Hợp tác với doanh nghiệp Việt kiều để khai thác lợi thế EVFTA

(VOV5) - EU là thị trường rộng lớn, không giới hạn, song thách thức đi kèm không nhỏ và cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn. 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu EVFTA đã có hiệu lực từ 1/8/2020. Để có thể tận dụng hết cơ hội từ hiệp định này mang lại, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào, với sự am hiểu về thị trường, kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm ở nước ngoài, đang là nguồn lực và cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội xuất khẩu, kinh doanh.

Hợp tác với doanh nghiệp Việt kiều để khai thác lợi thế EVFTA - ảnh 1

Gạo Việt vào EU đã “hưởng lợi” về giá nhờ hiệu ứng EVFTA - Ảnh: congthuong.vn

Liên minh Châu Âu là thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu dân với tổng sản phẩm nội địa hàng năm lên tới 18 nghìn tỷ USD. EU cũng là đối tác quan trọng thứ 2 của Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ đối với doanh nghiệp lớn mà còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác.

Ông Nguyễn Ngọc Triệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, cho rằng: "Hàng hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định chất lượng trên thị trường bản địa, được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Đây chính là hiệu quả mà FTA mang lại cho chúng ta. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua chúng tôi còn nhận thấy còn nhiều tồn tại, đó là hàng hóa vào Nga chủ yếu nhập ở khâu nguyên liệu thô, việc dán nhãn thương mại xuất xứ chủ yếu do các tập đoàn lớn của Nga làm. Doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng, Mong rằng EVFTA đưa lại cho doanh nghiệp VN bản địa có sức cạnh tranh mạnh, thương hiệu hàng hóa Việt Nam sẽ được vươn xa khắp thế giới".

Khi EVFTA đi vào hoạt động là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Hiện, Việt Nam có khoảng 1 triệu kiều bào ở Châu Âu, trong đó có hàng chục ngàn doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào ở đây. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kiều bào luôn đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cùng các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng kinh doanh tại thị trường Châu Âu nói riêng và thị trường quốc tế nói chung. Các doanh nghiệp Việt kiều ở Châu Âu có lợi thế là doanh nghiệp cầu nối thân thiết, am hiểu thị trường, ngôn ngữ, luật pháp của nước sở tại.

Hợp tác với doanh nghiệp Việt kiều để khai thác lợi thế EVFTA - ảnh 2

Ông Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan - Ảnh: Bộ Công thương

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, ông Hoàng Xuân Bình, chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, nêu ý kiến: "Các doanh nghiệp trong nước cần hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn EU, xây dựng thương hiệu theo sản phẩm, chủ động xúc tiến vào thị trường EU khi các nước khác còn chưa ký FTA với EU. Thứ hai là phải có kế hoạch hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Việt kiều để tìm hiểu thị trường, marketing, quảng bá, phân phối sản phẩm tại EU, xây dựng mô hình logistic, hỗ trợ xuất nhập khẩu hiệu quả".

Nhiều doanh nghiệp kiều bào cũng nhận định các nước EU nói chung có văn hóa kinh doanh khác với châu Á, họ thường quan tâm đến thông tin về tài chính, năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, để thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin, nhu cầu, thị hiếu của thị trường EU, việc kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp của kiều bào hoặc đội ngũ chuyên gia người Việt làm việc tại EU là rất quan trọng. Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, chia sẻ: "Chúng tôi rất mong muốn dựa vào EVFTA sẵn sàng kết hợp với các doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu nhập trực tiếp các mặt hàng có nhu cầu tại EU, ví dụ như da giầy, máy móc, gia dụng, dược liệu…".

Nhờ kết nối chặt chẽ với bà con kiều bào, nhiều mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam hiện diện tại thị trường Châu Âu ngày càng nhiều, được ưa chuộng đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam rất tốt. Sản phẩm áo dài của nhà thiết kế thời trang, hoa hậu Ngọc Hân là một ví dụ. 

Ngọc Hân cho biết: "Nhiều năm qua, tôi có cơ hội được giao lưu văn hóa tại Châu Âu, tôi đã thiết kế và sản xuất nhiều áo dài cho phu nhân các đại sứ, và nhiều cuộc triển lãm áo để giới thiệu vẻ đẹp của áo dài Việt Nam ra thế giới. Tôi cũng đã kết nối, tổ chức với bà con ở nước ngoài để thành lập những hội yêu áo dài".

Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới trong đó EVFTA đang đem lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Đây vừa là thị trường rộng lớn, không giới hạn, song thách thức đi kèm không nhỏ và cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn. Doanh nghiệp Việt Nam với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đang liên kết chặt chẽ, nâng cao sức cạnh tranh, nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội xuất khẩu, kinh doanh từ EVFTA mang lại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác