Sư cô Thích Nữ Giới Tánh: Dù sống ở nơi nào luôn phải tự hào về nguồn cội

(VOV5) -Trong Phật giáo cũng có văn hóa dân tộc nên bằng giáo lý nhà Phật tôi hướng các Phật tử dạy dỗ con em phải biết nói tiếng Việt và biết về văn hóa cội nguồn.

Từ nhiều năm qua, trong cộng đồng Phật tử ở Hàn Quốc ai cũng biết đến Sư cô Thích Nữ Giới Tánh -  Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sư cô Thích Nữ Giới Tánh không chỉ có ảnh hưởng tới sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo mà còn đến các hoạt động cộng đồng của người Việt Nam nói chung. Phóng viên Đài TNVN có cuộc phỏng vấn Sư cô Thích Nữ Giới Tánh về hoạt động Phật giáo, thiện nguyện hướng về Tổ quốc.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Chào sư cô Thích Nữ Giới Tánh, xin sư cô cho biết về những hoạt động Phật giáo hiện nay của Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc?.

Tôi là một tu sĩ Phật giáo, một tỳ kheo ni, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc, Ủy viên Ban Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian phổ biến Phật pháp ở nước ngoài, chúng tôi đại diện cho Phật giáo nước nhà luôn chăm lo đời sống tinh thần, an ủi động viên những hoàn cảnh khó khăn, những cô dâu Việt lấy chồng xứ người, giúp đỡ các sinh viên Việt Nam. Ở Hàn Quốc nhiều năm, tôi đã đến rất nhiều vùng như  Ansan, Munchơn, Busan, Xơun và nhiều nơi giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, để nơi nào có người Việt thì nơi đó có bước chân của tôi. Tuy rằng cực khổ nhưng chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được dìu dắt, giúp đỡ mọi người. Bởi vì, tôi nghĩ rằng con đường mình đã chọn là ban vui, cứu khổ, cứu độ chúng sinh.Tôi đem giáo lý Phật giáo ra nước ngoài không chỉ hướng dẫn mọi người biết tu học phật Pháp mà còn phải biết hướng về Tổ quốc, dân tộc.

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh: Dù sống ở nơi nào luôn phải tự hào về nguồn cội - ảnh 1Sư cô Thích Nữ Giới Tánh

PV: Được biết, bên cạnh việc phổ biến Phật Pháp, sư cô cùng Hội Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc có nhiều hoạt động thiết thực hướng về Tổ quốc đặc biệt là hướng về biển đảo quê hương?

Mới đây nhất, tôi tổ chức một buổi lễ cầu siêu và tri ơn các anh hùng liệt sĩ và cầu nguyện cho 64 chiến sĩ Gạc Ma đã hi sinh ngày 14/3 năm 1988. Nỗi niềm thương nhớ và lời  nói của liệt sĩ Trần Văn Phương “thà mất mạng chứ không mất đảo, thà hi sinh chứ không mất nước “ đã làm tôi rất xúc động. Sau buổi lễ cầu siêu đó, tôi có đem linh vị của liệt sĩ Trần Văn Phương cùng 64 liệt sĩ Gạc Ma làm bài vị, thờ tại chùa Pháp Môn ở Muan, Hàn Quốc để cho kiều bào ta thỉnh thoảng đến thắp hương tưởng nhớ, ghi nhớ công ơn những người đã hi sinh để đem lại hòa bình cho Tổ Quốc. Trong buổi lễ cầu siêu đó, nghệ sĩ Ý Lan lấy cát từ đảo Trường Sa, làm nên một bức tranh cát “Bức tranh vòng tròn bất tử”  trong đó có hình ảnh liệt sĩ Trần Văn Phương với lá cờ Tổ quốc. Bức tranh bán đấu giá được hơn 350 triệu đồng. Toàn bộ số tiền sau đó được đưa về Việt Nam để ủng hộ 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Tôi vô cùng hạnh phúc vì có một số tiền lớn giúp 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma, dẫu chỉ là nhỏ nhưng phần nào chia sẻ được nỗi đau của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha. Sắp tới, hoạt động của Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc vào ngày 11/3 (tức 24/1, Chủ nhật) tới, chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm tri ân các anh hùng tử trận cách đây 30 năm và cầu bình an cho các Phật tử kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh: Dù sống ở nơi nào luôn phải tự hào về nguồn cội - ảnh 2Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc ủng hộ biển đảo Quê hương 1.000.000 Won.

 PV:. Sư cô nhận xét như thế nào về sự gắn kết của cộng đồng người Việt cũng như tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt tại Hàn Quốc?

Nói chung, Người Việt Nam định cư tại Hàn Quốc đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Không giống như ở các nước châu Âu, thế hệ trẻ Việt như tờ giấy trắng vì bố mẹ các em cũng chỉ mới sang được vài năm. Tôi cũng mong rằng, các cô dâu Việt cần hiểu rõ văn hóa, bản sắc dân tộc để gìn giữ giá trị nguồn cội. Qua giáo lý nhà Phật, tôi muốn giúp họ ngày càng hiểu thấm hơn. Về việc dạy và học tiếng mẹ đẻ, mỗi khi đến thăm các gia đình cô dâu Việt, lặn lội đến các vùng núi xa xôi, tôi thấy nhiều gia đình người Việt còn nuôi con mà không dạy con tiếng Việt và văn hóa Việt. Trong Phật giáo cũng có văn hóa dân tộc nên bằng giáo lý nhà Phật tôi hướng các Phật tử dạy dỗ con em phải biết nói tiếng Việt và biết về văn hóa cội nguồn. Bởi vì dù sống ở đâu đi nữa mình vẫn là con Rồng cháu Tiên và hãy tự hào rằng mình là người Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn và chúc Sư cô sức khỏe.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác