Việt Nam đã trở thành một điển hình về thành tựu của UNESCO

(VOV5) -Giờ đây, đó không chỉ là câu chuyện đưa các bài học kinh nghiệm đến với Việt Nam mà còn là câu chuyện giới thiệu bài học thành công, kinh nghiệm của Việt Nam với các nước khác.

Trong 44 năm đồng hành (từ 1976), Việt Nam và UNESCO đã có nhiều chương trình hợp tác, được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, qua đó vừa đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam cũng như thực hiện sứ mệnh của UNESCO trên thực tế. Năm 2020 - khởi đầu một thập kỷ mới, Việt Nam và UNESCO sẽ tiếp tục triển khai những hợp tác mới như nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia, bảo tồn - phát huy giá trị di sản... vì sự phát triển bền vững. Về nội dung này,  Ông Micheal Croft, trưởng cơ quan đại diện của UNESCO tại Việt Nam trả lời phỏng vấn VOV5 về vấn đề này.

  Việt Nam đã trở thành một điển hình về thành tựu của UNESCO - ảnh 1 Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Micheal Croft. - Ảnh Hà Linh

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV: Xin ông hãy cho biết những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong vai trò là một quốc gia thành viên của UNESCO trong những năm qua?

Ông Micheal Croft: Chúng tôi ghi nhận nhiều thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, ví dụ như việc ghi danh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản thế giới hay di sản tự nhiên, các công viên địa chất và các khu dự trữ sinh quyển và nhiều sáng kiến trong công tác về giáo dục tại Việt Nam.

Từ khi bắt đầu hợp tác và thành lập văn phòng tại Việt Nam, sứ mệnh của UNESCO tại Việt Nam chính là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển, xây dựng hình ảnh của một đất nước Việt Nam mới, đậm đà bản sắc văn hóa, năng động và không ngừng vươn lên. Hơn cả những sự hỗ trợ ấy, chúng tôi muốn trở thành một đối tác của Việt Nam để hỗ trợ quốc gia hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới.

Thật đáng mừng là trong những giai đoạn chuyển đổi này, Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên vô cùng tích cực trên mọi phương diện của UNESCO. Các chương trình hành động của Việt Nam với vai trò là một quốc gia thành viên đều hướng tới việc thúc đẩy các giá trị của UNESCO. Việt Nam đã trở thành Champion – tức là quán quân, là một điển hình về thành tựu của UNESCO.

PV: Vâng, cụ thể năm 2019 vừa qua theo ông, lĩnh vực nào Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng nhất?

Ông Micheal Croft: Đó thật sự là một năm đáng ghi nhận của Việt Nam. Về giáo dục, Việt Nam đã tổ chức thành công rực rỡ Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và Công dân toàn cầu UNESCO. Sự kiện được tổ chức 2 năm một lần. Năm ngoái 2019,  diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và nhận được sự ủng hộ to lớn của Chính phủ, các cơ quan hữu quan và đặc biệt là ngành giáo dục của Việt Nam.

Về văn hóa, có thể thấy năm qua có một chuỗi các hoạt động vinh danh, kỷ niệm 20 năm Hà Nội – Thành phố vì hòa bình được UNESCO ghi danh, hay 20 năm khu đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận. Ngay tại lễ kỷ niệm 20 năm Hội An và Mỹ Sơn, chúng ta cũng đã được nghe những lời chỉ đạo hết sức mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng tất cả chúng ta cần phải chung tay để gìn giữ bản sắc của dân tộc cũng như chủ quyền của đất nước. Mới đây nhất, chúng ta kỷ niệm việc UNESCO ghi danh Thành phố Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO. Hy vọng rằng đây sẽ là một khởi đầu cho một thập kỷ mới và UNESCO mong đợi Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển này trong năm 2020 này.

PV: Có thể thấy là những năm gần đây, UNESCO luôn dành những ưu tiên và đồng hành cùng Việt Nam trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Theo quan điểm của ông, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong nhịp độ phát triển hiện nay?

  Việt Nam đã trở thành một điển hình về thành tựu của UNESCO - ảnh 2Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ ( trái) và Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) tại Việt nam Michael Croft. Thúc đẩy hợp tác với Đài TNVN cũng là nằm trong chiến lược hoạt động của UNESCO VN trong năm nay. - Ảnh: AH

Ông Micheal Croft: Đây là một câu hỏi rất hay. Chúng ta biết là di sản của quốc gia, di sản văn hóa có một vai trò rất quan trọng, các di sản này đều được lãnh đạo các cấp cam kết ủng hộ mạnh mẽ. Ngay từ những ngày đầu tiên sau Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì một trong những nghị quyết đầu tiên về bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa của đất nước. Rõ ràng là ngay từ lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cái nhìn rất thời đại về vai trò của văn hóa đối với quốc gia, đặc biệt là trong những công cuộc chiến đấu dành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa, coi văn hóa là trọng tâm trong cuộc cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước…

Thực vậy, đối với bất kỳ quốc gia nào, ý nghĩa của văn hóa còn vượt trên những địa điểm văn hóa, nhất là ý nghĩa của các di sản văn hóa phi vật thể ( di sản sống). Khi đến thăm nơi đó, chúng ta thấy có sự kết nối con người với lịch sử và giữa con người trong các cộng đồng với nhau. 

Hiện nay, chúng ta nghe nhiều câu chuyện bàn về phát triển- bảo tồn và những phương thức mà Bảo tồn có thể hỗ trợ sự nghiệp phát triển bền vững. UNESCO cho rằng di sản văn hóa không phải luôn có tính tĩnh hay cố định, hay chỉ luôn nói về quá khứ mà sự tham gia vào thực hành giá trị văn hóa còn có vai trò quan trọng cho hoạt động phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt cho ngành du lịch văn hóa. UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các khía cạnh này, nhằm nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững.

  Việt Nam đã trở thành một điển hình về thành tựu của UNESCO - ảnh 3Ông Micheal Croff tại Hội nghị về công tác bảo tồn di sản văn hoá và thiên nhiên vì phát triển bền vững"  ở Ninh Bình 12/2019

PV: Vâng Thưa ông, UNESCO có chiến lược hợp tác gì với Việt Nam trong năm 2020 - năm khởi đầu của một thập kỷ hợp tác mới và đó là năm đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đảm đương nhiều trọng trách quốc tế quan trọng.

Ông Micheal Croft: Lấy nền tảng là những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là 2019, UNESCO mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều hơn nữa. Với tiềm lực huy động sự ủng hộ và hỗ trợ của mình, UNESCO mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển thông qua việc trở thành cầu nối giữa Chính phủ Việt Nam với các đối tác là các tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên với những bài học kinh nghiệm khác nhau và các đối tác thuộc khu vực tư nhân. Việt Nam có định hướng và chiến lược đúng đắn, có nhiều tiềm năng và tiềm lực để phát triển và điều mà Việt Nam cần ở UNESCO chính là việc hỗ trợ kỹ thuật kỹ thuật, là kinh nghiệm của các nước đi trước.

Trong bối cảnh Việt Nam chủ trì ASEAN và đóng góp với vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an, UNESCO cam kết sẽ hợp tác với Ủy ban Quốc gia về UNESCO thuộc Vụ Văn hóa Đối ngoại của Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan khác để hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt vai trò của mình và đóng góp tích cực tại các diễn đàn này. Giờ đây, đó không chỉ là câu chuyện đưa các bài học kinh nghiệm đến với Việt Nam mà còn là câu chuyện giới thiệu bài học thành công, bài học kinh nghiệm của Việt Nam với các nước khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác