Xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ

(VOV5) - Đông Nam Bộ hiện là vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất. 

Vùng Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Ngày 26/11 tới đây, Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng sẽ diễn ra tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ - ảnh 1Vành đai 3 - đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn thuộc Bình Dương được kỳ vọng tạo sự phát triển cho vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: VOV

Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, hội nghị được tổ chức với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết và nhằm kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ.

Đông Nam Bộ hiện là vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của Vùng và cả nước.

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin về hội nghị tại họp báo ngày 21/11/2022. Ảnh: Phan Tuấn Anh/ TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Về ý tưởng hoặc định hướng để phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính đã được nêu trong các Nghị quyết trước đây, không chỉ có Nghị quyết này. Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, ngoài vai trò thu hút các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư vào Việt Nam, còn có tác dụng điều hòa, điều phối các nguồn lực trong nước để phục vụ tốt nhất cho phát triển. Và việc lựa chọn thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính quốc tế được dựa trên đặc điểm về lợi thế cũng như các yếu tố mang tính vượt trội của thành phố Hồ Chí Minh đối với vùng Đông Nam Bộ và đối với cả nước, để chúng ta xây dựng phát triển một Trung tâm tài chính quốc tế".

Tại Hội nghị, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến có khoảng 12 dự án với tổng mức tài trợ 4,2 tỷ USD được các đối tác ký thoả thuận, chủ yếu trong các lĩnh vực phát triển giao thông, đô thị thông minh và hiện đại, phát triển nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp của vùng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác