Sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức Liên hợp quốc dành cho Miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai

(VOV5) - Mong rằng, công tác cứu trợ cần có chính sách phù hợp hơn, để cộng đồng tham gia được nhiều hơn, hợp lý và hiệu quả hơn.

Trước những thiệt hại nghiêm trọng do bão lũ gây ra với các tỉnh Miền Trung, phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ.  Bên cạnh  sự sẻ chia của người dân Việt Nam với nhau, còn có hỗ trợ vô cùng quý báu của các tổ chức Liên hợp quốc, các đối tác quốc tế vì sự phát triển dành cho Việt Nam, nhằm giúp người dân Miền Trung sớm khắc phục hậu quả, đồng thời nâng cao được năng lực ứng phó thiên tai. Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng vụ Công nghệ - Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trả lời phỏng vấn VOV5 về nội dung này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 PV: Xin cảm ơn bà trả lời phỏng vấn của PV Đài TNVN. Trước tiên, bà có thể đánh giá về những tác động gần đây của thiên tai đối với các tỉnh Miền Trung?

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga: Theo thống kê chưa đầy đủ đến nay, số người chết và mất tích là 346 người - con số thiệt hại tương đối lớn. Mặc dù, trong trận lụt bão vừa qua, không có người chết do ngập lụt mà do những nguyên nhân khác như sạt lở đất, lũ quét..Thứ hai là thiệt hại về nhà, riêng bị sập có hơn 3 nghìn ngôi nhà và hư hỏng nặng hơn 200 nghìn ngôi nhà. Thiệt hại kinh tế ước tính đến khoảng 33 nghìn tỷ đồng. Con số này sẽ còn cao hơn nữa vì chúng tôi chưa thể thống kê được sau cơn bão số 12 và 13 vừa rồi. Thiệt hại về gia súc gia cầm, diện tích hoa màu, các công trình hạ tầng công cộng cũng rất nặng nề.

Sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức Liên hợp quốc dành cho Miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai - ảnh 1             Bà Đoàn Thị Tuyết Nga- Ảnh Hà Linh

Về yếu tố con người, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của chính quyền và người dân các địa phương trong chủ động phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai. Như tôi vừa nói, thiệt hại về người chủ yếu là do lũ quét và sạt lở đất. Đây là nguyên nhân rất khó cảnh báo, còn những vấn đề khác, các địa phương làm tốt công tác phòng tránh tốt hơn nhiều. Ví dụ, Quảng Bình bị ngập lụt rất nặng nhưng không có thiệt hại về người do nguyên nhân này. Đặc biệt, phương châm “ 4 tại chỗ” của Việt Nam được làm khá tốt. Đó là nhân lực tại chỗ, vật lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Nhiều quốc gia cũng đang học tập Việt Nam cách xử lý với thiên tai, khủng hoảng này.

PV: Vâng, còn về công tác cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, cũng như sự chung tay trợ giúp của cả nước đối với người dân các vùng bị ảnh hưởng, thưa bà?

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga: Tôi nhận thấy rằng, về cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng bão lũ đặc biệt là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, chúng ta làm khá tốt.  Ngoài ra, nhờ phương tiện truyền thông mà người dân ở các vùng miền đã quan tâm rất tốt đến người dân vùng lũ thể hiện qua tinh thần tương thần tương ái của người dân Việt với nhau. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng cần phải có giải pháp để những nguồn lực này được điều phối một cách tốt hơn.

Trước mắt, chúng ta nên có một cơ chế hỗ trợ, kết nối giữa chính quyền với cá nhân trong công tác cứu trợ. Thực tế, nguồn lực cứu trợ tự phát khá lớn nhưng sự phân phối chưa được hài hòa dẫn đến sự lãng phí, không đồng đều ở một số nơi. Mong rằng, công tác cứu trợ cần có chính sách phù hợp hơn, để cộng đồng tham gia được nhiều hơn, hợp lý và hiệu quả hơn.

Sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức Liên hợp quốc dành cho Miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai - ảnh 2 Cuộc họp giữa Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc về hỗ trợ miền Trung đẩy nhanh quá trình phục hồi sau thiên tai. - Ảnh Hà Linh

PV: Thưa bà, ngoài sự sẻ chia, tinh thần "tương thân tương ái" của người dân cả nước dành cho Miền Trung không thể thiếu trợ giúp thiết thực của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các tổ chức phát triển LHQ dành cho Việt Nam. Bà có thể thông tin thêm về nội dung này?

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga: Riêng đối với các tổ chức quốc tế, năm nay, theo nhìn nhận của chúng tôi, được cải thiện hơn rất nhiều. Tất cả các nguồn lực không bị chồng chéo, các tổ chức quốc tế được thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chi tiết nhất từ các đối tác giảm nhẹ thiên tai. Họ là 18 tổ chức quốc tế, bên cạnh Bộ tài nguyên, Bộ công thương, Bộ Quốc phòng. Hoàn toàn không có tình trạng chồng lấn, lãng phí nguồn lực trong cứu trợ khẩn cấp. Tôi nghĩ rằng, sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức quốc tế kịp thời và hiệu quả.

Ngay khi thiên tai xảy ra, Tổng cục phòng chống thiên tai - Bộ NN & PTNT đã đưa các đoàn công tác thị sát tình hình. Khi về các tổ chức quốc tế có ngay những báo cáo dựa trên sự quan sát khách quan nhất, không hoàn toàn dựa trên số liệu mà cơ quan chức năng Việt Nam cung cấp. Họ xuống tận địa bàn, quan sát tiếp cận trực tiếp với chính quyền và người dân. Đến nay, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam đã huy động được một nguồn lực tương đối lớn - 20 triệu đô la - chỉ riêng cho công tác cứu trợ khẩn cấp cho vùng bão lũ miền Trung.

PV: Thời gian tới, các địa phương có thể sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều hình thái thời tiết thiên tai cực đoan nữa. Vậy theo bà, cần phải ưu tiên triển khai những giải pháp gì nhằm hướng đến xây dựng những cộng đồng an toàn hơn  trước những diễn biến khó lường của thiên tai?

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga: Về ngắn hạn, người dân miền Trung cần đẩy nhanh phục hồi sinh kế, phục hồi sản xuất và sửa chữa, xây dựng mới nhà cửa, kể cả ở những khu di dân. Chúng tôi rất muốn tiếp tục có sự hợp lực giữa các tổ chức quốc tế với chính phủ Việt Nam để giúp người dân nhanh chóng ổn định, khôi phục cuộc sống.

Về lâu dài, cần phải nâng cao năng lực ứng phó thiên tai của chính quyền cơ sở và người dân. Cùng với đó, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc hơn trong đưa vấn đề liên quan đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào quá trình phát triển hay quy hoạch. Một nhiệm vụ nữa là củng cố lực lượng phòng chống thiên tai từ TW đến địa phương. Cần phải đầu tư nhiều hơn cho công trình phòng chống thiên tai như nhà chống lũ cộng đồng, nơi tránh trú tàu thuyền và công trình hồ-đập phải được thiết kế cắt lũ chứ không chỉ để sản xuất điện. Chúng ta phải có nhiều giải pháp hơn nữa trong trồng Rừng như rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn…cùng với đó trang bị, thường xuyên cập nhật kiến thức về năng lực đối phó rủi ro, thảm họa cho chính quyền cấp cơ sở và người dân các địa phương.

PV: Vâng, Xin trân trọng cảm ơn 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác