Thủ đô Hà Nội từng bước ổn định để phát triển kinh tế

(VOV5) - Hà Nội đã tận dụng “thời gian vàng” để thực hiện xét nghiệm thần tốc diện rộng, tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Khi đợt dịch COVID-19 thứ tư xảy ra cuối tháng 4, Thủ đô Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố chịu nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, với cách làm quyết liệt, tận dụng “thời gian vàng” để xét nghiệm, tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Hà Nội đã sớm cơ bản khống chế được dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Với quy mô dân số 10 triệu người, mật độ dân cư cao, nhưng trong hơn 150 ngày của đợt dịch thứ tư, Hà Nội chỉ ghi nhận gần 4.300 ca dương tính với SARS-CoV-2, chiếm khoảng 0,4% tổng số ca F0 của cả nước trong đợt dịch này cho thấy Thủ đô thành công trong công tác phòng chống dịch. Cùng với việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24/7, khoanh vùng, phong toả các khu vực ghi nhận ca nhiễm, Hà Nội đã tận dụng “thời gian vàng” để thực hiện xét nghiệm thần tốc diện rộng, tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Thủ đô Hà Nội từng bước ổn định để phát triển kinh tế - ảnh 1Hà Nội xét nghiệm nhanh covid 19 và tiêm chủng vaccine trên diện rộng để sớm khôi phục kinh tế - Ảnh: qdnd.vn

Ông Trần Xuân Huy, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, chia sẻ: "Tôi cho rằng Hà Nội đã kịp thời trong ứng phó với dịch bệnh. Nhiều ổ dịch phức tạp như tại Thanh Xuân Trung, Giáp Bát đã nhanh chóng được khống chế. Nếu không có sự vào nhanh thì không biết thành phố sẽ như thế nào?. Việc sớm khống chế được dịch giúp thành phố nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội… Người dân rất vui mừng".

Trong công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nếu như trước đó, Hà Nội phải mất nhiều tháng để đạt con số 2,2 triệu người dân được tiêm vaccine, thì trong đợt cao điểm (từ ngày 7/9 đến 16/9), Hà Nội đã tiêm được 3 triệu mũi. Đến nay, thành phố đã hoàn tất việc tiêm mũi 1 cho gần 6 triệu người dân trên địa bàn và đang tiếp tục đẩy nhanh tiêm mũi 2. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết: "Đây là một chiến dịch mà chúng tôi đã thực hiện ngày đêm. Có những dây chuyền tiêm chủng đến 2 giờ sáng vẫn thực hiện tiêm chủng cho người dân. Tất cả các địa điểm tiêm chủng đều được kích hoạt tại các quận huyện, xã phường".

Ưu tiên số một là đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người dân, nhưng trong những tháng qua, Hà Nội vẫn thực hiện hiệu quả việc duy trì, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh. Đặc biệt, từ ngày 16/9 đến nay, khi thành phố từng bước nới lỏng một số hoạt động; chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang được tăng tốc trở lại. Thực tế cho thấy trong bối cảnh của dịch bệnh phức tạp, một số ngành kinh tế của Thủ đô vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như: tài chính, ngân hàng tăng 8,68%; khoa học công nghệ tăng 5,54% so với cùng kỳ năm ngoái; chăn nuôi tăng trưởng khá; đời sống của người dân được đảm bảo.

Thủ đô Hà Nội từng bước ổn định để phát triển kinh tế - ảnh 2Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết: "Thành phố cũng như các quận huyện đã nỗ lực rất lớn, không chỉ phòng chống dịch mà cả các giải pháp kinh tế xã hội. Về giải ngân hay thu hút đầu tư-khó như thế nhưng vẫn có những kết quả đáng khích lệ. Cho thấy niềm tin, chúng ta có thể phấn đấu cao nhất những tháng cuối năm".

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thành phố Hà Nội đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 để làm nguồn vốn vay cho người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch bệnh. Giữ vững thành quả chống dịch, những tháng cuối năm, Hà Nội tập trung triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch năm 2021; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác