Đáp ứng nguyện vọng của kiều bào hướng về quê hương

(VOV5) - Vì vậy, việc xin nhập quốc tịch là thể hiện cộng đồng ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn.

Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài do thường trực Ủy ban  Đối ngoại của Quốc hội và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài(Bộ Ngoại giao) tổ chức diễn ra mới đây. Các đại biểu đề xuất khá nhiều ý kiến về những nội dung liên quan tới đất đai, nhà ở, quốc tịch…,mong muốn có những điều chỉnh phù hợp hơn nữa trong cơ chế, chính sách.

Nghe âm  thanh bài viết tại đây:
Các đại biểu thông tin về tình hình người Việt ở nước ngoài, những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề thủ tục, chính sách đối với việc xin nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký căn cước công dân và vấn đề đất đai, nhà ở …ở từng quốc gia, khu vực. Đại diện cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan, bà Nguyễn Việt Triều, chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan đã nêu một số ý kiến về mong muốn trở lại quốc tịch Việt Nam đối với những người Việt Nam ở nước ngoài trong từng trường hợp cụ thể. Đó là người Việt ở nước ngoài chưa có quốc tịch, chưa có thường trú tại Việt Nam; người Việt ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch nước ngoài và người Việt ở nước ngoài đã thôi quốc tịch Việt Nam theo yêu cầu của nước sở tại. Tiếp đó là nguyện vọng về cơ chế, chính sách đối với việc cấp căn cước công dân và mã số định danh nhằm hỗ trợ bà con trở về đầu tư kinh doanh, lao động sinh sống tại quê hương. Bà Nguyễn Việt Triều cho rằng: "Việc xin trở lại quốc tịch VN đó thể hiện rất mong muốn, rất yêu và muốn hướng về quê hương đất nước. Con cháu họ sinh ra họ mong muốn có quốc tịch Việt Nam. Ai được sinh ra cũng có cội nguồn, kể cả các cháu sinh ra ở nước ngoài. Cội nguồn đó là gia đình, quê hương, đất nước Việt Nam. Vì vậy, việc xin nhập quốc tịch là thể hiện cộng đồng ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn".
Đáp ứng nguyện vọng của kiều bào hướng về quê hương - ảnh 1Các đại biểu nhận quà lưu niệm của Mặt trận Tổ quốc

Ông Nguyễn Tài Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc việt kiều thành phố Hải Phòng, việt kiều tại Mỹ nêu một số ý kiến về luật đất đai và nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được trở về quê hương. Ông cho biết: "Các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua ngày càng được hoàn thiện với các cơ chế, chính sách cởi mở hơn đã tạo điều kiện rất nhiều cho bà con. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những rào cản cần tiếp tục phải khắc phục:Chính sách rất tốt về mặt vĩ mô, chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng về thực tế còn nhiều vấn đề thi hành trong vấn đề đất đai và nhà ở. Theo báo cáo của Bộ tài nguyên môi trường sẽ có chỉnh sửa về luật đất đai thì chúng tôi hy vọng sẽ có những thay đổi sao cho phù hợp. Quan trọng là thế hệ thứ hai đang có xu hướng quay trở về đất nước".

Theo chị Lê Nguyễn Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, trưởng ban đối ngoại truyền thông thì bà con người Việt tại đây rất quan tâm tới chính sách, pháp luật ở trong nước đối với bà con ở nước ngoài. Trong đó, những gia đình đa văn hóa, mang hai quốc tịch, nảy sinh khá nhiều khó khăn khi xin nhập quốc tịch Việt Nam. Nhiều chị em người Việt do một số quy định sửa đổi trong luật đã bỏ quốc tịch Việt Nam nên không được công nhận song tịch nên chưa thể quay lại xin quốc tịch Việt Nam. Chị Lê Nguyễn Minh Phương kiến nghị: "Về phía Việt Nam, mong rằng các quy định và điều kiện để trở lại quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch Hàn Quốc sẽ được đơn giản hóa. Đồng thời, xây dựng quy định riêng, cụ thể hơn cho việc  nhập quốc tịch VN cho người VN định cư ở nước ngoài. Trong đó, chú ý tới vấn đề huyết thông và điều kiện định cư ở nước ngoài để giảm bớt điều kiện để được nhập tịch Việt Nam. Mong khoản 2 điều 7 của Nghị định 16/2020 được sửa đổi phù hợp hơn với khoản 2 điều 19 của Luật quốc tịch về điều kiện miễn đăng ký thường trú là người là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ của công dân Việt Nam".
Đáp ứng nguyện vọng của kiều bào hướng về quê hương - ảnh 2Quang cảnh buổi tọa đàm

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài  Phạm Quang Hiệu cho biết sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để có thể tiếp nhận được nhiều thông tin và kiến nghị của bà con để có giải pháp phù hợp: "Cám ơn Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đồng hành với UBNN về NVNONN tổ chức các cuộc tọa đàm, đầu tiên là với cộng đồng tại Sec, sau đó là tại các nước Châu âu và chúng tôi có kế hoạch tổ chức tại các khu vực, các địa bàn để lắng nghe nhiều hơn, có thêm thông tin tư liệu, báo cáo lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đó, giải quyết, dần dần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện giải quyết nhu cầu chính đáng của bà con kiều bào".

Những kiến nghị, đề xuất của bà con về các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở, quốc tịch, căn cước công dân… sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu, tổng hợp lại và bàn thảo, từ đó, có thể đưa ra nhiều quyết sách phù hợp, cụ thể mà mục tiêu là đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người Việt ở nước ngoài, khuyến khích bà con hướng về quê hương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác