Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nỗi nhớ của kiều bào

(VOV5) - Đối với những người đã có cơ hội gặp Bác thì những câu chuyện sẽ mãi mãi là những kỷ niệm đẹp, quý giá vô ngần. 

Nói tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người con đất Việt luôn hướng về với tấm lòng thành kính và tự hào. Đặc biệt, đối với những người đã có cơ hội gặp Bác thì những câu chuyện sẽ mãi mãi là những kỷ niệm đẹp, quý giá vô ngần. Những tâm sự của một người con xa quê khi được nghe kể những câu chuyện về Bác từ chính gia đình mình

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Đây là lần thứ 2, ông Nguyễn Hải Nam, một kiều bào tại Pháp chia sẻ những kỷ niệm về Bác, những câu chuyện mà ông được nghe kể từ người mẹ của mình về người cha của bà, tức cụ Nguyễn Duyên, hay còn gọi là Tư Duyên, đã từng quen Hồ Chí Minh trong những năm tháng thanh niên của Người tại  Pháp. Với ông Hải Nam, những kỷ niệm mà ông chia sẻ cũng là cách để ông nhớ về ông ngoại của mình hay nhớ về mẹ, người vừa qua đời ít lâu tại Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nỗi nhớ của kiều bào - ảnh 1Cụ Nguyễn Duyên, năm 1921 tại Pari( Ảnh: do tác giả cung cấp)

Câu chuyện ông kể cũng không liền mạch mà nhớ được gì qua lời kể của  mẹ mình,  ông cũng chia sẻ luôn. Đó là câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó là người thanh niên Nguyễn Tất Thành hoạt động tại Pháp trong những năm 1917 -1923. Cụ Nguyễn Duyên đã quen và có cơ hội mời đến nhà chia sẻ kinh nghiệm làm ảnh và nghệ thuật chụp ảnh cũng như tâm sự nỗi nhớ quê hương. Sau khi trở về Việt Nam, cụ Tư Duyên cũng muốn liên lạc với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng không thể được do thời điểm rất khó khăn. Ông Nguyễn Hải Nam kể: “ Sau hiệp định Genevơ 1954, ông ngoại tôi bị kẹt ở lại ở Sài Gòn,ông có viết thư cho Bác Hồ hỏi thăm nhưng không nhận được trả lời. Lúc đó là chiến tranh và hai miền Nam Bắc bị chia đôi." 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nỗi nhớ của kiều bào - ảnh 2Cụ Nguyễn Duyên khi quay lại Pari vào năm 1968

Tiếp tục dòng mạch cảm xúc về những gì mà được mẹ kể lại, ông Nguyễn Hải Nam chia sẻ câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và  ông ngoại của mình. Cụ  Tư Duyên đơn thuần là làm nghề ảnh nhưng rất quý người thanh niên Nguyễn Tất Thành có tư tưởng yêu nước và hoài bão lớn lao. Đó chính là điều khiến ông luôn cảm thấy tiếc nuối khi không thể được gặp lại Người sau này: “Không ra được ở Hà Nội, ông rất buồn vì tất cả gia đình ở Hà Nội. Đến thời Ngô Đình Diệm, chiến tranh diễn biến phức tạp, thì do có quan hệ trước ông sang Pháp chữa bệnh, đồng thời tìm cách để về Hà Nội. Ông sang Pháp năm 1968,sau Tết mậu thân. Năm 1969, khi Bác Hồ mất thì ông có đến tưởng niệm tại một văn phòng của kiều bào tại Pháp và ngày 19.5.1969, ông có đến tưởng niệm người bạn Nguyễn Ái Quốc tại một cơ sở kiều bào”.

Là thế hệ lớn lên sau này, được nghe kể những câu chuyện liên quan tới lịch sử dân tộc, ông Nguyễn Hải Nam luôn trân trọng và cố gắng gìn giữ với mong muốn sẽ tìm và khai thác được nhiều tư liệu hơn nữa về thời thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp với những câu chuyện liên quan tới ông ngoại của mình: “Hiện nay tôi được mẹ trao lại bảo vật là một bài báo của nhà báo Hồng Hà mà tôi vẫn giữ ở Pari. Bài báo viết ngày 2.6.1975 có nói về cụ Nguyễn Duyên với thời thanh niên của Bác Hồ. Đấy là một kênh tôi có thể khai thác nếu gặp được cụ Hồng Hà. Tôi muốn gửi một bản sao cho Đài TNVN. Tôi cũng nghĩ sẽ tìm gặp cụ Hồng Hà. Nhà báo Hồng Hà vẫn còn sống ở Hà Nội hy vọng có cơ hội gặp ông và ông sẽ có những tư liệu về thời thanh niên của Bác Hồ có cụ tư Duyên trong đó”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nỗi nhớ của kiều bào - ảnh 3Tờ báo của nhà báo Hồng Hà viết về Bác Hồ và mối quan hệ với cụ Nguyễn Duyên. Ảnh: do tác giả cung cấp

Giữ trong mình những kỷ niệm về gia đình, về ông ngoại, những câu chuyện của người mẹ kể liên quan tới mối quan hệ với tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến ông luôn tự hào. Ông Nguyễn Hải Nam xúc động nói: “Mỗi lần có những cơ hội sự kiện như quốc khánh, sinh nhật Bác tôi cảm xúc có niềm tự hào, gia đình mình có quan hệ thời thanh niên của Bác Hồ. Rất vinh dự vì biết được Bác Hồ trong những năm thanh  niên ở Pháp, sau này đã trở thành  một vị lãnh tụ của đất nước”.

Là người tích cực tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng, ông Nguyễn Hải Nam cũng mong muốn tiếp tục thu thập những tư liệu, kỷ vật từ gia đình, nguồn tư liệu tại Pháp.. Từ đó, sẽ có những cơ hội để được chia sẻ nhiều hơn về những sự kiện này, không chỉ còn là những tư liệu của riêng gia đình mà còn là những tư liệu lịch sử để mọi người có thể hiểu một phần nào về cuộc đời hoạt động của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, sau này trở thành lãnh tụ của dân tộc  Việt Nam. Với ông Nguyễn Hải Nam, đó không chỉ là lịch sử của dân tộc mà còn là nguồn gốc của chính mình.

Phản hồi

Các tin/bài khác