Rác thải nhựa: Cần được kiểm soát như thế nào?

(VOV5) - Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác nhựa mỗi năm và đứng thứ 4 thế giới về phát sinh chất thải nhựa, chỉ sau Trung Quốc, Philippines và Indonesia (theo Tổ chức Nông nghiệp và lương thực LHQ - FAO)

Nhằm góp phần đưa ra các giải pháp quản lý và tái chế rác thải nhựa, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo có chủ đề: “Ô nhiễm rác thải nhựa: Giải pháp quản lý và nghiên cứu khoa học” ngày 8/8/2019 tại Hà Nội.

80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền

Tại hội thảo, TS. Vũ Thị Quỳnh Chi (Trung tâm Quan trắc – Phân tích môi trường biển, Bộ Tư lệnh Hải quân) cho biết: “Rác thải nhựa là một thành phần chủ yếu, chiếm 50-80% rác thải biển. Trong đó, 94% lượng nhựa đi vào biển, tập kết ở đáy đại đương với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương đương khoảng 25,3 triệu tấn. Riêng ở Việt Nam, hơn 80% chất thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền (1,8 triệu tấn/năm), phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển”.

Rác thải nhựa: Cần được kiểm soát như thế nào? - ảnh 1Toàn cảnh Hội thảo “ Ô nhiễm rác thải nhựa: Giải pháp quản lý và nghiên cứu khoa học” do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức. 

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub) năm 2018, một số thành phố vùng ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam và Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh là những địa phương có rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất. Nguồn rác này có nguồn gốc từ nguồn thải trên đất liền trôi dạt theo sông hoặc hoạt động đổ thải ra biển, do các hoạt động du lịch, do nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản, từ vận tải biển và đánh bắt xa bờ…

Đáng lo ngại nhất là số lượng và khối lượng lớn các mảnh vụn nhựa biển không dễ nhìn thấy được, chúng làm ảnh hưởng tới môi trường biển và tiếp tục tác động lên sức khỏe con người qua chuỗi thức ăn.

Rác thải nhựa: Cần được kiểm soát như thế nào? - ảnh 2TS. Mai Hương ( Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) trình bày tham luận tại Hội thảo. 

Chia sẻ sâu hơn về nhựa siêu vi, TS. Mai Hương – giảng viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ, cho biết đã có nhiều nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trên thế giới về vấn đề này.

Nhựa siêu vi thải ra môi trường từ các nguồn như các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, dệt vải, phân hủy chất thải nhựa do tác động môi trường hoặc va đập làm cho mảnh nhựa lớn vỡ ra nhỏ hơn 5mm, dễ lan rộng và tồn tại trong môi trường.

Tại Việt Nam, TS. Mai Hương và các cộng sự từng thực hiện một thí nghiệm trên sông Sài Gòn (Bình Phước), phát hiện ra nhựa siêu vi tồn tại trong tất cả các mẫu nước.

“Nhựa siêu vi tác động tới con người chủ yếu qua đường ăn uống, tiếp xúc hàng ngày bởi chúng có kích cỡ rất nhỏ, có thể tồn tại trong chai nước, bay trong không khí hoặc trở thành nền tảng cho các vi sinh vật có hại sinh sôi, sau đó tác động tới cơ thể con người. Đối với hệ sinh thái, nhựa siêu vi có thể gây biến dị cho sinh vật hoặc làm mất đa dạng sinh học do các sinh vật nuốt phải nhựa khiến chúng khó tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, thay đổi theo chiều hướng không có lợi cho môi trường” – TS. Mai Hương nói.

Rác thải nhựa: Cần được kiểm soát như thế nào? - ảnh 3Một số bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hùng Lekima được triển lãm tại Hội thảo. 

Cần kiểm soát chất thải nhựa trên biển như thế nào?

Hội thảo cũng đã đưa ra các giải pháp về xử lý và kiểm soát rác thải trên biển. Kinh nghiệm quốc tế trong việc “ứng xử” với rác thải nhựa là: chôn lấp, đốt rác, tái chế rác…

Nhưng cách kiểm soát rác thải nhựa trên biển của Hàn Quốc lại hoàn toàn khác và được các chuyên gia tại hội thảo đánh giá cao về tính thiết thực và hiệu quả. Theo TS. Kim In Hwan - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Hàn Quốc, quốc gia này đã thực hiện Chương trình mua lại rác trên biển, bằng việc trả tiền cho ngư dân khi mang rác thải về. Kết quả là Chương trình đã thu gom được hơn 29.000 tấn từ năm 2004 đến 2008 chỉ với khoảng 19.000 USD. Không những thế, Chương trình còn khuyến khích hoạt động đánh giá có trách nhiệm với môi trường của ngư dân.

Rác thải nhựa: Cần được kiểm soát như thế nào? - ảnh 4Các sản phẩm làm từ vật liệu khác dùng nhiều lần được trưng bày tại Hội thảo. 

Theo TS. Vũ Thì Quỳnh Chi, hiện nay, những tàu mới của Bộ Tư lệnh Hải Quân Việt Nam đã được trang bị máy ép rác mini. Rác được ép và chuyển về đất liền để xử lý.

Còn theo ThS. Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược, Chính sách và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thì đối phó với “ô nhiễm trắng”, cần dùng công nghệ tốt nhất hiện có (BATs). BATs để hạn chế tác hại của ngư cụ thất lạc, như: Bắt buộc gắn đèn trên lưới kéo, sử dụng pin mặt trời, đánh dấu lưới, kỹ thuật làm lưới chìm hoặc trôi nổi ở một độ sâu ít ảnh hưởng đến sinh vật nhất, lưới làm từ vật liệu phân hủy sinh học, sử dụng cáp thép để cố định phao. Mặt khác, BATs để thu gom và loại bỏ rác ở sông và cảng như rào chắn nổi, máy gắp rác…

Rác thải nhựa: Cần được kiểm soát như thế nào? - ảnh 5Lãnh đạo các đơn vị tham gia hội thảo kí cam kết trong Lễ phát động hưởng ứng phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. 

Hội thảo cũng đã đặt ra vấn đề thiết cốt: Cần xây dựng chính sách pháp luật về chất thải nhựa biển, áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa, ứng dụng đa dạng khoa học và công nghệ để giảm thiểu rác thải trên biển.

Nguyễn Thị Vân Nga

Giám đốc Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Phản hồi

Lê việt cường

Tôi có thể xử lý triệt để rác thải nhựa triệt để bằng pp nhiệt phân ,tận thu năng lượng tái tạo có giá trị như dầu fo khí nhiệt phân tổng... Xem thêm

Kha Nguyễn

I m so proud of u
Well done!

Các tin/bài khác