Chiếc máy cho tôm ăn thông minh và mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn

(VOV5) - "Ngành tôm có một nghìn cơ hội...mà cơ hội nào cũng lớn"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2017 đã đề nghị đến năm 2025 hoặc trước năm 2025 phải đạt chỉ tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD từ tôm, trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng để góp sức cho mục tiêu đó thành hiện thực, còn cần tới sự tham gia mạnh mẽ của những công ty công nghệ, đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình phát triển ngành.

RYNAN® Holdings JSC, một trong những tập đoàn công nghệ cao hàng đầu Việt Nam đã tham gia vào tiến trình này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Chiếc máy cho tôm ăn thông minh và mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn - ảnh 1
Quang cảnh công ty cổ phần Rynan Technology Việt Nam.

Trong những ngày đầu xuân mới, những chiếc máy cho tôm ăn thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo của công ty cổ phần Rynan Technologies Việt Nam thuộc tập đoàn, tiếp tục được đưa tới các trang trại vùng duyên hải các tỉnh đổng bằng sông Cửu Long.

Anh Nguyễn Văn Khoa ở khóm Long Thạnh, phường 10, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh trao đổi, góp ý kiến với các kỹ sư của công ty về chiếc máy AIF100 mà anh đã sử dụng cho trang trại của mình và muốn có những cải tiến mới để mở rộng quy mô sản xuất.

Ứng dụng Rynan Mekong trong App Store cài đặt trên smart phone, giúp anh điều khiển từ xa, cập nhật tình hình con tôm, quan trắc nước vv… qua màn hình điện thoại khiến việc nuôi tôm của anh thuận lợi và kinh tế hơn trước nhiều: “Tổng quan tương đối tốt, kết cấu của quá trình phun cũng như kết cấu máy, cách phun tương đối ok. Về phần điều khiển của máy có những lựa chọn để điều khiển bằng tay hoặc điều khiển theo lộ trình cũng rất được rồi. Tuy nhiên họng phun thức ăn của máy thì còn bị nghẹt thức ăn hai bên.”

Chiếc máy cho tôm ăn thông minh và mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn - ảnh 2Máy cho tôm ăn thông minh model AIF 100 tại trang trại ở Duyên Hải.

Giải thích về chiếc máy cho tôm ăn thông minh model AIF 100, nhân viên kỹ thuật Lâm Thanh Tuấn cho biết: “Máy sẽ có 3 chế độ hoạt động chế độ thủ công, chế độ tự động và chế độ kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo. Phần chế độ kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ kết hợp với các trạm quan trắc, thiết bị đo chỉ tiêu môi trường, đo chỉ tiêu của tôm, cá để cho ra được lượng thức ăn trong một ngày là bao nhiêu..

Không phải tự nhiên mà chiếc máy cho tôm ăn này được gọi là “thông minh”. Đây là một trong số kết quả nghiên cứu và sản xuất của các kỹ sư tại Rynan Technologies Việt Nam dưới sự dẫn dắt của vị tiến sĩ hóa học vật liệu nổi tiếng Nguyễn Thanh Mỹ, người từ Canada trở về, đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh, như Tập đoàn Mỹ Lan, hay RYNAN® Holdings JSC.

Chiếc máy cho tôm ăn thông minh và mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn - ảnh 3Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu với khách thăm về hệ thống máy móc công nghệ cao do Tập đoàn chế tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, Việt Nam hiện nay là nước đứng thứ 3 trên thế giới về nuôi tôm và xuất khẩu tôm, nhưng còn nhiều bất cập: “Từ đầu năm 2020, bắt đầu để ý tới ngành tôm, tôi mới thấy cơ hội rất lớn. Khi tìm hiểu về ngành tôm Việt Nam, tôi thấy có bốn vấn đề lớn: Thứ nhất là năng suất thấp, ở Việt Nam 1 ha chỉ cho ra 1- 2 tấn tôm/ 1năm,  trong khi Ấn Độ là 6 - 7 tấn.

Tại sao vậy? Nếu hỏi mấy hộ nông dân nuôi tôm thì người ta nói: đâu phải đâu, tôi nuôi cái ao 1.000 m2,  cứ mỗi 3 - 4 tháng cho thu hoạch là 6 - 7- 8 tấn. Tại sao kỳ vậy? Tại sao  thống kê lại vậy? Vì một hộ nông dân có 1 ha nuôi tôm thì thật sự ổng nuôi có 2.000 m2 thôi, còn khoảng 8.000 m2 để xử lý nước. Do đó tỷ lệ đất để nuôi tôm trên đất xử lý nước còn quá thấp. Đó là cơ hội rất lớn cho những công ty khởi nghiệp, những người đem công nghệ xử lý nước vào, để giúp tăng tỷ lệ nuôi trên diện tích mình có.

Kế đến là do vi khuẩn, ký sinh trùng, hộ nông dân nuôi tôm sử dụng rất nhiều thuốc kháng sinh, dẫn tới chuyện siêu vi khuẩn kháng kháng sinh.

