Trần Tố Nga: Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam

(VOV5) - Bà Tố Nga không đơn độc trong cuộc chiến này. Bởi, bà là một phần trong đội ngũ của Hội nạn nhân da cam ở Việt Nam, ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới. 

Tại thành phố Evry ở thủ đô Paris, Pháp có một người phụ nữ Pháp gốc Việt sống một mình. Nhiều năm qua, bà lặng lẽ chiến đấu với căn bệnh ung thư mang di chứng chất độc màu da cam. Và, một mình bà cùng những người bạn Pháp vẫn bền bỉ đi tìm công lý cho hàng triệu nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Bà là Trần Tố Nga - người truyền cảm hứng và niềm tin mạnh mẽ trong cộng đồng những người bị phơi nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam và trên thế giới. Dẫu biết, cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân da cam còn gặp nhiều trở ngại nhưng bà Tố Nga khẳng định sẽ đi tới cùng để thảm họa chất độc da cam không bị rơi vào quên lãng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lần đầu tiên được gặp bà Trần Tố Nga tại một sự kiện thăm hỏi trao quà cho nạn nhân chất độc da cam ở Hà Nội năm 2017, tôi thật sự ấn tượng với một phụ nữ Pháp gốc Việt có gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ và đôi mắt đượm buồn. Rồi sau đó, mỗi lần bà về Việt Nam, tôi may mắn được đi cùng bà đến các địa phương như Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội… thăm hỏi các gia đình nạn nhân da cam/ dioxin. Những món quà nhỏ, cử chỉ ấm áp yêu thương, ánh mắt hiền từ và nụ cười khích lệ dành cho những người bị khuyết tật luôn để lại trong tôi sự xúc động và cảm phục sâu sắc.
Trần Tố Nga: Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam - ảnh 1Bà Trần Tố Nga, người Việt tại Pháp quê gốc Sóc Trăng. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Phạm Kiên, một người bị di chứng chất độc da cam/ dioxin ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi được biết bà Tố Nga qua tổ chức Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin VNED ở Việt Nam và những lần được đi cùng bà thăm hỏi nạn nhân da cam. Ở bà, tôi luôn nhận được năng lượng của tình yêu thương và nghị lực vươn lên. Tôi khâm phục và biết ơn những người như bà Nga, bà Thịnh. Họ là điểm tựa niềm tin cho những người kém may mắn như chúng tôi”.

Trần Tố Nga: Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam - ảnh 2Thăm một gia đình có nạn nhân da cam biết vươn lên vượt khó ở Hà Nam. Ảnh HL

Sinh năm 1942 ở Sóc Trăng, bà Trần Tố Nga, nguyên là Phóng viên thông tấn xã Giải phóng. Bà tham gia chiến trường miền Nam, từng bị địch bắt tù đày và bị nhiễm chất độc da cam/ dioxin. Hai con gái của bà cũng bị ảnh hưởng di chứng da cam từ mẹ. Bà kể, sau khi về hưu, bà tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật khó khăn. Nhưng chỉ đến 2006, qua chuyến công tác 10 ngày ở Thái Bình đã làm thay đổi dòng chảy cuộc sống của bà. Năm 2009, bà quyết định tham gia với tư cách nhân chứng Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam mở tại Paris.

Tại đây cho bà cơ duyên gặp nhà văn André Bouny, luật sư William Bourdon và sau này là bà Amélie Lefèbrve và luật sư Bertrand Repolt. Chính họ đã chủ động và tự nguyện sát cánh cùng bà trong cuộc chiến đòi công bằng cho nạn nhân da cam. Tháng 5/2014, với tư cách là công dân Pháp gốc Việt, đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ của bà chính thức được tòa án Pháp chấp nhận: “Thật ra là vì trái tim và tấm lòng mà tôi ra làm chứng. Nói như luật sư Bourdon, ngọn gió của lịch sử” đã đưa mình đến con đường này. Chúng tôi biết rằng khởi kiện là đã bước vào một trận đấu không cân sức và lâu dài. Mục đích cuối cùng có thể là bồi thường, nhưng nếu chỉ cho riêng cá nhân tôi không kiện vì phải trải qua biết bao năm cực khổ. Nhiều năm qua, các luật sư Pháp làm việc không vì một đồng lương nào và họ cũng biết rằng còn phải tiếp tục dấn thân vào vụ việc phức tạp này. Tấm lòng của họ thật cao cả, đáng trân quý và tôi biết ơn họ rất nhiều” - Bà Tố Nga chia sẻ.

Trần Tố Nga: Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam - ảnh 3Năm 2018, Bà Tố Nga, luật sư W. Bourdon, Bertrand Repolt và ông Pham Trương ( VAVA VN) được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh VAVA VN

Kể từ ngày khởi kiện, bà Tố Nga cùng các luật sư người Pháp đã đến thăm nhiều gia đình nạn nhân da cam ở Việt Nam. Dần dần, câu chuyện Trần Tố Nga nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ dư luận trong nước và quốc tế, những nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp Quỹ cho vụ kiện da cam mang tên Trần Tố Nga.

Trần Tố Nga: Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam - ảnh 4Ông W. Bourdon thăm một gia đình bị da cam ở Ha Nam

Ông William Bourdon, vị luật sư hàng đầu của Pháp chuyên về vấn đề nhân quyền - người luôn sát cánh cùng bà Tố Nga bao năm nay trong hành trình tìm công lý cho biết, vụ kiện càng ngày cho thấy rõ sự phức tạp và khốc liệt song vì chính nghĩa và vì công bằng cho những nạn nhân da cam đã không cho phép ông bỏ cuộc: “Sẽ là nói dối nếu nói mình luôn lạc quan. Rất nhiều lần, tôi mệt mỏi và muốn dừng lại nhưng tự nghĩ, làm thế không được, cần phải can đảm và nỗ lực để đi tiếp. Điều đó có được mỗi khi tôi nghĩ đến những lần gặp nạn nhân da cam và bà Nga. Người ta không thể làm được hay chiến thắng được điều gì nếu không có tình yêu đối với những con người mà mình bảo vệ. Tình yêu mà tôi muốn nói ở đây là sự thông cảm, sự chia sẻ, sự nhân ái, lòng trắc ẩn và cảm phục. Cũng nhờ điều đó giúp chúng tôi thêm nghị lực, năng lượng và bản lĩnh. Càng ngày tôi càng thấy sự ủng hộ của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Một nguyên tắc rất căn bản là nếu như mình có thêm sức mạnh khi cuộc chiến kéo dài sẽ giúp mình thêm bền bỉ.”

Trần Tố Nga: Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam - ảnh 5Tuần hành ủng hộ đòi công lý cho nạn nhân da cam ở Paris, Pháp

Trong hơn 6 năm qua, đã có 19 phiên tòa, điều tra diễn ra. Các bị đơn đầy tài lực đã làm mọi cách để ngăn cản vụ án, với các mẹo quy trình pháp lý hòng kéo dài, làm cạn kiệt nguồn lực và ý chí của bà Tố Nga. Thậm chí, họ còn dùng nhiều tiền để trao đổi sự im lặng.

Tuy nhiên, sự quan tâm và ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của dư luận vượt ra khỏi nước Pháp hay Việt Nam đã trở thành nguồn động lực lớn lao để bà Trần Tố Nga tiếp tục cuộc chiến cuối cùng của cuộc đời mình: “Tôi vốn bị hết bệnh này đến bệnh khác, do bị ảnh hưởng bởi nhiễm chất độc da cam. Dù nhiều lúc vô cùng căng thẳng, mệt mỏi nhưng lương tâm tôi không cho phép mình dừng lại. Thực tình tôi chưa nản chính là nhờ nghị lực phi thường vượt lên số phận của nhiều trường hợp da cam Việt Nam. Đó là hình ảnh con người Việt Nam can trường mà tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế, để họ khâm phục rồi tôn trọng mà giúp đỡ chứ không phải vì lòng thương hại. Họ nguồn cảm hứng để tôi nói về thảm họa da cam Việt Nam”

Trần Tố Nga: Ngọn lửa của sự can trường vì công lý cho nạn nhân da cam - ảnh 6Cuốn sách' Đường Trần- Ngọn lửa không bao giờ tắt

Mới đây nhất ngày 10/5/2021, tòa đại hình Evry ở thủ đô Paris đã bác bỏ vụ kiện của bà Tố Nga với 14 công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký Đường Trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt của mình, người con quê gốc Sóc Trăng nghị lực và can trường này tuyên bố sẽ “tình nguyện đi tới cùng, sẵn sàng đi đến tất cả những nơi có nạn nhân chất độc da cam, đi đến khi nào những người có trách nhiệm thấy rõ những điều họ cần làm”…

Đúng vậy, bà Tố Nga không đơn độc trong cuộc chiến này. Bởi, bà là một phần trong đội ngũ của Hội nạn nhân da cam ở Việt Nam, ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới hành động vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam/ dioxin.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác