Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), nhiều sự kiện văn hoá nổi bật đã và đang diễn ra trên toàn quốc.
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức lễ ra mắt trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Ảnh: Mai Trang/VOV |
Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” giới thiệu những dấu mốc lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam trên chặng đường 80 năm hình thành và phát triển.
Thân nhân các vị tướng tham quan trưng bày. Ảnh: Mai Trang/VOV |
Giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Mai Trang/VOV |
Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”, diễn ra đến hết ngày 28/2/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), giúp công chúng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh và những đóng góp của các vị tướng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trưng bày cũng góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, từ đó giúp thế hệ trẻ hôm nay càng thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Sáng 10/12, tại Cần Thơ, Bảo tàng Quân khu 9 tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Quân với dân một ý chí” và trưng bày, giới thiệu sách về lịch sử truyền thống Quân đội, Quân khu, hồi ký của các tướng lĩnh trong Quân đội.
Lãnh đạo TP. Cần Thơ và Quân khu 9 cắt băng khai mạc Triển lãm chuyên đề “Quân với dân một ý chí”. Ảnh: Hồng Phương/VOV |
Triển lãm có hơn 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật và đầu sách giới thiệu sự ra đời, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hồng Phương/VOV |
Triển lãm ghi lại những khoảnh khắc lịch sử về Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua các chuyên đề: Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu (từ 1944 - 1975); Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ 1976 - nay); Những người con ưu tú của Quân đội Anh hùng.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ ghi cảm xúc sau khi tham quan Triển lãm. Ảnh: Hồng Phương/VOV |
Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc
Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp”. Vượt qua giá trị của một cuốn sách, đây là công trình sử liệu học thuật về vẻ đẹp kiến trúc của Hà Nội qua các thời kỳ.
1.500 cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt - Pháp” do NXB Thế giới in ấn và Phanbook phát hành đã chính thức ra mắt bạn đọc, với định dạng bìa cứng, thiết kế ấn tượng, dày 364 trang, song ngữ Việt – Pháp, kèm theo ấn phẩm là một video ngắn về quá trình thực hiện, nghiên cứu. Ảnh: VOV |
Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời cuốn sách, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA, cho biết: “Kiến trúc là đỉnh cao của sáng tạo thông qua việc tổng hợp nghệ thuật tạo hình và khoa học xây dựng. Kiến trúc của một quốc gia là một phần văn hóa và lịch sử của quốc gia đó. Với mong muốn gìn giữ những di sản kiến trúc vô cùng quý giá do lịch sử đem lại cho Hà Nội, chúng tôi đã quyết tâm làm cuốn sách này với một cách tiếp cận và cách làm hoàn toàn mới so với những cuốn sách về kiến trúc đã có trước đó”.
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Ảnh: VOV |
Giống như một sử ký Hà Nội được viết bằng nghệ thuật kiến trúc, cuốn sách đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ: Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa; Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc; Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.
Các chuyên gia, khách mời hào hứng khám phá cuốn sách tại sự kiện. Ảnh: Ban tổ chức |
Tạo nên một cuốn sách tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội theo dòng lịch sử là cách mà nhóm quản lý và thiết kế trẻ và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA cùng các cộng sự chọn để lan tỏa tình yêu và ý thức giữ gìn di sản văn hóa của thủ đô đến thế hệ trẻ.
Khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận
Ngày 11/12, tại Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức. Ảnh: Đoàn Sĩ/VOV |
Ngày hội diễn ra trong 3 ngày với sự tham gia của gần 200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 7 đoàn nghệ thuật dân gian, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học.
Ngày hội nhằm tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận tới nhân dân trong tỉnh và du khách trong cả nước. (Trong ảnh: Biễu diễn trang phục dân tộc. Ảnh: Báo Bình Thuận) |
Những sắc màu văn hóa Việt Nam và Tình hữu nghị Việt - Lào
Tối 10/12, tại thủ đô Vientiane (Lào) đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào. Sự kiện được tổ chức nhằm triển khai Kế hoạch hợp tác về văn hóa nghệ thuật và du lịch giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Tiết mục nghệ thuật do các nghệ sỹ Việt Nam biểu diễn. Ảnh: PV/VOV-Vientiane |
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào không chỉ là một hoạt động định kỳ thường xuyên mang tính biểu tượng, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Ảnh: PV/VOV-Vientiane |
Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành của hai nước Lào và Việt Nam tham dự buổi lễ. Ảnh: PV/VOV-Vientiane |
Việt Nam gây ấn tượng tại lễ hội văn hóa 2024 tại Sri Lanka
Lễ hội Văn hóa 2024 do Bộ Ngoại giao, lao động ngoài nước và du lịch Sri Lanka tổ chức ngày 7/12, tại thủ đô Colombo. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa phương, cơ quan truyền thông, người dân Sri Lanka và cộng đồng người nước ngoài sinh sống, học tập ở Sri Lanka. Gian hàng Việt Nam tại đây thu hút được nhiều sự chú ý với những nét đặc sắc riêng.
Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Vijitha Herath trao đổi, giao lưu tại gian hàng Việt Nam. Ảnh: Phan Tùng/VOV-New Delhi |
Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka và cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc tại đây đã tích cực giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và món phở Việt Nam; tham gia diễu hành cùng các nước trong trang phục dân tộc truyền thống; trình bày các điệu múa nón và múa sạp đặc sắc… đến bạn bè quốc tế.
Cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng tham gia phục vụ gian hàng lưu niệm và phở tại Lễ hội Văn hóa Sri Lanka 2024. Ảnh: Phan Tùng/VOV-New Delhi |