Kế nữa là cái khó do chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam hơn 75 % lệ thuộc vào thương lái. Cuối cùng là chi phí sản xuất cao. Vì hầu hết những công ty sản xuất thức ăn cho tôm là của nước ngoài và họ phải nhập khẩu gần như 100 % nguyên liệu đầu vào. Mà trong nuôi tôm, thức ăn cho tôm chiếm 55 - 60 % chi phí sản xuất.

Và đó cũng là lý do mà máy thức ăn cho tôm thông minh của RYNAN Technologies ra đời: “Khi nhìn  kỹ về ngành nuôi tôm thì chi phí cao nhất là thức ăn. Cho ăn nhiều quá tôm chết, cho ăn ít quá thì không lớn, nên phải cho ăn đúng.  Những cái máy cho tôm ăn thông minh, vỏ tụi tôi chế tạo từ thùng rác, dùng cái đó rất bền, cùng ứng dụng điện toán đám mây ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động điều chỉnh lượng thức ăn hằng ngày dựa trên 11 thông số: thứ nhất là mật độ tôm, hai là trọng lượng trung bình của con tôm, ba là chu kỳ lọc hay không lọc, thứ tư là bệnh hay không bệnh, năm là nhiệt độ nước, độ PH, ôxy hòa tan, độ đục, độ mặn rồi hóa chất, chất hữu cơ trong ao. Thứ 11 là nắng, mưa, gió. Dựa vào những dữ liệu đó máy tự động điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.” – Ông Mỹ nói.

Chiếc máy cho tôm ăn thông minh và mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn - ảnh 4Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ trò chuyện với chủ trang trại về app quản lý máy thức ăn tôm.

Kỹ thuật viên Lâm Thanh Tuấn cho biết: “Thời điểm hiện tại máy đã bán cho farm ở huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng. Theo như ý kiến của người sử dụng, hiện tại máy sử dụng hoạt động tốt. Ưu điểm của máy là đặt ở trên bờ,  nên bình thường họ phải vận chuyển thức ăn từ trên bờ ra tới ngoài ao để đổ cung cấp cho máy, còn với cái máy hiện tại thì họ chỉ cần xách thức ăn đổ vô máy. Ưu điểm thứ hai là máy AF100 không gây ra hiện tượng vỡ hạt nên sẽ giảm được lượng thức ăn thừa trong ao”

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, vẫn trên mục tiêu của một tập đoàn sản xuất những sản phẩm thông minh phục vụ ngành nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến phục vụ ngành tôm, RYNAN đang sản xuất các thiết bị có thể giảm giá thành cho người nuôi. Ví dụ như sản xuất máy oxy tinh khiết, để 1 kg tôm vốn tốn 4000 đồng tiền oxy thì dùng máy của RYNAN giảm còn khoảng 1000 đồng.

Chiếc máy cho tôm ăn thông minh và mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn - ảnh 5Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu với quan khách về mô hình Tôm đạo đức từ ao nuôi đến bàn ăn

Ưu tư trước cảnh nông dân lệ thuộc vào thương lái, được mùa mất giá được giá mất mùa, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ nung nấu việc phát triển nghề nuôi tôm bền vững, không chỉ xuất tôm thô mà có những thành phẩm từ con tôm.

Tiếp tục hành trình không mệt mỏi của mình, nhà sáng lập RYNAN Technologies lại bắt đầu một chặng đường mới, khởi nghiệp trong ngành nuôi tôm công nghệ cao: “Ngành tôm có một nghìn cơ hội. Nhiều lắm. Mà cái nào cũng lớn. Tại Việt Nam có 720 ngàn ha nuôi tôm, mà bây giờ diện tích nuôi là 20 % hay nói đúng hơn khoảng  160 ngàn ha, tiềm năng rất lớn.

Nhưng tại sao người ta không làm? Vừa qua tôi mới thành lập một công ty khởi nghiệp mới, chỉ nói chuyện 15 phút thôi, nhưng 7 nhà đầu tư thiên thần họ đóng góp vào 1 triệu USD để thành lập công ty SALICONIA, sản xuất Tôm đạo đức từ ao nuôi tới bàn ăn. Tôi có ý tưởng từ tháng 8/2020, nên làm một bài nói chuyện tại TECHFEST  cho mấy cháu khởi nghiệp thấy việc kêu gọi vốn đầu tư rất đơn giản chứ không phải là khó đâu, miễn là có ý tưởng đúng  biết cách làm đúng”

Trên thế giới, thị trường tôm 45 tỷ USD mỗi năm, mỗi năm tăng 5%, trong đó tôm thẻ chân trắng là 15 tỷ USD, còn trong nước thị trường tôm vào khoảng hơn 1 tỷ USD.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, để thực hiện mục tiêu Thủ tướng đề ra không khó, vì cơ hội còn rất nhiều, nhưng cần nhất là những nỗ lực phát triển khoa học công nghệ, để phát triển ngành nuôi tôm thực sự bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác