Ý thức cội nguồn của người Việt tại Đức

(VOV5) - Cho dù là trí thức,  doanh nhân hay người lao động… thì họ luôn đoàn kết xây dựng cộng đồng và ý thức gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ.

Cộng đồng người Việt tại Đức hiện nay hầu hết có cuộc sống ổn định, chịu khó làm ăn và tuân thủ pháp luật ở nước sở tại. Cho dù là trí thức,  doanh nhân hay người lao động… thì họ luôn đoàn kết xây dựng cộng đồng và ý thức gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chị Hà Hoàng Lan, sang học thạc sĩ rồi ở lại CHLB Đức làm việc sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành kinh tế. Khi còn là sinh viên, những ngày sinh viên quốc tế, chị cùng với bạn bè nhân dịp này để quảng bá và giới thiệu văn hóa Việt Nam. Khi đi làm, bận bịu với công việc,  nhưng tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị lại cùng các bạn người Việt Nam tụ tập để nói chuyện, chia sẻ nhiều thông tin về tình hình Việt Nam, kể chuyện về gia đình mình, về những cách mà các gia đình đang làm để gìn giữ văn hóa:Khi đã có gia đình con cái bận nhưng có dịp găp nhau mọi người cố gắng rất vui nói chuyện về con cái, nói chuyện về Việt Nam, tình hình Việt Nam vì VN vẫn là mối quan tâm. Nhà tôi vẫn giữ văn hóa Việt. Con gái vẫn cố gắng trả lời bố mẹ bằng tiếng Việt.

Ý thức cội nguồn của người Việt tại Đức  - ảnh 1 Chị Hoàng Lan, người Việt tại CHLB Đức

Gìn giữ văn hóa trong gia đình là mong muốn của nhiều gia đình người Việt và họ cố gắng thực hiện. Để thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại Đức có thể hiểu văn hóa Việt Nam, có thể nói tiếng Việt, nhiều ông bố, bà mẹ đã lựa chọn cách dạy con học tiếng Việt từ bé theo nhiều cách khác nhau. Bố mẹ sẽ chỉ nói tiếng Việt trong gia đình để những đứa trẻ quen dần với ngôn ngữ dân tộc. Chị Lan Hương, làm giáo viên dạy tiếng Việt tại Đức cho biết:Về nhà tất cả bố mẹ chị em vẫn phải nói tiếng Việt. Chị lớn thì vẫn đọc tiểu thuyết, nghe nhạc Việt như một người Việt. Cháu trai không thích đọc truyện tiếng Việt như chị, nhưng viết lại và nói chuyện bình thường. Từ bé viết nhật ký, bây giờ viết ổn nói thì cũng gần như trẻ con Việt trong nhà.

Ý thức cội nguồn của người Việt tại Đức  - ảnh 2 Bên trong Trung tâm Đồng Xuân ở thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: Rbb24.

Ngoài việc dạy và giao tiếp hàng ngày bằng tiếng Việt trong gia đình, nhiều ông bố, bà mẹ còn dành thời gian đưa con tới các lớp học tiếng Việt. Trẻ con được tiếp xúc, nói chuyện với nhau và các gia đình cũng có điều kiện giao lưu, chia sẻ. Tuy vậy, một thực tế không thể phủ nhận là trẻ con được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ nước sở tại thì việc pha trộn văn hóa là không thể tránh khỏi. Nhiều gia đình cố gắng để gìn giữ và duy trì văn hóa dân tộc cho con cái, nhưng các thế hệ sau có duy trì được hay không còn tùy thuộc vào cách dạy dỗ con cái của lớp trẻ. Ông Nguyễn Xuân Hùng, doanh nhân trong lĩnh vực du lịch tại Đức cho biết:Văn hóa thế hệ sau này dần dần bị pha trộn. Thế hệ con của tôi còn giữ được, bố mẹ cố gắng giữ cho con 50% bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng chúng ta phải chấp nhận là tiếp xúc xã hội Đức từ bé. Rồi nước chảy về nguồn mãi mãi là người Việt Nam.

Nước chảy về nguồn, lá rụng về cội- tâm tư của ông Nguyễn Xuân Hùng cũng là mong mỏi của rất nhiều gia đình người Việt tại Đức. Sống xa quê hương, nhưng lúc nào họ cũng tự hào mình là người Việt, luôn hướng về quê hương. Họ luôn ý thức việc duy trì văn hóa dân tộc, gìn giữ ngôn ngữ cho bản thân và con em.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác