét đẹp truyền thống người Hà Nội thanh lịch và văn minh.

Hà Nội cử trực tiếp những người con của mình tham gia trong lực lượng quân đội, trong đó có hải quân nhân dân Việt Nam. Trong chuyến thăm của Đoàn công tác năm 2021, chúng tôi đã gặp gỡ trực tiếp những người con Hà Nội đang làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển đảo, nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Công dân thủ đô không chỉ cố gắng sản xuất, nâng cao năng suất lao động để phát triển Hà Nội mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Tôi nghĩ rằng đó là những đóng góp hiệu quả và thiết thực nhất.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác