Nghệ sĩ việt kiều Pháp với triển lãm sắp đặt “Xe đạp ơi” ở Việt Nam

(VOV5) -Tôi sẽ về nhiều hơn để tìm hiểu thêm về phong cách đa dạng ở các mảng điêu khắc, sân khấu, hội họa, văn hóa Việt Nam.

Tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA ở Hà Nội đang diễn ra triển lãm của một nghệ sĩ Việt kiều Pháp. “Xe Đạp Ơi” là tên triển lãm sắp đặt cá nhân đầu tiên của Thu Vân Trần, đánh dấu sự tham gia và tiếp xúc mang tính nghệ thuật đầu tiên của nữ nghệ sĩ người Pháp quê gốc Sài Gòn này, tại quê hương.

Nghệ sĩ việt kiều Pháp với triển lãm sắp đặt “Xe đạp ơi” ở Việt Nam - ảnh 1Triển lãm Xe đạp ơi của Thu Vân diễn ra đồng thời với Vòng tròn Thời gian của một họa sĩ Việt Nam Hà Mạnh Thắng.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Xin chào chị Thu Vân. Chúc mừng chị về buổi triển lãm tại Hà Nôi. Tôi được biết, triển lãm "Xe đạp ơi" lấy cảm hứng từ những kỷ niệm trong tuổi thơ của mình. Chị có thể cho biết thêm về những tác phẩm đang trưng bày không?

NS Thu Vân: Tại triển lãm có 4 tác phẩm chính. Ngay giữa không gian trưng bày là tấm màn Họa Myin hình thắng cảnh Vịnh Hạ Long, một biểu tượng văn hóa Việt Nam đối với người nước ngoài. Cánh buồm nâu được khâu trên vải dù cũ, mang dấu ấn của không gian đầy nắng gió và của một thời kỳ lịch sử. Đối diện cánh buồm Họa Mi là một thế giới của hư cấu về một câu chuyện mang tên “Những sắc xám”. Ở đây người xem bắt gặp bức tranh lớn. Tôi nghĩ, nó dễ làm cho người ta tưởng như nhìn thấy một cái gì đó không dễ hiểu và siêu thực. Đó là bởi sự chồng lấn giữa 6 mảng màu tối, chúng như phủ định lẫn nhau. Bằng việc trét các mảng màu mới, lớp nọ chồng lên lớp kia và cuối cùng xuất hiện một màu xám. Chủ ý của tôi sử dụng gam màu tối này để hoài niệm quá khứ.

Nghệ sĩ việt kiều Pháp với triển lãm sắp đặt “Xe đạp ơi” ở Việt Nam - ảnh 2Tác phẩm sắp đặt Họa mi lấy mô phỏng về Vịnh Hạ Long 
Nghệ sĩ việt kiều Pháp với triển lãm sắp đặt “Xe đạp ơi” ở Việt Nam - ảnh 3Tác phẩm "Tiểu thuyết vô đề" 

PV: Chị có thể nói thêm về bức tranh. Lý do chị sử dụng 6 màu và có cách phối màu rất lạ mắt. Thông điệp của tác phẩm này là gì, thưa chị?

NS Thu Vân: Sáu màu mà tôi sử dụng là màu của 6 loại chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Mọi người hay nghe nói đến đặc tính hủy diệt cảu chất độc da cam nhưng thực ra có tới 6 chất độc thấm xuống mảnh đất Việt Nam. Sắc xám của 6 mầu chồng lấnnhắc ta không lãng quên những hậu quả chiến tranh, nhữngdi chứng nặng nề cho đến ngày nay. Tác phẩm “Có thể thẩm thấu” sử dụng chất lỏng cao su vô hình đổ dưới sàn và in hằn bánh xe thời gian. Dấu vết về mủ cao su làm cho ta nhớ về một thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Đó là sự hiện diện của các đồn điền cao su thời Pháp thuộc những năm đầu thế kỷ 20.

Nghệ sĩ việt kiều Pháp với triển lãm sắp đặt “Xe đạp ơi” ở Việt Nam - ảnh 4Đối diện bức dù Họa Mi là tác phẩm Sắc xám 

PV: Được tham gia vào quang cảnh nghệ thuật tại chính quê hương, như tại đây phối hợp cùng với họa sĩ Trần Mạnh Thắng- một gương mặt nổi bật của hội họa Việt Nam, chị cảm thấy như thế nào?

NS Thu Vân: Tôi về Việt Nam khá thường xuyên và thực ra là lần thứ 2 tham gia triển lãm cơ. Tôi đã xem nhiều triển lãm của các nghệ sĩ đương đại trong nước. Tôi ấn tượng về sự sáng tạo của đồng nghiệp Việt Nam, như ở VCCA là những tác phẩm hội họa đan xen sắp đặt của họa sĩ Thắng và tương tác chạm-rung của nhóm nghệ sĩ trẻ. Điều đó làm tôi tự hào và xúc động. Lần trở về này là minh chứng cho cam kết mang tính nghệ thuật của tôi với những giá trị lịch sử quê hương. Hi vọng rằng, đây sẽ là nơi để giao lưu, chia sẻ giữa những nghệ sĩ. Tôi thấy rằng dường như ở Việt Nam vẫn còn thiếu không gian dành cho loại hình nghệ thuật này.

Nghệ sĩ việt kiều Pháp với triển lãm sắp đặt “Xe đạp ơi” ở Việt Nam - ảnh 5Thu Vân Trần ( bìa trái) cùng với họa sĩ Hà Mạnh Thắng và BTC 

PV: Thời gian tới, chị có kế hoạch hợp tác như thế nào với các nghệ sĩ trong nước?

NS Thu Vân: Sau này, tôi sẽ tiếp tục mời những nghệ sĩ Việt Nam sang Pháp để làm việc cùng tôi. Tôi cũng mong rằng sẽ cùng các đồng nghiệp tạo thêm nhiều không gian nghệ thuật để các nghệ sĩ tự do thể hiện. Nghệ thuật luôn phải ưu tiên cho sự sáng tạo, độc đáo trong tư duy, không phụ thuộc vào quan điểm về chính trị, tôn giáo hay lề lối gì cả. Vì là không xa lạ ở Việt Nam nên việc làm mới loại hình nghệ thuật sắp đặt như thế nào phụ thuộc vào sự thăng hoa trong sáng tác của từngnghệ sĩ. Tôi sẽ về nhiều hơn để tìm hiểu thêm về phong cách đa dạng ở các mảng điêu khắc, sân khấu, hội họa, văn hóa Việt Nam. Ngoài công việc, tôi còn muốn du lịch nhiều hơn nữa về Việt Nam. Tôi quê gốc miền Nam nên  ít biết về miền Bắc.Hi vọng rằng, sau này tôi có dịp được khám phá nhiều hơn vẻ đẹp của quê hương.

PV: Xin cảm ơn chị và chúc chị thành công.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác