Xây dựng kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả

(VOV5) - Khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. 

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022. Với quy mô thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, RCEP sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, góp phần thúc đẩy thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo kế hoạch, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ban hành Chương trình hành động về việc triển khai Hiệp định RCEP nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Xây dựng kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả - ảnh 1Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2022 - Nguồn: sukien.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 nước Thành viên ASEAN ký kết với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình - sau 20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam, và các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: RCEP sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới - xét về quy mô dân số (với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.  

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: "Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nặng nề không chỉ kinh tế của ASEAN mà còn kinh tế toàn cầu thì tất cả các nước ASEAN cũng như là 5 nước đối tác đều rất mong muốn Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực vào đầu năm 2022 để thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, và từ đó góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực".
Xây dựng kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Ảnh: baodautu.vn

Theo kế hoạch, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ban hành Chương trình hành động về việc triển khai Hiệp định RCEP nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: Mặc dù chưa phải là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) … nhưng các bộ, ngành đã bắt tay xây dựng những ý tưởng ban đầu về Kế hoạch thực thi Hiệp định RCEP từ rất sớm. Hiện nay, Bộ Công Thương đã tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng – Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết: "Chương trình hành động này thì khâu đầu tiên sẽ là cung cấp đầy đủ thông tin cho những đối tượng chịu tác động từ Hiệp định, chúng ta phải biết, phải nắm được những quy tắc của luật chơi chung đó. Cái thứ hai là chúng ta có những điều chỉnh về mặt pháp luật, về mặt hệ thống chính sách của chúng ta làm sao cho thuận lợi nhất cho doanh nghiệp của chúng ta để có thể đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh trong bối cảnh mới này. Cái thứ ba, đó là có những biện pháp để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và có những biện pháp để có thể giúp chúng ta thu nhận thông tin từ quá trình kinh doanh để từ đó có thể tham gia hiệu quả vào những cơ chế hợp tác trong Hiệp định RCEP".

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong các thị trường khu vực RCEP. Một điểm khác biệt của Hiệp định này là thay vì 5 hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác trước đây ta phải áp dụng, tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ để hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường đó được hưởng ưu đãi thuế thì hiệp định này tạo nên một bộ quy tắc xuất xứ hài hòa. Cùng đó, rất nhiều cơ hội được chỉ ra sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, mà thủy sản là một trong những ngành được đánh giá là có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP. Việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Ông Lương Hoàng Thái cho biết thêm: "Trong Hiệp định này thì có những Ủy ban chính thức, và trong Ủy ban Chính thức này thì nếu như có những vấn đề mà chúng ta mắc phải - ví dụ như về biện pháp kiểm dịch thực vật có những khó khăn thì chúng ta có cơ chế trong Hiệp định này để nêu vấn đề và đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta. Nhưng mà để làm chuyện đó thì cần phải có được thông tin rất nhanh từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như từ bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là cần phải có những lập luận rõ ràng. Tất cả những nội dung đó đều đã có trong Dự thảo kế hoạch để chúng ta thực thi Hiệp định RCEP, và chúng tôi hy vọng là các bộ, ngành đã đề ra những định hướng đó thì cũng sẽ sớm triển khai để góp sức hỗ trợ cho doanh nghiệp của chúng ta tận dụng thành công Hiệp định này trong thời gian tới".

Hiện Bộ Công Thương đã tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để ban hành chương trình hành động, trong đó sẽ tập trung cung cấp đầy đủ thông tin cho những đối tượng có thể chịu tác động từ Hiệp định, đồng thời, kiến nghị những điều chỉnh về mặt pháp luật về mặt hệ thống chính sách theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, qua đó có thể đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh trong bối cảnh mới. Ngoài ra, qua việc thực thi sẽ đề ra những biện pháp để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và có những biện pháp để có thể thu nhận những thông tin từ quá trình kinh doanh, từ đó có thể tham gia hiệu quả vào những cơ chế hợp tác trong Hiệp định này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác