Xây dựng thương hiệu gạo Việt để nâng cao giá trị xuất khẩu

(VOV5) - Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những nước có sản lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giá trị gạo xuất khẩu vẫn thấp mà lý do chủ yếu là gạo Việt chưa xây dựng được thương hiệu và chất lượng chưa ổn định. Đây cũng là nội dung  cuộc họp mới đây của Bộ Công thương về các giải pháp nhằm tăng cường xuất khẩu gạo năm 2016. 

Xây dựng thương hiệu gạo Việt để nâng cao giá trị xuất khẩu - ảnh 1
Ảnh: dantri.com.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu đạt  gần 6,6 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 4% về số lượng, nhưng lại giảm 4,5% về giá trị xuất khẩu so với năm 2014. Theo dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam  2016 diễn biến  khó lường do tác động của do hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng lan rộng, làm giảm diện tích trồng lúa. Tình hình thiếu nước tưới tiêu cũng góp phần làm tăng thêm dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng gạo và giảm khả năng cạnh tranh gạo xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực như:  Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan v.v…Hơn thế nữa xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập chủ yếu vào một vài thị trường lớn nên ẩn chứa rủi ro. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động mở rộng ra  thị trường mới như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc... Song khó khăn là những thị trường sử dụng  gạo cao cấp, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 27% gạo chất lượng cao và hạt gạo của Việt Nam chưa có thương hiệu. Do vậy, việc nâng cao chất lượng hạt gạo, từ hạt giống, xây dựng  thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại... là những yếu tố rất quan trọng để tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam. 


Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: "Trong các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cũng cần sự định hướng của cơ quan Nhà nước về thị trường, đặc biệt của Hiệp hội lương thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong xúc tiến và phát triển thị trường với các mô hình, hình thức cho phù hợp. Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho Bộ Công thương trong  việc đổi mới hình thức  xúc tiến thương mại cho đặc thù riêng cho nông sản và gạo và  phù hợp ở từng thị trường như thị trường cũng mang tính đặc thù như Trung Quốc khác với  thị trường Châu Âu…".


Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo. Đây cũng là tín hiệu tích cực trong xuất khẩu gạo năm nay.Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải giữ 2 phân khúc thị trường là xuất khẩu sang Trung Quốc và xuất khẩu sang các thị trường cao cấp khác. Để mở rộng đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu… các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam đang chủ động đầu tư từ  khâu giống, chất lượng gạo sạch, làm cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty lương thực miền Nam, cho biết: "Định hướng xây dựng chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng hạt gạo và tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo dự kiến quý 1 năm 2016 có kế hoạch rất cụ thể. Đây là các yếu tố để đưa các doanh nghiệp của Hiệp hội tiến về phía trước để dẫn đắt thị trường gạo của Việt Nam trong thời gian tới".


Mặt khác các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng mong muốn các Tham tán Thương mại ở nước ngoài hỗ trợ về thông tin thị trường, Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong việc nâng cao công nghệ chế biến, nhất là đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gentraco  kiến nghị: "Đề nghị Hiệp hội Lương thực và các tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về  các chính sách về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, về kiểm dịch thực vật, lộ trình TPP đối với hạt gạo, chính sách thuế quan. Hỗ trợ doanh nghiệp về tranh chấp thương mại, các rào cản kỹ thuật".



Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều cho rằng: Để nâng cao giá trị hạt gạo, xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính thì không cách nào khác nông dân, doanh nghiệp và các bộ ngành chức năng đẩy nhanh việc xây tiến trình dựng thương hiệu gạo Việt. Đây cũng là giải pháp căn bản để xuất khẩu gạo của Việt nam phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác