Là một người công dân có trách nhiệm, phải thực hiện quyền cử tri của mình

(VOV5) - “Bầu cử là sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của đất nước và mỗi địa phương vì nó thể hiện quyền lực của nhân dân trong việc chọn ra người đại diện mình lãnh đạo địa phương và đất nước.” Đó là chia sẻ của chị Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary - Việt Nam, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, trong lần về Việt Nam công tác và lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp kỳ này.

 Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Vẫn giữ hai quốc tịch Việt Nam và Hungary, trở về Việt Nam trong chuyến công tác lần này, trùng với dịp bầu cử, chị Phan Bích Thiện rất vui khi được thực hiện nghĩa vụ công dân ở đất nước mình, khi tham gia bỏ phiếu tại nơi gia đình, cha mẹ cư ngụ ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chị nói “Vì tôi đi du học từ khi chưa đầy 18 tuổi, sau đó ở lại định cư, và cũng không có thời gian về Việt Nam đúng những dịp bầu cử, nên đây là lần đầu tiên tôi được thực hiện quyền cử tri của mình. Tôi rất vui, và dù sao là công dân Việt Nam thì mình cũng muốn được thực hiện quyền của mình. Trong những ứng cử viên mà tôi được lựa chọn, thì tôi có trách nhiệm tìm hiểu một cách kỹ lưỡng nhất để làm sao bầu được những người xứng đáng nhất. Tất nhiên là những người đó không phải đại diện cho chúng tôi bên kia mà đại diện cho khu vực phường, quận mà gia đình, bố mẹ tôi sinh sống, nhưng đấy cũng là một phần cuộc sống của mình, một phần của đất nước mình.”

Là một người công dân có trách nhiệm, phải thực hiện quyền cử tri của mình - ảnh 1
Chị Phan Bích Thiện trong lần trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam


Chị Phan Bích Thiện chia sẻ, có một thực tế là nhiều người Việt ở nước ngoài nói chung và người Việt ở Hungary nói riêng trước đây không thực sự quan tâm và biết nhiều thông tin về tình hình các đợt bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân trong nước. Nhưng những năm gần đây do thông tin cập nhập nhanh chóng, cộng đồng người Việt ở Hungary ngày càng quan tâm hơn tới tình hình của đất nước, và sự quan tâm của cộng đồng tới cuộc bầu cử Quốc hội lần này tăng lên rõ rệt: “Nói chung cũng bàn bạc, tìm hiểu, cập nhật thông tin, từ những cuộc hiệp thương lần 1, lần 2, lần 3 rồi ngày bầu cử, các quyền bầu cử vv… Nhưng cũng phải nhìn vào một thực tế đối với người Việt Nam ở nước ngoài, là việc thực hiện quyền cử tri của công dân Việt Nam hiện nay vẫn chỉ bằng hình thức là ngày bầu cử người đó phải có mặt tại Việt Nam.”

 

Là một ủy viên của Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốcViệt Nam, chị Phan Bich Thiện cho rằng vai trò và tiếng nói của mặt trận ngày càng được nâng lên trong việc chuẩn bị tổ chức bầu cử, trong việc lựa chọn những người đại diện cho cử tri. Theo dõi thông tin tiến trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, chị Phan Bích Thiện cho rằng: “Các nước khác nhau thì tiến trình, quy định, luật lệ là khác nhau. Không ai có thể khẳng định rằng một cơ cấu bầu cử ở nước nào đó là cơ cấu hoàn hảo cả. Tôi chỉ đơn cử ở Hungary, chỉ năm năm trở lại đây, luật bầu cử ở Hung thay đổi hai lần. Cuộc bầu cử ở Việt nam cũng dần dần có những đổi mới, như trường hợp những người tự ứng cử chẳng hạn. Sau này có thể đặt vấn đề tiếp theo là những người tự ứng cử như thế nảo để người đó thực sự xứng đáng đại diện cho nhân dân. Nhưng tất nhiên đó không phải chuyện ngày một ngày ai. Phương thức bầu cử đã có những sự thay đổi, nhưng chúng ta cần phải tiếp tục quá trình này, đó là quá trình cần thời gian, ngay cả các cử tri cũng cần phải cảm thấy trách nhiệm của mình như thế nào, thay đổi ngay cả cách nhìn nhận của mình trong việc thực hiện quyền cử tri.”

 

Dù sinh sống ở nước ngoài, nhưng nhiều năm qua chị Phan Bích Thiện thường xuyên đi về làm cầu nối trong nhiều lĩnh vực giao lưu văn hóa, giáo dục, kinh tế giữa Việt Nam và Hungary. Hơn nữa, đã và đang tham gia hai nhiệm kỳ ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam – một đầu mối gửi gắm tâm tư nguyện vọng của người Việt mọi tầng lớp xã hội trong và ngoài nước, chị Phan Bích Thiện có nhiều điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu về tình hình kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước. Theo chị Phan Bích Thiện, quy trình bầu cử và hoạt động của quốc hội hiện nay có nhiều nét mới, song cũng rất cần những đổi thay: “Trong số đại biểu quốc hội cũng có nhiều người không phải Đảng viên, hoặc tuổi còn rất trẻ, hoặc phụ nữ cũng tham gia nhiều. Vì tôi là chủ tịch Hội phụ nữ ở nước ngoài, nên tôi thấy đó là những tín hiệu đáng mừng. Nhưng tất nhiên phương thức nào cũng phải đổi mới theo sự thay đổi của xã hội. Hiện giờ nước mình bầu cử 5 năm một lần. Như ở bên kia, có những trường hợp trong nhiệm kỳ quốc hội mà có đại biểu vì lý do nào đó không thực hiện được nhiệm vụ của mình thì vị trí đó sẽ được tầng lớp đó bầu người thay thế”

 

Chị Phan Bích Thiện cũng trăn trở, dù quốc hội có Ủy ban đối ngoại, nhưng nơi đó thực sự dành cho hoạt động đối ngoại chung của cả quốc gia, chứ chưa có một ủy ban nào đại diện cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. “Quốc hội mình có những Ủy ban chuyên trách những lĩnh vực khác nhau. Nhưng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bên phía Nhà nước có Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, còn bên Quốc hội tôi chưa thấy ủy ban nào sẽ đảm trách trách nhiệm đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài thì có lẽ nên đưa thêm trách nhiệm cho một ủy ban nào đó. Tôi cũng biết là trong đợt này Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cũng có người ứng cử vào đại biểu quốc hội. Nhưng chúng tôi cũng mong làm sao để những người đại diện cho lợi ích của người Việt Nam ở nước ngoài trong quốc hội được tăng lên”

 

Để chọn những người đại biểu xứng đáng đại diện cho tầng lớp, khối ngành… của mình, theo chị Phan Bích Thiện cũng rất cần sự thay đổi trong chính nhận thức của người dân về việc tham gia bầu cử. Chị Phan Bích Thiện bày tỏ: “Nếu mình là một công dân có trách nhiệm thì phải thực hiện quyền cử tri của mình. Bất kỳ cuộc bầu cử ở nước nào cũng thế, cũng có rất nhiều ý kiến. Chính vì thế mỗi người cử tri nên sử dụng quyền của mình để ít nhất làm sao có thể góp phần làm thay đổi theo hướng người đó mong muốn. Nếu chúng ta không làm từ những bước rất nhỏ, thì đừng đòi hỏi phải thay đổi những cái lớn. Muốn sự thay đổi càng ngày càng  hoàn thiện hơn, chúng ta phải tham gia vào từng bước nhỏ. Ở đâu cũng vậy, nếu thực sự muốn có một quá trình đổi mới một cách tích cực, thì hãy thực hiện quyền cử tri, đi bầu cử để chọn người mình thấy xứng đáng.”

Phản hồi

Các tin/bài khác