Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo hậu COVID-19” tại Thụy Sĩ

(VOV5) - Quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cần phải mang tính tổng thể, từng bước tạo dựng nền tảng số mở, mang tính đồng bộ, có sự kết nối cao, đảm bảo độ tin cậy, minh bạch, bảo mật...

Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ mới đây đã phối hợp với Hội trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ (AVIES) tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sau COVID-19” dưới sự chủ trì của Đại sứ (Tiến sĩ) Lê Linh Lan. 

Tọa đàm thu hút sự tham gia của một số chuyên gia AVIES hiện đang nghiên cứu, làm việc trong  lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, blockchain, công nghệ y tế, bảo hiểm, khởi nghiệp…tại Thụy Sĩ và các cán bộ ngoại giao Đại Sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ. Các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về các xu hướng của thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sau đại dịch COVID-19. 

Đối với Việt Nam, các chuyên gia của AVIES nhận định đại dịch COVID-19 vừa mang lại những cơ hội hết sức to lớn cho Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, nhưng đồng thời cũng nêu ra những khó khăn thách thức của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Tiến sĩ Lưu Vĩnh Toàn - chuyên gia về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho rằng quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cần phải mang tính tổng thể, từng bước tạo dựng nền tảng số mở, mang tính đồng bộ, có sự kết nối cao, đảm bảo độ tin cậy, minh bạch, bảo mật, đồng thời phải cải thiện năng lực kỹ thuật số của người dân và tạo ra giá trị tăng trưởng và phát triển. 

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là khoảng cách phát triển giữa các thành phố và vùng nông thôn, miền núi khá cao nên khó tạo ra sự đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Các chuyên gia của AVIES cho rằng trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều tiềm năng và dư địa để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác