Hiệu quả của mô hình hầm khí biogas

(VOV5) - Những người nông dân huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi theo chu trình khép kín. 

Nhờ sự trợ giúp của chính quyền địa phương, người Việt ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế, nhiều nông dân Hà Tĩnh, trong những năm qua, đã xây hầm biogas vừa nhằm mục đích xử lý môi trường trong chăn nuôi vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt thậm chí nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Hiệu quả của mô hình hầm khí biogas - ảnh 1Một gia đình ở thôn Yên Thượng, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ hầm biogas.

 

 

Hiện nay, việc sử dụng hầm biogas đang được người chăn nuôi quan tâm. Bởi xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học được đánh giá là giải pháp hữu ích, bảo vệ được môi trường, tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt và là nguyên liệu để làm phân bón. Chị Lê Thị Hà, thôn Yên Thượng, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, cho biết khi chưa có hầm biogas, chất thải từ chăn nuôi gây ô nhiễm cả không khí và nguồn nước, ảnh hưởng đến các hộ dân quanh khu vực. Còn bây giờ thì khác: “Hồi xưa chỉ nuôi một vài con thôi. Không có biogas dân phản ảnh, họ không cho nuôi đâu. Vì họ sợ nước thải xuống hố bẩn thì họ không cho nuôi. Nhưng bây giờ có biogas rồi, nước không thải xuống hồ nữa, hồ lại sạch. Bây giờ họ cho nuôi thoải mái bởi vì xung quanh đây không còn mùi hôi hám nữa. Mình đứng cạnh tưới rau cũng không thấy mùi”.   

Hiện nay, các hộ chăn nuôi quy mô gia đình chủ yếu sử dụng khí biogas để đun nấu thay thế cho củi, than đá và gas. Điều này vừa giảm chi phí sinh hoạt, lại hạn chế việc khai thác củi từ rừng tự nhiên. Thời ngồi còng lưng canh củi nấu hết nồi cám này đến nồi cám khác cho lợn ăn đã trở thành dĩ vãng. Chị Nguyễn Thị Hiền, ở xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, bật cười khi nghĩ về một thời khi ấy: “Thuận lợi nhiều chứ. Nếu như trước đây, em đun bếp củi em phải ở đó túc trực luôn, nếu mà đi làm việc khác thì bếp lại tắt. Còn có bếp gas từ khí biogas, em thấy thuận lợi hơn nhiều. Em bật bếp, bắc nồi lên, mình đi làm việc khác xong, quay lại nước sôi mình bỏ rau, bỏ cám vào. Nếu không có bếp từ biogas, thì phải mua củi, phải mua lò thổi, dùng điện để thổi gió. Chi phí cao hơn”.

Hiệu quả của mô hình hầm khí biogas - ảnh 2Vườn rau của chị Lê Thị Hoa xanh tốt nhờ sử dụng nước lọc từ bồn biogas.

Đến thăm một nông hộ là phụ nữ đơn thân ở thôn Yên Thượng, xã Nam Điền đúng lúc chị Lê Thị Hoa đang tưới rau ngoài vườn, chị bộc bạch sử dụng nước lọc từ bồn biogas, hoa màu và cây ăn quả như: cây chanh, mít, rau khoai lang trong vườn nhà lên rất xanh tốt. Trong chuồng, đàn lợn trắng hồng, béo tròn, ngoài vườn, rau khoai lang xanh mướt mắt. Niềm vui đong đầy trong mắt chị: “Dùng bể biogas, nước thải ra cuối cùng từ bể lọc, mình lắp máy bơm, rồi đưa ra tưới rau, rau lên rất tốt. Vườn rau này trồng rồi cho lợn ăn".

Những người nông dân nơi đây đã biết cách phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi theo chu trình khép kín. Đó là xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ sử dụng tưới tiêu cho cây trồng, rất thân thiện với môi trường.

Hiệu quả của mô hình hầm khí biogas - ảnh 3Từ năm ngoái đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Quý không mất tiền mua gas mà tận dụng khí đốt từ biogas để đun nấu. 

Với trường hợp anh Nguyễn Văn Quý cũng ở xã Nam Điền, bị khuyết tật chân bẩm sinh, vào tháng 5 năm ngoái, anh được cho vay 15 triệu không lấy lãi để mua một con bò và hỗ trợ một hầm biogas bằng composite phục vụ cho công tác chăn nuôi. Từ năm 2021 đến nay, anh đã xuất được ba lứa lợn béo. Con bò cũng đã đẻ thêm một con bê xinh xắn: “Cuộc sống vất vả. Khi có hầm biogas thì cuộc sống đỡ hơn nhiều, hỗ trợ phần nào cuộc sống của mình. Quan trọng nhất là biogas giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tận dụng khí đốt dùng đề nấu thức ăn cho sinh hoạt gia đình, nấu thức ăn cho lợn mẹ, lợn con. Đỡ khâu mua ga công nghiệp. Tôi rất cảm ơn các tổ chức quan tâm đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế cho gia đình khó khăn. Tôi sẽ tăng đàn, phát triển thêm”.

Các tổ chức mà anh Nguyễn Văn Quý nhắc đến đó là tổ chức Zebunet và Rotary, do ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, kết nối. Đi thăm các hộ nông dân sử dụng hầm biogas và nguồn vi tín dụng được triển khai từ hai năm trước, ông Nguyễn Thanh Tòng lộ rõ niềm vui mừng: “Chúng tôi đưa ra hai chương trình dành cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để giải quyết các vấn đề môi trường. Khi về khảo sát dự án, tôi mới nhìn thấy sự thật kết quả vô cùng hiệu quả. Tiết kiệm rất nhiều cho người dân”.
Hiệu quả của mô hình hầm khí biogas - ảnh 4

Với tổng số tiền khoảng 650 triệu đồng, 18 hộ gia đình ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã được hỗ trợ xây hầm biogas và cho vay vốn không lấy lãi. Hệ thống biogas giúp cải thiện cảnh quan, tạo ra môi trường xanh, sạch cho các hộ chăn nuôi, giảm được ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Việc sử dụng công nghệ biogas cũng cải thiện sức khỏe của người dân, đặc biệt đối với các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp được cải thiện do chất lượng môi trường nước và không khí không bị ô nhiễm. Ông Thái Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh,  nơi tiếp nhận các dự án của Hội người Việt Nam tại Pháp và triển khai tới các hộ gia đình ở Hà Tĩnh, cho biết: “Quá trình triển khai đã đáp ứng yêu cầu đề ra. Các hộ gia đình khó khăn làm được hầm biogas mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Đó là đảm bảo môi trường trong gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Dự án mang tính chất trực tiếp tạo an sinh xã hội và thu nhập cho chính người dân”.

Từ sự hợp tác của Hội Người Việt Nam tại Pháp và các tổ chức quốc tế, những công trình hầm biogas bằng vật liệu nhựa composite đang phát huy hiệu quả, giúp người dân Hà Tĩnh thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, tận dụng chất đốt, nâng cao sức khỏe cộng đồng dân cư, đồng thời khuyến khích chăn nuôi, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác