(VOV5) - Việc duy trì lễ cúng sức khỏe cho voi cũng là dịp nhắc nhở con người hãy đối xử với loài voi như người trong nhà, để luôn gần gũi, thân thiện, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo tồn loài voi.
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, voi không chỉ là tài sản lớn thể hiện sức mạnh của gia đình, dòng họ, mà còn là hiện thân của thần voi - biểu trưng của sự may mắn, thịnh vượng của buôn làng. Chính vì vậy, đến nay, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên vẫn lưu giữ nhiều lễ nghi, tập tục liên quan đến voi, trong đó có lễ cúng sức khỏe cho voi được tổ chức hằng năm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mỗi lần làm lễ cúng sức khỏe cho voi, bà con dân tộc Ê đê ở buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, lại chọn bến nước Bay Rông làm nơi tổ chức. Đoàn người nối nhau từ buôn đến bến nước, dẫn đầu là thầy cúng Y Hăn Bkrông. Trên tay thầy cúng cầm một bầu nước nhỏ, theo sau ông là 2 người phụ cúng và đoàn thanh niên, phụ nữ đem lễ vật ra nơi làm lễ. Cạnh bến nước, dưới những tán cây me cổ thụ, 7 con voi được khoác trên mình những tấm thổ cẩm sặc sỡ.
Ông Y Tăng Rya, ở buôn Ea Rông A, xã Krông Na, cho biết: Với người Ê đê, voi là “người bạn lớn” thân thiết của gia đình: "Theo truyền thống thì nghi lễ cúng cho voi là thể hiện sự tôn trọng đối với con voi, cầu mong voi được khỏe mạnh. Khi làm lễ sẽ lấy rượu, huyết heo bôi lên người voi để chúc voi có nhiều sức khỏe, ăn uống khỏe mạnh, không bị ốm đau bệnh tật."
Khi mọi lễ vật đã chuẩn bị xong, voi được khoác lên mình tấm vải thổ cẩm rực rỡ và được nài voi điều khiển bước vào khu vực tổ chức nghi lễ. Ảnh: VOV |
Trong khi đó, đồng bào dân tộc M’nông coi con voi như thành viên trong gia đình. Voi được quan tâm chăm sóc và được làm lễ cúng sức khỏe với mong muốn voi luôn khỏe mạnh, hiền lành, đem lại nhiều may mắn cho gia chủ và buôn làng. Theo truyền thống, lễ cúng sức khỏe cho voi được tổ chức khi kết thúc mùa màng và các sự kiện quan trọng trong năm.
Khi đó, voi sẽ được tắm rửa sạch sẽ, được ăn thức ăn ngon, cho nghỉ ngơi và làm lễ cúng sức khỏe. Trước đây, lễ vật cúng thường là một con heo và vài ché rượu cần hoặc tùy điều kiện của gia chủ. Nhưng nay, cứ khoảng 2 - 3 năm/ 1 lần, xã sẽ tổ chức cúng sức khỏe tập thể cho tất cả những con voi trong xã.
Ông Y Ril Knul, già làng buôn Ea Mar, xã Krông Na, cho biết trong lễ cúng tập thể này, người dân cùng chính quyền địa phương chuẩn bị lễ cúng và phân công nhiệm vụ cho những người thực hiện: "Lễ vật gồm gạo, cơm, nến, trầu, thuốc đặt trên bàn lễ, cùng với đó là rượu cần, con heo khoảng 30kg. Con heo được giết thịt rồi lấy huyết bỏ lên bàn lễ, sau đó lấy huyết này cùng với các lễ vật khác đặt lên đầu voi để minh chứng cho tình cảm của gia chủ dành cho voi, để voi biết được là nó đang được gia chủ làm lễ chúc sức khỏe."
Dẫn đầu đoàn là thầy cúng, trên tay ông cầm một bình nước làm từ quả bầu khô. Ảnh: VOV |
Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi được thực hiện với 3 lần cúng là cúng tổ tiên, cúng chúc sức khỏe voi và cúng tạ ơn các thần. Sau mỗi lần cúng, tiếng chiêng lại ngân lên rộn ràng, các thanh niên nam nữ nắm tay nhau múa Xoang và cùng nhau thưởng thức rượu cần ở các ché. Sau đó, thầy cúng bước tới vị trí đã được chuẩn bị sẵn, nài voi dắt voi tiến đến gần để thầy cúng đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới nước lên đầu voi.
Vừa làm, thầy cúng vừa đọc lời khấn cầu mong voi luôn khỏe mạnh, gần gũi và giúp đỡ gia đình, buôn làng trong những công việc quan trọng, đồng thời trực tiếp đeo vòng đồng cho nài voi, lấy một phần thức ăn cho các nài voi ăn và khấn cầu mong các nài voi có sức khỏe để chăm sóc, bảo vệ voi.
Kết thúc phần lễ, mọi người dân lại tiếp tục đánh chiêng, uống rượu cần và hòa mình vào không khí lễ hội. Không chỉ là dịp để chủ voi, nài voi thể hiện sự trân quý đối với voi của mình, Lễ cúng sức khỏe cho voi còn là dịp để người dân trong các buôn quây quần để thêm gắn bó, đoàn kết và duy trì những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Anh Y Com H wing, Đội trưởng Đội cồng chiêng xã Krông Na, chia sẻ: "Mình cũng tham gia đóng góp để cho có phong trào cho bà con dân làng của mình. Tôi thấy lễ hội được tổ chức như thế này rất vui mừng. Cũng có sự đóng góp, vận động bà con tổ chức lễ như ngày hôm nay để dân làng duy trì và phát triển nghề chăm sóc voi."
Kết thúc phần lễ, mọi người dân lại tiếp tục đánh chiêng, uống rượu cần và hòa mình vào không khí lễ hội. Ảnh: VOV |
Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực để duy trì và chăm sóc đàn voi. Với các mô hình du lịch thân thiện cùng voi được quan tâm nhiều hơn, việc tổ chức các nghi lễ truyền thống gắn với voi mở ra hướng đi mới để phát triển du lịch.
Ông Y Tê Bkrông, ở buôn Drang Phôk, xã Krông Na, mong muốn những nghi lễ như thế này sẽ được duy trì thường xuyên và trở thành hoạt động văn hóa đặc sắc, trở thành điểm nhấn du lịch tại địa phương: "Xã hội phát triển những chúng tôi không thể để mất bản sắc văn hóa của dân tộc. Phải luôn gìn giữ các phòng tục, tập quán thì mới phát huy được các giá trị. Đặc biệt, để giữ lại bản sắc truyền thống văn hóa, xã Krông Na và Trung tâm du lịch sẽ giúp người dân tổ chức lễ hội gắn với du lịch, để vừa gìn giữ lễ hội vừa để giới thiệu đến với du khách."
Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên là nét đẹp nhân văn, thể hiện tình cảm giữa người và voi trong cuộc sống hằng ngày. Hơn thế nữa, còn thể hiện sự tri ân của con người đối với loài voi, bởi voi vốn là loài vật rất thông minh, thân thiện, gần gũi với con người, chăm chỉ lao động giúp người dân làm ra của cải, vật chất. Việc duy trì lễ cúng sức khỏe cho voi cũng là dịp nhắc nhở con người hãy đối xử với loài voi như người trong nhà, để luôn gần gũi, thân thiện, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo tồn loài voi.