Đổi mới – giấc mơ đã thành hiện thực

(VOV5) - Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo đói vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh, trở thành môt quốc gia năng động, phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là về kinh tế và văn hóa xã hội trong thời gian không quá 30 năm. Câu chuyện thần kỳ này được bắt đầu từ 1986 với tên gọi “Đổi mới”. Để mang đến cho người xem sự gợi nhớ và cảm nhận về không khí đổi mới cùng những giá trị của công cuộc đổi mới, Bảo tàng lịch sử quốc gia trưng bày chuyên để “Đổi mới- hành trình của những ước mơ”.  


Đổi mới – giấc mơ đã thành hiện thực - ảnh 1
Những tài liệu, hiện vật, tiếng nói, câu chuyện, của những chính trị gia, nhà nghiên cứu và người dân, những người có tinh thần đổi mới đã được tái hiện.



Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Trong không gian triển lãm trưng bày trong  không gian rộng 200 m2, những tài liệu, hiện vật, tiếng nói, câu chuyện, của những chính trị gia, nhà nghiên cứu và người dân, những người có tinh thần đổi mới đã được tái hiện nhằm góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, đổi mới trong mỗi người dân Việt vì tương lai tốt đẹp hơn. Triển lãm “Đổi mới-hành trình của những giấc mơ” đang được trưng bày tại bảo tàng lịch sử Quốc gia không chỉ mang đến cho công chúng những giá trị của công cuộc 30 năm đổi mới của đất nước mà còn cho thấy sự đổi mới ngay trong cách làm và suy nghĩ của cán bộ nhân viên của Bảo tàng. Bà Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng giáo dục và công chúng của Bào tàng lịch sử quốc gia, ý tưởng để trưng bày triển lãm có từ 2015. Sau đó được sự tư vấn của Giáo sư Graeme Were, Giảng viên trường đại học Queensland, Australia với phương pháp tiếp cận nhân học. Thông qua trưng bày này để nói lên tiếng nói của các chính trị gia, các nhà nghiên cứu và những người dân thông qua những tư liệu, hiện vật, những ký ức của họ thì thể hiện, giúp cho công chúng hiểu hơn về một phần nào đó 30 năm đổi mới của đất nước: "Trưng bày không thể thể hiện đầy đủ thành tựu của 30 năm đổi mới đất nước bởi đó là vấn đề lớn mà trong phòng rộng 200m2 thì không thể thực hiện được ý đồ đó. Trưng bày này các cán bộ thực hiện cũng đã xác định được đối tượng công chúng là những ai. Tất cả tầng lớp nhân dân có thể đến nhưng công chúng mục tiêu mà trưng bày hướng đến là những người trên 40, đã trải qua thời kỳ bao cấp, đã được chứng kiến giai đoạn đất nước chuyển mình từ bao cấp sang đổi mới. Trưng bày cũng hướng tới các bạn trẻ, là những bạn được sinh ra trong thời kỳ đổi mới".

“Đổi mới để tiến lên” là một trong hai nội dung chính của triển lãm. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, vị lãnh đạo cao nhất đất nước đã đưa ra câu nói: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Triển lãm đưa hình ảnh Tổng thí thư Nguyễn Văn Linh đi thăm cánh đồng lúa cùng bà con nông dân, cho thấy không khí đổi mới lúc đó khẩn trương và tích cực như thế nào. Dường như, nhân dân và lãnh đạo đang cùng bắt tay thực hiện công cuộc đổi mới không ngừng nghỉ và không có khoảng cách. Bảo tàng đưa ra những từ khóa “Đổi mới, hội nhập, tăng trưởng và sức mạnh” để người xem hình dung dễ hơn về “ Đổi mới” Đổi mới đã tạo ra cơ hội phát triển cho Việt Nam. Trong hội nhập, đổi mới làm cho xã hội con người Việt Nam trở nên năng động hơn, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển, tăng trưởng cho đất nước. Bà Mai Thủy cho biết: "Đổi mới không chỉ làm thay đổi diện mạo của đất nước mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam từ dịch vụ y tế, giáo dục, đời sống, văn hóa tinh thần. Đó là sức mạnh để Việt Nam tiếp tục tiến bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".

Những hiện vật trong triển lãm, một được bảo tàng sưu tầm và lưu giữ từ nhiều năm nay, phần lớn là những hiện vật, của những người khi biết bảo tàng  tổ chức trưng bày đã mang đến hiến tặng. Vì vậy, giá trị mang của triển lãm mang lại khiến người xem thấy rất là gần gũi. Bản thân họ thấy được, nghe được tiếng nói đa chiều của các tầng lớp nhân dân. Chị Nguyễn Thị Định, cán bộ bảo tàng bày tỏ: "Khi tham gia cùng nhóm nội dung thì tôi cũng đã hiểu thêm nhiều vấn đề. Khi đi phỏng vấn các chính trị gia, người dân thì dược các bác chia sẻ và cảm nhận cá nhân về thời kỳ đó khiến mình hiểu thêm nhiều về thời kỳ đổi mới đó rất nhiều. Mình luôn luôn nhớ lại công lao của những người tìm đường mở lối đi lên của đất nước. Nhờ những con người dám nghĩ dám làm có những bước đột phá, để bây giờ chúng ta có cuộc sống như này, công lao rất lớn là nhờ những con người đó".

Đặc biệt trưng bày dành riêng một không gian cho công chúng có thể bày tỏ, chia sẻ những ký ức về thời kỳ Đổi mới với câu hỏi “Đổi mới đã làm thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào”. Đây chính là kết nối giữa bảo tàng và công chúng, là dịp để những người làm bảo tàng được lắng nghe tiếng nói của công chúng. Triển lãm “Đổi mới-hành trình của những giấc mơ” mong muốn mong muốn giúp công chúng hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Đây chỉ là trưng bày mở đầu "Đổi mới - Hành trình của những ước mơ". Triển lãm được kéo dài đến hết năm 2016 nhằm tiếp tục kêu gọi người dân đóng góp hiện vật, tài liệu, tư liệu để tiến tới tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cơ sở tại công viên Hoà Bình với quy mô lớn hơn, nhiều hiện vật hơn và nhiều câu chuyện ý nghĩa hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác