Ai cũng có thể đóng góp vào việc ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em

(VOV5) - "Những người quan tâm đã có một cơ sở pháp lý khá đầy đủ để bảo vệ trẻ và trừng phạt kẻ bạo hành."

Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch covid gây nên những hậu quả nặng nề, thì những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian qua gây phẫn nộ trong dư luận. Bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em như một thực trạng nhức nhối cần sự chung tay đẩy lùi của toàn xã hội. 

Nghe âm thanh tại đây:
 “Trong khi chúng ta đang chuẩn bị để đón xuân mới với những hy vọng mới sau những khó khăn của 2 năm dịch bệnh qua, những tin tức đáng phẫn nộ về bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục xuất hiện, với những hành động của bà mẹ ông bố ngày càng tàn nhẫn và ác độc hơn. Đau lòng đi đôi với công phẫn là những phản ứng tự nhiên ngày nào chúng ta còn mang hình hài con người và con dân của đất nước này.” – TS tâm lý Lê Nguyên Phương chia sẻ.
Ai cũng có thể đóng góp vào việc ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em - ảnh 1Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương

Từng trải qua 15 năm tư vấn học đường cho lứa tuổi từ mầm non đến đại học ở Hoa Kỳ, thực hành và tư vấn chính sách nhiều năm cho ngành tâm lý học đường tại Việt Nam khi làm chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và  sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý Học đường tại Việt Nam 2009, TS Lê Nguyên Phương nhận định, cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được những cơ sở pháp lý khá đầy đủ để thực thi việc bảo vệ trẻ em.

“Tìm hiểu những thông tư hay chính sách về những vấn đề này chúng ta thấy những người quan tâm đã có một cơ sở pháp lý khá đầy đủ để bảo vệ trẻ và trừng phạt kẻ bạo hành.

Nhóm Công tác về Quyền Trẻ em gồm các INGO đã có một tuyên bố chung về việc bạo hành trẻ em.  Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã hoàn thành bộ tài liệu Hỗ trợ Sức khỏe Tâm thần và Tâm lý Xã hội trong Thảm họa và Tình huống Khẩn cấp dành cho chuyên viên lẫn cán bộ địa phương.

Chính quyền cũng đã kịp thời có Nghị định 130/2021 ND-CP về việc xử phạt những người không thông báo, không cung cấp thông tin, che giấu, ngăn cản cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại.

Tôi rất ủng hộ những nỗ lực này của các ban ngành đoàn thể nói trên. Việc kế tiếp họ có thể làm là xây dựng kế hoạch và quy trình, phổ biến đến từng địa phương và cơ sở, đào tạo cán bộ và quần chúng, theo dõi và cải thiện, khen thưởng và trừng phạt, vv..” – TS Lê Nguyên Phương khẳng định.

Với những người bạn cùng chí hướng tổ chức các buổi nói chuyện, các hội thảo nhằm kêu gọi nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền của trẻ em, nuôi dạy trẻ em trong một môi trường giàu tính thiện, tính nhân bản, tiến sĩ Lê Nguyên Phương khẳng định, không ai có thể đứng ngoài cuộc trong trách nhiệm này.

Ông nói: “Từ góc độ thành viên xã hội, tôi tin tưởng những sáng kiến và hành động của xã hội có một giá trị nhất định trong việc thúc đẩy việc xây dựng văn bản pháp luật lẫn thực hiện chúng. Chỉ thử liệt kê một vài định chế hay tập thể liên hệ [stakeholders], chúng ta sẽ thấy ngoài chính quyền, vai trò của các NGO/INGO, cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, báo chí truyền thông, tập thể những người hành nghề tâm lý/giáo dục, cho đến các phụ huynh đều có thể đóng một vai trò và trách nhiệm trong việc này.

Chúng tôi, những chuyên gia tâm lý và giáo dục, các KOL và thân hữu trong nhiều lãnh vực, thật sự mong muốn đóng góp sức mình vào một chiến dịch nâng cao ý thức xã hội về hậu quả khôn lường của bạo hành trẻ em, ngăn chặn những hành vi bạo hành trẻ em từ nhà đến trường, giáo dục các phương pháp dạy con không đòn roi, giám sát việc thực thi các chính sách bảo vệ trẻ em, v.v…

Tôi tin ai cũng có thể đóng góp vào việc chung này, không việc lớn thì việc nhỏ, không phức tạp thì đơn giản. Chúng tôi mong muốn mọi người sẽ đồng hành cùng chúng tôi.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác