Bộ nhạc cụ truyền thống của người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ

(VOV5) - Đối với người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, một lễ cưới có nổi kèn trống mang lại vinh dự tiếng thơm cho gia đình và niềm hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới cưới.

Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có đông người dân tộc Dao Khâu. Mỗi dòng họ người Dao Khâu ở đây thường có một bộ nhạc cụ truyền thống để khi trong bản có việc cưới, hay việc tang đều sử dụng đến. Bộ nhạc cụ này được đồng bào gìn giữ, nâng niu như báu vật của cộng đồng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Bộ nhạc cụ truyền thống của người Dao Khâu ở Sìn Hồ thường gồm: Kèn, trống, chiêng, thanh la…, trong đó kèn là nhạc cụ chính. Người trong đội nhạc cụ của dòng họ gồm 4 người, đều phải là những người có hiểu biết, cảm thụ âm nhạc, mỗi người chơi một loại nhạc cụ.

 Trong bộ nhạc cụ của người Dao khâu, kèn là nhạc cụ khó học nhất. Để có tiếng kèn trong trẻo vang xa thì người thợ làm kèn phải tỉ mẩn và lựa thân kèn bằng gỗ nghiến hoặc gỗ lim, có độ dài khoảng 30 cm, bên trong đục rỗng, bên ngoài được chia làm bảy đốt, mỗi đốt dùi một lỗ tương ứng với các nốt nhạc (đồ, rê, mi, pha, son, la, si).

Trên đầu kèn có đặt một cái đĩa nhỏ làm bằng đồng, trên cùng là cái dăm kèn làm bằng tổ kén của một loài sâu bám trên cây ổi, người ta cắt về mài dũa đến độ mỏng thích hợp, thổi kêu thành tiếng, có độ khoảng 3cm. Dưới cùng là cái loa kèn bằng kim loại mỏng, thường là đồng thau. Khi làm “Phàn tị công - tức là kèn đực” thì cái loa bé hơn, còn nếu làm “Phàn tị nhẫy - tức là kèn cái” thì loa to hơn. Vì thế, khi trong bản có lễ cưới thì từ xa người ta có thể phân biệt được ngay là phàn tị công hay phàn thị nhẫy.

Bộ nhạc cụ truyền thống của người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ - ảnh 1Đội kèn trống trong lễ rước dâu. 

Ông Tẩn A Sếnh, người dân ở huyện Sìn Hồ, kể: “Trong âm nhạc truyền thống của người Dao chúng tôi có 3 bài kèn nhưng để học được các bài kèn này, người học phải học trong vòng 4 đến 5 năm. Riêng tôi thích tiếng âm thanh của phàn tị công hơn vì thanh bổng, vang xa hơn, phàn tị nhẫy thanh trầm, ít bay xa. Ngày nay, phàn tị nhẩy ít người dùng vì loa to, cồng kềnh, khó mang đi xa.”

Trống của người Dao Khâu có tang được làm từ gỗ “tạ cùng đéng”, một loại gỗ lúc còn tươi thì mềm, dễ đục đẽo, khi khô thì rất nhẹ. Đường kính ngoài của tang trống hai đầu 30 cm, chiều cao của trống từ 12-16 cm, thuận tiên cho người ta mang theo người. Mặt trống được bưng bằng da dê hoặc da lợn cũng có khi dùng da con bê non. Người đánh trống dùng dùi làm bằng gỗ, đuôi dùi được buộc vải đỏ trang trí bắt mắt.

Chiêng của người Dao Khâu hay còn gọi là não bạt rất đặc biệt. Nhạc cụ này được gò bằng đồng thau nguyên chất, có đường dính 25-30cm, mặt phẳng, không có núm ở giữa như cồng chiêng ở vùng Tây Nguyên. Quai xách bằng vải đỏ, có tua để thêm phần trang trí. Người chơi chiêng dùng dùi được làm bằng loại gỗ mềm.

Bộ thanh la, tiếng Dao Khâu gọi là “shào châyz”, là nhạc cụ nhỏ hơn nhiều so với chiêng. Thanh la gồm hai bộ phận giống nhau, phần lồi lên to gần bằng cái bát ăn cơm. Chính giữa có một cái lỗ nhỏ để sâu dây buộc màu đỏ xỏ vào cái lỗ thắt nút bên trong và bên ngoài để người chơi cầm đánh hai mặt của thanh la vào nhau, tạo nên âm thanh.

Bộ nhạc cụ truyền thống của người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ - ảnh 2Bộ nhạc cụ của người Dao Khâu. 

Khi các gia đình trong bản có việc cưới hay việc tang, đội nhạc sẽ được mời đến chơi những bài phù hợp với nghi lễ để chia vui hoặc chia buồn cùng gia chủ. Nếu người quá cố là thầy cúng đã được phong sắc bảy đèn trở lên thì trong lễ tang có dùng cả kèn.

Anh Tẩn A Xoang, người dân ở huyện Sìn Hồ, cho biết: “Điệu thổi kèn, cách đánh trống chiêng trong lễ cưới của người Dao Khâu hoàn toàn khác với các lễ khác. Người đánh trống phải đánh theo điệu kèn. Thanh la, chiêng phải theo trống, hòa nhịp với nhau thì mới thành một bài được. Mỗi loại nhạc cụ của người Dao Khâu khi đi biểu diễn, phục vụ trong đám cưới đều được buộc thêm một miếng vải đỏ không những để trang trí mà còn thể hiện sự may mắn, chúc mừng hạnh phúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.”

Đối với người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, một lễ cưới có nổi kèn trống mang lại vinh dự tiếng thơm cho gia đình và niềm hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Nhạc cụ được dùng trong đám tang, đám cưới, hay các nghi lễ khác nhau của bản cũng chứa đựng những ý nghĩa rất riêng. Bởi thế, bộ nhạc cụ truyền thống được đồng bào dân tộc Dao Khâu gìn giữ như những báu vật của dòng họ, thôn, bản.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác