Độc đáo bộ sưu tập vật dụng bắt voi của Ama Kông

(VOV5) - Gia đình Ama Kông vừa quyết định trao tặng bộ sưu tập vật dụng bắt voi của ông cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Ama Kông người nổi tiếng của dân tộc M’Nông ở Tây Nguyên vì đã từng săn bắt và thuần dưỡng 298 con voi rừng. Ông qua đời ngày 3 tháng 11 năm 2012, thọ 102 tuổi. Gia đình Ama Kông vừa quyết định trao tặng bộ sưu tập vật dụng bắt voi của ông cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 
Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Có tới hơn 20 vật dụng  khác nhau, từ những chiếc roi củ mây do nài voi cầm để điều khiển voi nhà trong các cuộc đi săn voi rừng; tấm đệm lưng voi để đặt bành voi làm bằng vỏ cây lộc vừng đập dập; dây ràng quanh toàn thân voi, dây da trâu dùng để bắt voi rừng..., đến chiếc búa gỗ căm xe đẽo để điều khiển voi trong các cuộc săn bắt, đoạn tre gắn vào đầu dây thòng lọng để xỏ vào chân voi rừng, sừng trâu dùng thay búa, túi đựng dụng cụ săn bắt đan bằng dây rừng, chiếc tù và của Vua Voi.v.v... Các dụng cụ này được chế tác chủ yếu bằng các nguyên liệu như: Tre, mây, sáp ong, đặc biệt là từ da trâu. Tất cả các dụng cụ ấy kết hợp với những hình ảnh, những đoan phim tư liệu quý tại Bảo tàng góp phần dựng lại những hình ảnh hùng tráng về các cuộc săn voi rừng trước đây của người dân tộc M’Nông với những gian nan, vất vả, sự dũng cảm, trí thông minh, tài nghệ tuyệt vời của người săn voi. Phó giáo sư, Tiến sỹ Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, cho rằng: bộ sưu tập này là quý giá đối với Bảo tàng Dân tộc học VN:Đây là lần đầu tiên Bảo tàng được nhận một bộ sưu tập lớn do người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tặng. Thứ hai là bộ sưu tập gắn với tên tuổi của một người rất nổi tiếng là Ama Kông và nghề săn bắt voi. Bộ đồ nghề này đã tham gia săn bắt 298 con voi và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phong tục tập quán, đời sống, lối sống của người N'Nông.

Độc đáo bộ sưu tập vật dụng bắt voi của  Ama Kông - ảnh 1
Dây thòng lọng da trâu, được chế tác công phu trong nhiều năm.

Ama Kông tên thật là Y Prông Êban. Ông nổi tiếng là người săn được voi nhiều nhất ở Buôn Đôn, thuần dưỡng thành công 298 con voi rừng và được gọi là “ Vua voi”. Ông đã tặng voi cho vua Thái Lan, vua Lào; đi săn voi với vua Bảo Đại. Ông từng săn được voi trắng và thuần dưỡng voi một ngà, loại voi nổi tiếng bởi độ quý hiếm và tinh khôn.

 Ông Khăm Phết Lào, người con trai thứ 10 của Ama Kông (hiện đang sống ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc cho biết bộ đồ săn bắt voi này có tuổi đời trên 100 năm của dòng họ nhà Khun Ju Nốp, người Pơ Nong (dân tộc M'nông) nổi tiếng suốt hơn 1 thế kỷ với nghề săn voi. Gia đình ông Khăm Phết Lào quyết định tặng bộ sưu tập của dong họ cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với mong muốn: “Đây là báu vật tổ tiên, là dụng cụ bắt voi, nhưng bây giờ không bắt nữa. Tôi không bắt voi, mà để trưng bày dụng cụ này cho du khách xem. Bố mất rồi, nhưng hỏi mẹ gửi cho bảo tàng. Mình để ở nhà, đời con, đời cháu mỗi người lấy đi một dụng cụ thì nó cũng mất, nên mình gửi cho Bảo tàng Dân tộc học để con cháu mãi đời sau đều nhìn, đều thấy”.

Độc đáo bộ sưu tập vật dụng bắt voi của  Ama Kông - ảnh 2
Tù và làm bằng sừng trâu rừng

 Ngoài bộ đồ nghề săn voi được trao tặng cho Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, gia đình ông Khăm Phết Lào hiện còn đang lưu giữ 2 bộ đồ nghề săn voi khác do tổ tiên để lại trong ngôi nhà bằng gỗ cổ 120 tuổi ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc. Vẫn như lúc Ama Kông còn sống, trong ngôi nhà sàn vẫn trưng bày những những bức ảnh, kỷ vật gắn liền với cuộc đời săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của ông. Khách có thể thấy những hiện vật độc đáo như: sợi dây thòng lọng dài 120m bện bằng bộ da của 7 con trâu đực đã dùng hơn 100 năm mà không mục nát, bên cạnh đó là tấm nệm lót để đặt bành trên lưng voi sử dụng khi đi săn voi, hay chiếc tù làm từ sừng trâu được “Vua voi”dùng để báo hiệu cho buôn làng biết mỗi khi đi săn thắng lợi trở về. Dù không còn nghề săn bắt voi rừng như cha ông xưa, nhưng bộ sưu tập hiện vật săn bắt voi của Ama Kông đủ để phản ánh sinh động về vị trí, vai trò của con voi trong đời sống văn hóa của người M'nông ở khu vực Buôn Đôn, Đắc Lắc nói riêng và ở khu vực Tây Nguyên nói chung./.

Phản hồi

Các tin/bài khác