Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá tín hiệu khả quan của kinh tế Việt Nam

(VOV5) - Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021. 

Hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ yếu tố tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020.

Dự báo của Ngân hàng Standard Chartered cũng gần trùng khớp với các dự báo mà các tổ chức tài chính lớn khác đưa ra trước đó. Mới đây Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam chỉ ở mức 2,8% nhưng sẽ tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm 2021.

Trước đó Ngân hàng HSBC cũng công bố báo cáo "Asia Economics: It’s about stamina" (tạm dịch: "Kinh tế của các nước châu Á: Tất cả là khả năng chịu đựng của mỗi quốc gia") trong đó khối nghiên cứu kinh tế của HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt mức 2,6%. Còn năm 2021, HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Do vậy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1%.

Trong khi đó, theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), mặc dù dự kiến có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2020, song nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021 và giữ vững vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.

Nhờ những thành tích trong lĩnh vực kinh tế và phát triển nguồn lực, mới đây Việt Nam đã vươn lên thứ 12 trong xếp hạng Chỉ số quyền lực tại châu Á năm 2020. Trước đó, các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới cũng liên tục điều chỉnh dự báo tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả đang đặt Việt Nam ở một vị thế tốt hơn để phục hồi kinh tế.

Có cùng nhận định về mức tăng trưởng trong năm nay, báo cáo mới đây của Fitch Solutions còn đánh giá năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể bật tăng đến 8,2%.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác