Gìn giữ văn hóa Việt: mong muốn của mỗi người Việt tại Đức

(VOV5) - Trong từng gia đình người Việt, các ông bố, bà mẹ  đều cố gắng duy trì tiếng nói và các phong tục tập quán để con em mình có thể hiểu về văn hóa dân tộc. 

Người Việt tại Đức nhiều năm qua luôn cố gắng hòa nhập tốt ở nước sở tại, nhưng không quên gìn giữ văn hóa dân tộc, thông qua các hoạt động cộng đồng  và sinh hoạt trong gia đình.

Nghe âm thanh tại đây:

Sang Đức đoàn tụ với gia đình cách đây nhiều năm, vốn là một cô giáo, chị Lan Hương luôn suy nghĩ phải dạy tiếng Việt cho trẻ em sinh ra và lớn lên tại Đức. Ban đầu, chị Hương dạy cho con em hàng xóm. Suy nghĩ phải làm điều gì đó giúp đỡ cộng đồng đã thôi thúc chị tới các nơi vân động bố, mẹ đưa con em tới trường và tìm địa điểm thành lập các lớp học. Chị Lan Hương cho biết:“  Từ ý tưởng đấy thì tôi nghĩ phải giúp đỡ cộng đồng. Đến những nơi trung tâm người Việt, tôi vận động các ông bố bà mẹ và thành lập ra lớp học và từ 1 lớp phát triển ra nhiều lớp và bây giờ thì ở các chợ, trung tâm thương mại đều có lớp học tiếng Việt”.

Gìn giữ văn hóa Việt: mong muốn của mỗi người Việt tại Đức - ảnh 1 Cô giáo Lan Hương, người Việt ở CHLB Đức

Ngoài thời gian học tập ở trường với sự giúp đỡ của những người như cô giáo Hương, trong từng gia đình người Việt, các ông bố, bà mẹ  đều cố gắng duy trì tiếng nói và các phong tục tập quán để con em mình có thể hiểu về văn hóa dân tộc. Tuy vậy, thực tế, ở không ít gia đình Việt tại Đức hiện nay, tồn tại cả hai nền văn hóa, thậm chí nghiêng về  Đức nhiều hơn cũng làm cản trở những nỗ lực gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây là trăn trở của khá nhiều người Việt, trong đó có ông Nguyễn Văn Hùng, một người đã sống ở Đức mấy chục năm:“ Bọn tôi vẫn nói và có lòng tin lớn rồi nước chảy về nguồn, luôn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống của người Việt ở nước ngoài nhưng thực tế, chỉ đem đến kết quả nhất định thôi và chúng ta phải chấp nhận như vậy. Dù biết như thế nhưng vẫn phải cố gắng đóng góp vào công việc chung làm cho cộng đồng nhiều hơn. Cố gắng gìn giữ văn hóa dân tộc qua  các hoạt động có ý nghĩa như quyên góp, từ thiện, lá lành đùm lá rách”

Sinh hoạt cộng đồng đã giúp cho người Việt tại Đức có điều kiện hướng về quê hương. Những phong trào như ủng hộ bão lụt, các hoạt động kỷ niệm nhân các ngày lễ của dân tộc như Tết Nguyên Đán,  ngày phụ nữ Việt nam và Trung Thu…..được tổ chức là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn cũng như giúp cho con em của họ hiểu được văn hóa dân tộc. Bà Trần Thị Phương, tham gia Hội phụ nữ ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân Beclin cho biết:  Bên đấy chúng tôi kết nối tốt,  tổ chức Tết. Chúng tôi hàng ngày luôn luyện tập để nói với con em tiếng Việt Nam. Nếu mà nói về món ăn dân tộc gần như giống Việt Nam”.

Gìn giữ văn hóa Việt: mong muốn của mỗi người Việt tại Đức - ảnh 2Chị Hà Hoàng Lan, người Việt ở Đức 

Những người Việt Nam tại Đức luôn ý thức việc gìn giữ văn hóa dân tộc trong mỗi sinh hoạt cộng đồng và ngay trong từng gia đình. Gia đình chị Hà Hoàng Lan cũng vậy. Vợ chồng chị sang Đức du học và sau đó ở lại làm việc; Các con của anh chị đều sinh ra và lớn lên ở Đức. Thành phố nơi gia đình chị sống rất ít người Việt Nam. Những lúc rảnh rỗi, anh chị thường tổ chức gặp mặt bạn bè người Việt ở những thành phố khác để nói chuyện về đất nước, chia sẻ về cách gìn giữ văn hóa Việt ở nước ngoài. Khi đã có gia đình, có con, chị Lan quan tâm làm sao gìn giữ được văn hóa dân tộc để các con sinh ra ở Đức sẽ biết về quê hương mình, nói được tiếng Việt. Vì vậy, chị thường xuyên cho con về Việt Nam thăm ông bà. Còn trong gia đình,  vợ chồng chị vẫn duy trì sinh hoạt của người Việt. Chị tâm sự:“ Nhà tôi luôn giữ văn hóa Việt, giữ tiếng Việt, ở nhà chỉ nói tiếng Việt với con, duy trì tiếng  Việt. Tôi vẫn cố gắng Tết làm mâm cơm, cúng và nói cho các con hiểu đây là ngày Tết của Việt  Nam. Món ăn Việt Nam luôn hấp dẫn với bạn bè nước ngoài. Con nhà tôi thích nem, phở, bún…Tôi và chồng tôi đưa ra luật lệ là chỉ nói tiếng Việt. Tôi và chồng tôi luôn nói để các con hiểu khi con biết thêm 1 thứ tiếng nào đó là thế mạnh của con và tiếng Việt là thứ tiếng cần thiết để con nói chuyện với ông bà và gia đình ở  Việt Nam”.

Hòa nhập tốt ở nước sở tại giúp cho người Việt tại Đức vững vàng hơn trong cuộc sống, từ đó, có nhiều cơ hội để đóng góp cho quê hương. Hầu  hết người Việt khi được hỏi đều tâm sự:  nước Đức là quê hương thứ hai, nơi giúp cho trưởng thành và lập nghiệp. Nhưng tình yêu với Việt Nam, cội nguồn dân tộc luôn sâu nặng. Những người con Việt tại Đức luôn tâm niệm mình là người Việt và cần phải gìn giữ văn hóa Việt..

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác